Tin mới nhất

Vai trò của giảng viên Trường Chính trị

Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo, nhân dân tôn vinh, gọi người thầy giáo là "kỹ sư tâm hồn".

Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào thầy giáo cũng được kính trọng, luôn được tôn quý, vị nể. Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo, nhân dân tôn vinh, gọi người thầy giáo là "kỹ sư tâm hồn". Bởi dạy học không chỉ dạy chữ mà cao hơn là dạy cho người học đạo lý làm người. Chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của các trường Chính trị là đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở, bồi dưỡng những đối tượng này về lý luận chính trị, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kiến thức và nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, quản lý hành chính Nhà nước và công tác vận động quần chúng. Do đó vai trò của người giảng viên trường Chính trị là hết sức quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, vai trò của người giảng viên trường Chính trị được nhìn nhận ở ba khía cạnh chính: người giáo viên; người nghiên cứu khoa học; người tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương.

Thứ nhất, giảng viên trường Chính trị với vai trò là người giáo viên.

Đây là vai trò truyền thống nhưng quan trọng và tiên quyết với một giảng viên trường Chính trị. Yêu cầu của giảng viên trường Chính trị trước hết phải có phẩm chất đạo đức và kiến thức chuyên ngành mình giảng dạy, đó mới là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ cho một giảng viên. Người giảng viên trường Chính trị phải có những tiêu chuẩn sau:

Có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành và môn học mà mình giảng dạy. Giảng viên phải thật sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có phông kiến thức sâu rộng, phương pháp giảng dạy tốt. Để có những kiến thức đó, trước hết mỗi giảng viên phải có kiến thức chuyên ngành, liên ngành và phương pháp giảng dạy, rút ra kinh nghiệm, đồng thời phải bổ sung những kiến thức còn thiếu. Mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ. Để có kiến thức rộng, giảng viền cần thật sự yêu nghề, luôn chịu khó học tập, luôn dành tâm sức cho bài giảng. Người giảng viên phải đầu tư chiều sâu cho chuyên ngành của mình giảng dạy. Đối với giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin, muốn bài giảng sinh động, giàu sức thuyết phục, cần phải liên hệ thực tiễn thế giới, đất nước, và địa phương.

Có kiến thức cơ bản của các chuyên ngành, môn học trong toàn bộ chương trình đào tạo. Tuy mỗi giảng viên đều đi sâu về một chuyên ngành nhất định, nhưng để đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học thì ngoài chuyên ngành của mình phải có kiến thức cơ bản, ít nhất phải nắm vững các bộ môn lý luận Mác - Lênin và mỗi quan hệ giữa các môn đó trong mỗi bài giảng. Nhất là phải nắm được nội dung cơ bản của triết học Mác - Lênin, bởi triết học trang bị thế giới quan, phép biện chứng, phương pháp luận khoa học... Giúp cho giảng viên soạn và trình bày bài giảng có hệ thống, lô-gic và giàu sức thuyết phục.

Có kiến thức về kỹ năng dạy và học. Kiến thức và kỹ năng dạy và học bao gồm khối kiến thức về phương pháp luận, kỹ thuật dạy và học nói chung và dạy học trong từng chuyên ngành cụ thể. Bên cạnh phương pháp chung thì mỗi chuyên ngành đều có những đặc thù riêng biệt đòi hỏi phải có những phương pháp tiếp cận khác nhau. Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với giảng viên lý luận chính trị là phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy. Các phương tiện kỹ thuật bổ sung và làm phong phú thêm những nội dung của bài giảng, thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi đi sâu nghiên cứu của học viên. Làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện đại, sự bùng nổi của công nghệ thông tin, đòi hỏi giảng viên phải sử dụng thành thạo vi tính. Đây là một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Thứ hai, giảng viên trường Chính trị với vai trò là người nghiên cứu khoa học.

Giảng viên trường chính trị cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ không thể thiếu trong giảng dạy. Nghiên cứu khoa học giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải nghiên cứu, tìm hiểu đọc những tài liệu liên quan... Vì thế, giảng viên có quá trình tích lũy về lượng để biến đổi về chất, tri thức ngày càng được mở rộng và chuyên sâu. Giảng viên sẽ thực sự chủ động trước các vấn đề đặt ra và sẽ kết hợp tốt, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp trong mỗi giờ giảng để nâng cao kết quả đào tạo.

Thứ ba, giảng viên trường Chính trị với vai trò là người tham gia đào tao, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho địa phương.

Đây là một vai trò rất nhiều giảng viên trường Chính trị đang thực hiện, nó cũng là một vai trò mà xã hội đánh giá cao và kỳ vọng ở các giảng viên. Trong vai trò này, giảng viên có nhiệm vụ đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Để thực hiện tốt vai trò này, đòi hỏi người giảng viên trường Chính trị phải được đào tạo chính quy trên các lĩnh vực, các mặt tri thức, đạo đức, lối sống, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ tri thức, làm chủ bản thân mình. Mỗi giảng viên trường Chính trị phải thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phải là tấm gương sáng, gương mẫu trong lời nói và việc làm. Phải giữ lối sống trong sáng và giản dị, đoàn kết với đồng chí, đồng nghiệp, giữ quan hệ đúng mực với học viên. Trong điều kiện hiện nay, phải cố gắng bằng lao động chính đáng và hợp pháp để không ngừng nâng cao đời sống về tinh thần và vật chất, phải xây dựng và tạo lập hình ảnh, phong cách cho người giảng viên trường Chính trị.

Như vậy, cả ba vai trò (người giáo viên, người nghiên cứu khoa học, người tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương) bổ sung cho nhau, có mỗi liên hệ hỗ trợ hết sức chặt chẽ. Thực hiện đầy đủ và toàn diện cả ba vai trò trên là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi giảng viên trường Chính trị./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số