Tin mới nhất

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: áng hùng văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 68 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2014), ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước. 

Dưới thời đại Hồ Chí Minh, Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một áng văn kiệt xuất. Tiếp đó, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng là một áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài chín năm kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ.

Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho chúng ta cảm nhận thấy hào khí và tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống kẻ thù xâm lược:

“Hỡi đồng bào toàn quốc! 

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với Chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Người kí với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946. Tiếp đó, Người qua Pháp chỉ đạo phái đoàn Chính phủ ta đàm phán với Chính phủ Pháp ở Phôngtenblô. Cuộc đàm phán thất bại do lập trường phía Pháp vẫn theo chính sách thống trị Việt Nam.

Trước tình hình đó, ngày 18 và 19/12/1946 tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc, và ngày 19/12/1946 trên căn gác xép, Người viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đến 20 giờ ngày 19/12, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 20/12 tại Hang Trầm (Chương Mĩ, Hà Đông), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chính là văn kiện thứ hai đề cập đến mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng và cuộc kháng chiến, đó là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, là những khát vọng của một dân tộc đã bị mất nước: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”; “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bởi vậy, chúng ta có thể hiểu rằng vì sao toàn dân Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và các thế hệ người Việt Nam đã tự nguyện hi sinh chiến đấu đến cùng cho những mục tiêu ấy.

Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi bộ đội, tự vệ, dân quân: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Hưởng ứng lời kêu gọi này, quân và dân Hà Nội đã nêu cao tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và Người cũng trịnh trọng tuyên bố: “Chính phủ Hồ Chí Minh thề quyết lãnh đạo nhân dân và quân đội chiến đấu đến cùng, để phá tan xiềng xích của bọn thực dân, để tranh lại quyền thống nhất và độc lập. Chính phủ Hồ Chí Minh quyết làm trọn cái nhiệm vụ vẻ vang mà quốc dân đã giao cho và quyết không phụ lòng tin cậy mà đồng bào đặt vào Chính phủ”[1].

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành sự thật với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, khẳng định niềm tin tất thắng, đem lại độc lập thống nhất cho đất nước:

“Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta. Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”./.

 


[1] Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam -Tập 3.-H.: Nxb Chính trị Quốc gia, 2009. -tr.242

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số