Tin mới nhất

Trường Dục Thanh - “Nơi này Bác đã đi qua” cảm xúc qua nét phác họa của nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh

Trường Dục Thanh - “Nơi này Bác đã đi qua” cảm xúc qua nét phác họa của nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh

“Nơi này, nơi này Bác đã đi qua

Những năm đất nước đắm chìm đau thương

Bác ơi! Trường Dục Thanh, thầy giáo Thành,

mãi in trong lòng, dân nghèo nơi Phan Thiết xưa,…”

Lời mở đầu của ca khúc “ Nơi này Bác đã đi qua” của nhạc sĩ Đỗ Quang vinh nghe thật xao xuyến, bồi hồi, khuấy lên niềm xúc động dâng trào trong trái tim tôi  mỗi khi nghe bài hát này trong dịp tập văn nghệ giao lưu mừng ngày sinh nhật Bác.

Để kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), Trường Chính trị Bình thuận đã lập kế hoạch tổ chức hội thi văn nghệ giữa các lớp học  và công chức, viên chức, lao động nhà trường với chủ đề “Sáng mãi tên Người”.

Thời gian trước khi diễn ra hội thi, các đơn vị đã rất tích cực luyện tập với nhiều hình thức khác nhau như: hát đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, múa. Trường Chính trị cũng chuẩn bị tham gia với nhiều tiết mục đặc sắc, trong đó có tiết mục múa với ca khúc “Nơi này Bác đã đi qua” ca ngợi về Trường Dục Thanh và vùng đất Phan Thiết, nơi in dấu chân Bác trong thời gian Người dừng chân ở Bình Thuận.

Với ngôn từ trau chuốt trong bài hát đong đưa ngập tràn cảm xúc, khiến tôi xúc động mỗi khi nghe và cảm thấy tự hào về quê hương của mình nơi có ngôi trường nổi tiếng mà Bác đã từng dạy học, nhất là mỗi khi câu hát “Bác ơi, Trường Dục Thanh, thầy giáo Thành…” vang lên, lòng tôi bỗng dâng lên một nổi niềm khó tả,vừa tha thiết yêu thương Bác, vừa cảm thấy sự gắn bó đặc biệt giữa người thầy giáo Thành với Trường Dục Thanh, sự gắn bó giữa vị cha già kính yêu của dân tộc với nhân dân Bình Thuận.

“Nơi này” - Trường Dục Thanh, nơi Bác đã dừng chân dạy học vào năm 1910 đã khắc ghi hình bóng của Người. “Dục Thanh” là từ viết tắt của từ “giáo dục thanh thiếu niên”, là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu TrinhTrần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Đây cũng là ngôi trường mà Bác đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước.

Trường Dục Thanh trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước vẫn còn nguyên vẹn giá trị và được tỉnh Bình Thuận quan tâm đầu tư bảo quản, phát huy giá trị. Nằm trong quần thể Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, Trường Dục Thanh không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa lớn của tỉnh, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng đối với cán bộ và nhân dân Bình Thuận. Nơi đây, cũng là địa điểm tham quan du lịch không thể bỏ qua của các du khách mỗi khi đến Bình Thuận.

Ngày nay, trong đất nước hòa bình, nhân dân Bình Thuận hòa chung nhịp nhân dân cả nước chung tay xây dựng đất nước, nhưng luôn khắc ghi lời dạy của Người:

“Kết đoàn như một niềm tin

Vững bền như ngọn trường sơn”

Lời kết bài hát là lời dặn dò của Bác về công cuộc xây dựng tương lai nước nhà, xây dựng quê hương, với điều cần nhất là sự đoàn kết, đoàn kết là niềm tin tất thắng, vững bền như ngọn núi trường sơn. Sắp đến ngày sinh nhật Bác, cả nước nói chung và nhân dân Bình Thuận nói riêng đều hướng trái tim về Bác. Riêng tôi, cảm thấy bồi hồi và vinh dự khi được tham gia hoạt động kỷ niệm ngày sinh của vị Chủ tịch kính yêu, đặc biệt càng nhớ, càng thương, càng biết ơn Người mỗi khi nghe những bài ca về Bác vang lên và thêm tự hào về quê hương mình, nơi có Trường Dục Thanh - “nơi Bác đã đi qua”./.

                                                                                          


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số