Tin mới nhất

Một vài suy nghĩ về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tư tưởng của Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta, dân tộc ta một kho tàng vô giá đó là di sản tư tưởng của Người, trong đó có vấn đề tôn giáo. 

Theo Người, ở Việt Nam, do đặc điểm về lịch sử, văn hoá nên sự khác biệt giữa đạo và đời thường không rõ nét. Đạo là để phục vụ nhân sinh, phục vụ con người. Vì vậy, đa số đồng bào có đạo là người yêu nước, chỉ: “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”[1].

Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo cho nên phải chống địch lợi dụng tôn giáo: “Trong hơn 80 năm thống trị nước chúng tôi, bọn thực dân dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chúng áp dụng chính sách cổ điển là “chia để trị”[2]. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải làm sao để đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc, tập trung sức mạnh vào xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam, chống lại luận điệu xuyên tạc, chia rẽ thù địch của các thế lực phản động trong và ngoài nước. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam DCCH, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ thực hiện 6 vấn đề, trong đó có vấn đề là: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”[3]. Hồ Chí Minh chủ trương giải quyết hài hoà giữa lợi ích tập thể với cá nhân  và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Mặt khác, Người cho rằng, quan niệm về tôn giáo của người Việt Nam không giống quan niệm về tôn giáo của người phương Tây. “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo, theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội... Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm. Chúng tôi không biết uy tín của người thầy cúng, của linh mục là gì”[4].

Theo Hồ Chí Minh, toàn bộ công tác tôn giáo, là hướng đến độc lập, tự do cho dân tộc. Trong thư gởi đồng bào công giáo nhân ngày lễ Thiên chúa giáng sinh, Người viết: “Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”[5].             

Theo Người, công tác tôn giáo là phải vận động giáo dân tham gia vào quá trình xây dựng đời sống mới, nhưng nhất thiết phải kết hợp đồng bộ các giải pháp, kết hợp sức mạnh của mọi cơ quan trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Đảng để thực hiện công tác tôn giáo. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ cách mạng cần phải am hiểu tập quán của giáo dân, không nên ứng xử thô bạo với đồng bào có đạo. Người nói: nhiều cán bộ hễ nói đến cha cố, không phân biệt tốt xấu, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân công giáo khó chiụ. Đồng thời, công tác tôn giáo phải phát hiện những giá trị tích cực của tôn giáo và biết khai thác, kết hợp nhuần nhuyễn chúng với tư tưởng cộng sản nhằm đem lại lợi ích cho cách mạng. Người viết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm chính là chính sách của nó phù hợp với những điều kiện nước ta… Tôi cố gắng làm một học trò nhỏ của các vị ấy”[6]. Người là hiện thân của sự kết hợp những giá trị tốt đẹp nhất của các tôn giáo “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”[7].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, công tác tôn giáo góp phần to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất. Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng của Người càng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và xây dựng nền văn hoá Việt Nam mới, hiện đại. 

Với quan điểm: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, Đảng ta quan tâm một cách đặc biệt đến công tác tôn giáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân và đấu tranh triệt để với âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, mặc dù kẻ địch không ngừng lợi dụng tôn giáo kích động các chức sắc và tín đồ tôn giáo gây rối an ninh trật tự xã hội, làm cho tình hình chính trị ở một số nơi trong nước mất ổn định, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng các cơ quan chức năng đã chủ động nắm tình hình, sớm phát hiện, giải quyết kịp thời, nhờ đó, niềm tin của các tín đồ vào công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng ta lãnh đạo ngày càng được củng cố và nâng cao.              

Trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, công tác tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam phải ngày càng hoàn thiện, hướng đồng bào có đạo vào các hoạt động “tốt đời, đẹp đạo”, “nước vinh, sáng đạo” thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Tập 3, Nxb. CTQG, H, 1995, Tr. 422

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Tập 9, Nxb. CTQG, H, 1995, Tr. 347

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Tập 4, Nxb. CTQG, H, 1995, Tr. 9

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Tập 1, Nxb. CTQG, H, 1995, Tr. 479

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Tập 4, Nxb. CTQG, H, 1995, Tr. 490

[6] Hồ Chí Minh: Về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, Nxb. KHXH, H, 1998, Tr152

[7] Xem: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp,  Phạm Văn Đồng, Nxb. ST, H, 1990, Tr27.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số