Tin mới nhất

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Thuận - những giải pháp thực hiện

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân vào cuộc, tạo thành phong trào hoạt động rộng khắp.

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, liên tục theo định hướng của Đảng, nhà nước với mục tiêu cơ bản: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Bình Thuận.

Sau 05 năm triển khai và thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Một số mô hình nông thôn mới thực hiện đạt hiệu quả cao và được nhân rộng như: Chương trình sản xuất thanh long VietGAP; mô hình cánh đồng lúa năng suất cao; mô hình làm đường giao thông nông thôn;… Quá trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đảm bảo, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được quan tâm chỉ đạo; năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi, sản lượng khai thác thủy sản khu vực nông thôn tăng lên, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân vùng nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Năm 2015, mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn của tỉnh khoảng 30 triệu đồng/người/năm, gấp 2,01 lần so với năm 2010. Các mặt về giáo dục, y tế, đời sống văn hóa được duy trì và tiến bộ; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ ở cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là về công tác quy hoạch. Quy hoạch nông thôn mới là một vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực và phải mang tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong khi nhiều xã chỉ tập trung vào xây dựng công trình hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức đến phần cốt lõi đó là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế về năng lực, nên trong quá trình triển khai, tuyên truyền còn nhiều mặt hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Nhận thức của người dân ở một số xã về mục đích, ý nghĩa của Chương trình chưa đầy đủ, vì vậy, người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nhà nước. Việc phân khai kinh phí trực tiếp của Chương trình từ trung ương đến tỉnh và từ tỉnh đến địa phương rất chậm, cộng với việc huy động vốn từ doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn, gây cản trở đến việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để tăng tốc độ về đích nông thôn mới đúng thời hạn theo Quyết định số 3681/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bình Thuận cần đề ra các giải pháp trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện như sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền cần khắc phục cho được tình trạng thiếu tập trung, thiếu kiên quyết, ngại khó trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số huyện, xã thuộc vùng khó khăn, có điểm xuất phát thấp như thời gian qua.

Thứ hai, cấp ủy, chính quyền cần hết sức quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội, tạo sự đoàn kết, đồng lòng cùng nhau góp sức xây dựng nông thôn mới. 

Thứ ba, cấp ủy, chính quyền có kế hoạch hoạt động, phân công cụ thể các tổ chức, cá nhân trong thực hiện điều hành, triển khai chương trình; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phát hiện chỉ đạo uốn nắn, khắc phục kịp thời sai sót; đồng thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

 Thứ tư, cấp ủy, chính quyền cần phân khai rõ ràng nguồn vốn hỗ trợ, huy động có hiệu quả đóng góp của nhân dân trong và ngoài địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn và lồng ghép các chuơng trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Vấn đề xây dựng nông thôn mới tại các xã - huyện của tỉnh Bình Thuận cũng như trong cả nước là vấn đề có tính chiến lược lâu dài và cần phải có sự đồng lòng, hiệp sức của nhân dân; sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp; sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện thì mới có thể hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới một cách khoa học, xác đáng, gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn./. 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số