Tin mới nhất

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm ở tỉnh Bình Thuận hiện nay

Cộng đồng người Chăm đã gắn bó với vùng đất Bình Thuận qua nhiều thế kỷ và cùng với các dân tộc anh em khác trên vùng đất này đã đóng góp cho nền văn hóa của tỉnh nhà nói riêng và của Việt Nam nói chung nhiều di sản quý giá. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một yêu cầu quan trọng, luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm. 

Bình Thuận là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm, với hơn 41.000 người, trong đó gần 26.000 người theo đạo Bàlamôn và hơn 15.000 người theo Hồi giáo (Bàni). Người Chăm sinh sống tập trung tại 6 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Trong đó có 4 xã thuần đồng bào Chăm gồm: xã Phú Lạc thuộc huyện Tuy Phong và 3 xã thuộc huyện Bắc Bình: Phan Hòa, Phan Hiệp, Phan Thanh. Và 9 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện thị, thành phố của tỉnh, gồm thôn Tuy Tịnh Chăm, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong; thôn An Lạc, xã Bình An, huyện Bắc Bình; thôn Lương Bắc, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình; thôn 3, thị trấn Ma Lâm; thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí; thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú của huyện Hàm Thuận Bắc; thôn Chăm, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam; thôn Phò Trì xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân; thôn Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh.

Việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Chăm ở Bình Thuận thể hiện ở những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc Chăm vẫn còn tồn tại với những biểu hiện và đóng góp tích cực.

Thứ nhất, về tính bản địa của dân tộc Chăm Bình Thuận.

Tính bản địa trong văn hóa của người Chăm ở Bình Thuận thể hiện rõ ở 3 yếu tố: văn hóa đồng bằng, văn hóa biển và văn hóa miền núi; 3 yếu tố này luôn đan xen lẫn nhau. Trong 4 xã thuần đồng bào Chăm và 9 thôn xen ghép đều có sự gắn kết về địa hình: biển, núi và đồng bằng. Yếu tố này giúp nhận ra nét đặc thù riêng của dân tọc Chăm ở Bình Thuận.

Để giữ gìn nét đặc trưng về văn hóa bản địa của mình người Chăm ở Bình Thuận đã có ý thức trong việc khai thác và bảo vệ thiên nhiên, tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm, hải sản trái phép được hạn chế; hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng mở rộng; tăng hệ số sử dụng đất từ 1 vụ lên 2 - 3 vụ/năm, tăng năng suất cây trồng (năng suất bắp lai đạt từ 50 - 55 tạ/ha/vụ; lúa nước đạt trên 45 tạ/ha/vụ), góp phần ổn định luơng thực tại chỗ, tạo sản phẩm hàng hoá, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bộ mặt nông thôn, miền núi của người Chăm ở Bình Thuận đã có nhiều khởi sắc. 

Thứ hai, về văn hóa mẫu hệ của dân tộc Chăm ở Bình Thuận.

Văn hóa mẫu hệ của dân tộc Chăm ở Bình Thuận vẫn được giữ gìn và thể hiện rõ trong gia đình, dòng họ và tác động mạnh mẽ đến tổ chức xã hội, các nghi lễ… tạo thành hệ thống lễ nghi phong tục tập quán người Chăm.

Ngày nay, mẫu hệ người Chăm ở Bình Thuận vẫn duy trì nhưng mẫu hệ ở đây được phân công một cách hợp lý. Tuy phụ nữ là người chủ gia đình nhưng vai trò của nam giới đối với gia đình khá quan trọng chi phối mạnh mẽ đến cuộc sống gia đình và xã hội. Đây là sự phân công bình đẳng hợp lý trong xã hội ngày nay.

Thứ ba, về sắc thái tôn giáo - tín ngưỡng trong văn hóa của dân tộc Chăm Bình Thuận.

Vốn là một dân tộc có truyền thống tín ngưỡng đa thần (tín ngưỡng vật linh). Vì vậy, tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm ở Bình Thuận là một hệ thống tín ngưỡng bao gồm những tập tục, lễ hội truyền thống dân gian, pha trộn yếu tố dân tộc đặc trưng, góp phần làm phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần của tỉnh nhà. Hằng năm, dân tộc Chăm ở Bình Thuận có những những tập tục, lễ hội truyền thống thu hút khách du lịch nhiều miền trong nước và ngoài nước như Lễ hội Kate, Lễ hội Ramưwan…

Thứ tư, về giao lưu văn hóa Chăm - Việt ở Bình Thuận.

