Tin mới nhất

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - bài học giá trị của Cách mạng tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta. Tinh thần quật khởi và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám đã trở thành động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đã 70 năm trôi qua nhưng những bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết là một truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Đoàn kết cũng đã trở thành một giá trị tiêu biểu trong nền văn hoá chính trị Việt Nam hiện đại. Tổng kết kinh nghiệm lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta bài học khi nào dân ta đoàn kết thì độc lập nước ta được giữ vững, khi nào dân ta không đoàn kết thì độc lập nước ta có nguy cơ bị xâm phạm[1].

Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quy tụ những thanh niên - trí thức yêu nước ưu tú, mở nhiều lớp huấn luyện để đào tạo họ thành một lớp cán bộ tài năng, chuẩn bị cho sự nghiệp dựng Đảng - Cứu nước. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, vấn đề đầu tiên, được Người đưa ra coi như nguyên tắc để gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất phong trào cộng sản Việt Nam là: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương[2]. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo và cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ngay từ đầu đã liên minh cách mạng công - nông, tạo nên yếu tố hạt nhân và nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Cao trào 1936 - 1939, với điều kiện trong nước và thế giới có nhiều biến đổi quan trọng, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đổi mới mạnh mẽ công tác vận động và tổ chức quần chúng. Với sự trở về của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ VIII của Đảng họp vào từ ngày 10 đến 19/5/1941 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, mở ra con đường đi tới thắng lợi của cuộc đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Hội nghị khẳng định: Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng; Người viết “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”[3]. Hội nghị Trung ương VIII của Đảng và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, tất cả những quyết định của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh đều đã được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh. Kết quả là chỉ khoảng hai tuần, được đồng bào cả nước đồng lòng, đồng sức Cách mạng tháng Tám 1945 đã thắng lợi hoàn toàn trong cả nước.

Như vậy, từ khi ra đời Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để tạo nên sức mạnh quật khởi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định lực lượng cách mạng. Với đường lối đúng đắn ngay từ đầu, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của lực lượng toàn dân tộc, nêu cao tinh thân yêu nước, khát vọng độc lập tự do, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; đã tập hợp được các tổ chức yêu nước và đông đảo quần chúng nhân dân thành một khối trên tất cả địa bàn rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị; trong tất cả mọi giai cấp, tầng lớp xã hội. Không có lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bài học về xây dựng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫnlà vấn đề sống còn của cách mạng”. Trong xu thế hiện nay, không có quốc gia nào phát triển mà tách khỏi trào lưu chung của thế giới. Việt Nam phải kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại trên cơ sở giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ cao nhất nguồn lực bên ngoài, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Điều quan trọng là trong khi hội nhập phải giữ vững độc lập, tự chủ. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận; nhất là Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về“Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Các ngành, các cấp cần tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quan tâm chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, thông qua các phong trào, cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, v.v. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống dân cư; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cơ hội, cục bộ, bè phái, v.v. Qua đó, không ngừng tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần của đất nước và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, mỗi công dân Việt Nam cần phải không ngừng rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy tính sáng tạo, truyền thống yêu nước nồng nàn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, trang 221-229.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, trang 561.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, trang 198.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số