Tin mới nhất

Hồ Chí Minh với vấn đề xây dựng đời sống văn hóa mới trong nhân dân

“Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Đó là những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng đời sống văn hóa mới trong tác phẩm “Đời sống mới” được xuất bản năm 1945.

Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, một người yêu nước nồng nàn, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Do đó, hơn ai hết, Người thấu hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của vấn đề dân sinh, dân chủ, dân quyền, trong đó, Người luôn chú trọng quan tâm đến đời sống nhân dân, bởi đó là gốc, gốc có vững thì cành lá mới xanh tươi và hoa quả mới ngọt ngào.

 Sinh thời, mặc dù Bác bận chăm lo cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng Bác vẫn luôn quan tâm, chú trọng đến xây dựng đời sống văn hóa nhân dân, đặc biệt là vấn đề xây dựng nền văn hóa mới, đời sống mới.

Tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xây dựng đời sống mới và tháng 3 năm 1945, Người đã viết cuốn sách “Đời sống mới”, với bút danh Tân Sinh để nói đến ý nghĩa của việc xây dựng đời sống mới và hướng dẫn cách xây dựng đời sống mới trong nhân dân. Nhờ đó, xây dựng đời sống mới trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp cả nước, hòa chung không khí cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh:" Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới", và đời sống mới theo quan điểm của Người đó là xây dựng đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới.

Trước hết, phải chú trọng xây dựng đạo đức mới, đó là “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Theo Bác: “Nếu không giữ được Cần, Kiệm, Liêm, Chính dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” và “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho Đời sống mới”. Người cũng giải thích rằng, đạo đức mới không phải là gạt bỏ mọi cái cũ mà phải phát huy những tinh hoa về truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tương thân, tương ái.

Lối sống mới theo Bác đó là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Theo Hồ Chí Minh, cách ăn, mặc, ở không phụ thuộc vào những thứ dùng để ăn, mặc, ở nhiều hay ít, sang trọng hay đơn giản, mà lại phụ thuộc vào lối sống có hay không có văn hóa của mỗi con người.

Trong xây dựng đời sống mới Bác cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng nếp sống mới. Thực hiện lời kêu gọi của Người về xây dựng đời sống mới, phong trào xây dựng nếp sống mới đã được phát động rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt đã dần được loại bỏ. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đang thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư. Phong trào xây dựng xã, phường văn hóa, khu dân cư, thôn, làng, bản văn hóa… đã mang lại hiệu quả to lớn, có tác động tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, làm thay đổi diện mạo đời sống nhân dân.

Như vậy, xây dựng đời sống mới là vấn đề quan trọng và là việc làm cần thiết không chỉ trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc mà ngay cả trong công cuộc gìn giữ hòa bình,  CNH, HĐH đất nước. Xây dựng đời sống mới không chỉ là nhiệm vụ đặt ra của Đảng, Nhà nước mà còn là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ mỗi người, mỗi gia đình, làng xã. Do đó, bản thân chúng ta cần phải luôn phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí minh trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới ngay từ chính bản thân chúng ta, đến gia đình, đến cộng đồng xã hội./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số