Dân tộc Chăm và Việt (hay Kinh) ở Bình Thuận sống rất gần gũi nhau, cộng canh, cộng cư với nhau. Ở nhiều vùng nông thôn, người Chăm và người Việt sống đan xen, dựa lưng vào nhau trong mọi sinh hoạt để hỗ trợ cho nhau một cách thiết thực và thân tình. Chính sự hỗ trợ này khiến cho cư dân Chăm - Kinh xích lại gần nhau hơn, như một bổ sung tự nhiên trong cuộc sống. Một cuộc sống có sự tương hỗ hài hòa như thế sẽ tạo nên những luồng giao lưu và tiếp biến văn hóa về mọi mặt giữa hai dân tộc như về ăn, mặc, về ngôn ngữ, về tôn giáo, tín ngưỡng…

Thứ năm, tinh thần hiếu khách của người Chăm ở Bình Thuận.

Tinh thần hiếu khách của người Chăm ở Bình Thuận vẫn được giữ gìn và phát huy trong điều kiện hiện nay. Giống như tết của người Việt, tết của người Chăm là dịp để mọi người trong gia đình, tộc họ về sum họp, quây quần và cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho mọi thành viên được may mắn, làm ăn phát đạt, mong sau con cháu hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn tổ tiên. Mặt khác, đây cũng là dịp để mọi người trong gia đình được thoải mái vui chơi, ăn uống được tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi sau bao ngày vất vả, lo âu. Trong ngày này mỗi gia đình cũng sẽ chuẩn bị chu đáo để đón mời những người họ hàng, bạn bè đến vui chơi, thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau, làm cho tình cảm họ hàng, láng giềng càng trở nên khăng khít, gắn bó và thân thiện.

Thứ sáu, những nếp sống khá đặc biệt của người Chăm ở Bình Thuận.

Sinh hoạt xã hội của người Chăm ở Bình Thuận vẫn còn tồn tại những nếp sống khá đặc biệt, thể hiện nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa của mình như: Sự ôn hòa, sự tôn trọng lời hứa, lòng trung thành, sự trung thực, tính tôn ti trật tự và đặc biệt là truyền thống hiếu học.

Trong cộng đồng người Chăm, đội ngũ trí thức góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, thiết chế xã hội bởi chính họ là những người dẫn dắt đồng bào Chăm vượt qua những định kiến hẹp hòi, thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc, đưa cộng đồng Chăm hoà nhập cùng các anh em dân tộc khác ra sức xây dựng cuộc sống mới. Bên cạnh đó, trí thức Chăm còn là những người có học thức, am hiểu nhất định về lịch sử, văn hoá Chăm, có sự hiểu biết về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, đặc biệt về tổ chức sinh hoạt cuộc sống cộng đồng; nhiều người không có học hàm, học vị nhưng họ lại thông thạo tiếng nói và chữ viết Chăm, cả trình độ ngoại ngữ, và có mối quan hệ, giao tiếp rộng rãi với các dân tộc khác trong và ngoài tỉnh.

Thứ bảy, những nét đẹp của phong tục tập quán Chăm Bình Thuận.

Trong sinh hoạt của người Chăm ở Bình Thuận, vẫn còn thể hiện những nét đẹp của phong tục, tập quán Chăm truyền thống như: tính cộng đồng, tính tiết kiệm, và đặc biệt là cách bố trí nhà cửa trong thôn xóm Chăm. Hiện nay, mỗi ngôi nhà của người Chăm Bình Thuận vẫn có rào dậu xung quanh bằng keo dậu, bông bụt hoặc xây bằng táp-lô. Đường giữa hai dãy nhà thì khá rộng, hẹp nhất cũng đủ cho hai chiếc xe bò đi ngược chiều di chuyển được. Chính vì thế mà đường xá trong các thôn ấp Chăm Bình Thuận vẫn theo một khuôn mẫu đúng phong tục qui định, thật nề nếp và khang trang. Đây cũng là ưu điểm lớn của phong tục tập quán Chăm Bình Thuận góp phần làm cho cuộc sống được nhiều thuận lợi, hướng đến văn minh, tiến bộ.

Có thể khẳng định, bản sắc văn hóa Chăm ở Bình Thuận được toát lên từ bản chất, từ nếp sống, từ bản tính người, từ cách ăn uống, đi lại, ở, mặc đến các phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo, trong những thao tác kỹ thuật và trong kho tàng văn hóa hiện đại và dân gian. Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đó, đòi hỏi các ban ngành chức năng và bản thân đồng bào Chăm phải có những phương thức thích hợp để đảm bảo sự thống nhất giữa tính truyền thống và hiện đại của bản sắc văn hóa dân tộc Chăm ở Bình Thuận hiện nay./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số