Tin mới nhất

Sơ lược vài nét về đóng góp của Ăngghen trong việc sáng lập kinh tế học mác xít

Friedrich Engels (Phriđrich Ăngghen), sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820 mất ngày 05 tháng 8 năm 1895, là nhà lí luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX. Ông cùng với Karl Marx là đồng tác giả của bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). Engels cũng biên tập và xuất bản quyển II và quyển III của bộ Tư bản sau khi Karl Marx mất.

Năm 1867, trước khi xuất bản lần thứ nhất tập I, bộ Tư bản bằng tiếng Đức, Mác đã bày tỏ chân thành với Ăng ghen: “Tôi sẽ vui sướng nhường nào nếu trong tác phẩm chủ yếu của tôi… anh sẽ đứng tên trực tiếp với tư cách đồng tác giả, chứ không phải chỉ là nguồn tài liệu được trích dẫn”. Quả thật, Ăngghen đã có những đóng góp không nhỏ vào việc sáng tạo Tập I, bộ Tư bản của Mác.

Ăngghen còn có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện kết cấu tập I, bộ Tư bản. Sau khi nhận được một số trang in phần mở đầu do Mác gửi đến và tha thiết đề nghị góp ý tỷ mỷ, Ăngghen đã đọc cẩn thận và đóng góp những ý kiến quan trọng về cách trình bày cũng như kết cấu tác phẩm. Thực ra, đóng góp của Ăngghen đối với sự phát triển kinh tế học mác xít không chỉ ở sự hợp tác và giúp đỡ Mác sáng tạo bộ Tư bản, mà còn thể hiện ở việc bản thân ông độc lập nghiên cứu những vấn đề lý luận của bộ môn khoa học này.

Ăngghen cho rằng loại “kinh tế học tư nhân” là sản phẩm của sự phát triển kinh tế dưới chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa và phát triển lên cùng với xã hội tư sản từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX. Do đó, Ăngghen cho rằng: “Các nhà kinh tế học càng gần với thời đại của chúng ta bao nhiêu, thì họ càng không trung thực bấy nhiêu. Với mỗi sự tiến bộ của thời đại thì sự nguỵ biện nhất thiết phải tăng lên để duy trì khoa kinh tế chính trị ngang trình độ của thời đại”. Khi đó, Ăngghen chưa phân biệt được kinh tế chính trị học cổ điển với kinh tế chính trị học tầm thường, nhưng bằng sự nhạy bén khoa học, ông đã vạch rõ bản chất và các khuynh hướng lý luận trong kinh tế học của giai cấp tư sản thời đại đó. Vì vậy, những quan điểm lý luận của Ăngghen mới hình thành trong lúc nghiên cứu kinh tế chính trị học đã được nâng tầm lên cao hơn hẳn một số quan điểm lý luận của chủ nghĩa xã hội không tưởng và các loại kinh tế chính trị học khác của giai cấp tiểu tư sản đương thời.

Trong Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, Ăngghen đã phân tích phê phán một số phạm trù cơ bản của kinh tế học tư sản, như: giá trị, tiêu dùng sản xuất, tư bản và lợi nhuận, quyền sở hữu ruộng đất và địa tô, lao động... Đồng thời, ông còn bàn nhiều về quy luật cạnh tranh. Ông cho rằng, khi nào còn tồn tại kinh tế tư hữu thì cạnh tranh tất nhiên vẫn tồn tại. Cạnh tranh tất yếu dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Quy luật này là “quy luật thuần tuý tự nhiên, không phải là quy luật của tinh thần”. Mặc dù các nhà kinh tế học tư sản kịch liệt phản đối luận thuyết này, nhưng cứ 5 đến 10 năm khủng hoảng kinh tế lại xuất hiện một lần. Đó chính là quy luật tự nhiên, thuần túy tự nhiên diễn ra ngoài ý muốn của những người tham gia vào quá trình hình thành nó. Ăngghen còn chỉ ra, khi cạnh tranh dẫn đến khủng hoảng kinh tế, tất nhiên cũng sẽ dẫn đến tập trung sản xuất và tập trung tư bản, hơn nữa sẽ dẫn đến độc quyền, nhưng độc quyền không thể loại trừ được cạnh tranh tự do, cạnh tranh còn đưa đến sự sa sút về mặt xã hội, làm gia tăng tội phạm…

Những năm 1850, Ăngghen đặc biệt chú trọng nghiên cứu lý luận về khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong lĩnh vực này, ông nêu ra nhiều ý kiến độc đáo. Ăngghen không lấy quy luật cạnh tranh làm tâm điểm để triển khai nghiên cứu vấn đề khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh vận động hiện thực của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, ông tập trung phân tích các mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chỉ ra những nguyên nhân xã hội sâu sắc của khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Theo ông, khủng hoảng kinh tế thường xuất hiện cùng với hiện tượng biến động giá cả, nhưng biến động giá cả không dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Chẳng hạn, trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, sự biến động của giá cả về thực chất là “bởi tình hình chung của thị trường tiền tệ”, chứ không phải do trạng thái cung cầu của thị trường hàng hoá quyết định. Do vậy, tác động của cơ chế giá cả có thể làm sâu sắc thêm mức độ khủng hoảng kinh tế chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế… 

Nhân dịp kỷ niệm 195 năm ngày sinh của Phrirđích Ăngghen (28/11/1820 - 28/1l/2015) chúng ta cùng ôn lại những đóng góp của ông trong việc sáng lập ra kinh tế học mác xít, một bộ môn khoa học quan trọng của hệ thống lý luận mác xít bằng sự tham gia sáng tạo bộ Tư bản của Mác và những công trình nghiên cứu độc lập của Ăngghen./.


                                               

Tài liệu: Nội dung này có tham khảo ở một số bài viết của các nhà khoa học về tiểu sử Ăngghen và các bài viết về khía cạnh kinh tế.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số