Chủ nhiệm lớp là người giúp việc cho Ban Giám hiệu, là tai mắt của phòng Đào tạo; người quản lý toàn diện lớp học, là cầu nối giữa Ban Giám hiệu, các phòng, khoa với tập thể học viên. Đồng thời, chủ nhiệm lớp là người luôn lắng nghe, nắm bắt các diễn biến tình hình lớp học, tâm tư nguyện vọng của học viên để giải quyết hợp lý các trường hợp học viên xin nghỉ học. Do đó, vấn đề ở đây là làm sao phát huy hơn nữa vai trò của chủ nhiệm lớp trong công tác quản lý lớp học.
Thời gian qua, công tác chủ nhiệm lớp ở Trường Chính trị Bình Thuận đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ như sau:
Nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm lớp ngay từ đầu khoá học khi lớp mới hình thành tạo điều kiện cho giáo viên tiếp xúc với học viên ngay từ đầu.
Một số chủ nhiệm lớp đã phát huy vai trò chủ nhiệm của mình: bám lớp, sâu sát học viên, hiểu và nắm tình hình lớp.
Những đồng chí được phân công làm chủ nhiệm lớp đều là đảng viên và đều có ít nhất một bằng đại học theo đúng quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Đa số các giáo viên chủ nhiệm đã phát huy vai trò tự quản của lớp, của ban cán sự, biết phối hợp với giáo viên bộ môn trong việc quản lý lớp.
Và hiện nay, ở các huyện, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã mời các Giám đốc hoặc Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện làm đồng chủ nhiệm phối hợp cùng với chủ nhiệm của trường để quản lý lớp. Vì vậy, đa số các lớp trung cấp LLCT-HC mở ở huyện vẫn đảm bảo nề nếp và chất lượng học tập tốt.
Bên cạnh những ưu điểm, trong công tác chủ nhiệm lớp của nhà trường vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục sau:
Một vài chủ nhiệm chưa thật sâu sát lớp học do mình phụ trách, chưa nắm chắc tình hình lớp học và học viên lớp mình.
Số ít chủ nhiệm lớp có lúc, có khi còn khoán trắng việc quản lý lớp cho ban cán sự lớp, không tổ chức sinh hoạt lớp đầy đủ và theo đúng định kỳ.
Chưa thật sự coi trọng việc quản lý lớp thông qua sổ đầu bài, thiếu phối hợp với các phòng, khoa trong quản lý lớp.
Một số lớp không phát huy được vai trò tự quản của Ban cán sự. Ban cán sự lớp không báo cáo kịp thời, chính xác tình hình và sĩ số lớp học cho chủ nhiệm lớp.
Vài trường hợp, chủ nhiệm lớp quá dễ dãi với lớp mình phụ trách, như: còn nể nang, bao che cho số học viên nghỉ học không xin phép, cúp tiết, đối phó với điểm danh… nhất là khi xét điều kiện dự thi, dự kiểm tra.
Một số chủ nhiệm rất ít quan tâm đến việc kiểm tra lịch học các lớp khác để gởi học viên còn nợ môn, nợ học phần của lớp mình đi học trả nợ. Do đó, khi bế giảng, số học viên nợ môn, nợ học phần ở các lớp còn trôi lại rất nhiều.
Đôi khi, sự phối kết hợp giữa chủ nhiệm lớp của nhà trường và chủ nhiệm nhiệm lớp của trung tâm chưa chặt chẽ, chưa thật nhịp nhàng.
Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu do những nguyên nhân sau:
Nhiều giảng viên làm chủ nhiệm lớp bận nhiều thời gian cho việc giảng dạy và nghiên cứu do đó, ít có thời gian để theo lớp, bám lớp.
Lớp học của chúng ta được tổ chức với số lượng khá đông, nhất là các lớp tại chức, từ 80 đến 100 học viên, có lớp hơn 100 học viên; trình độ, tuổi tác không đồng đều, tâm lý đa dạng gây khó khăn cho việc quản lý.
Một số học viên (đặc biệt lớp tại chức) đều nắm giữ cương vị nhất định tại cơ quan, địa phương phải trực tiếp giải quyết các công việc hàng ngày; một số khác lại cùng một lúc tham gia nhiều chương trình học tập, đào tạo ở nhiều nơi, nên không thể thường xuyên có mặt đầy đủ trong các buổi học.
Các chủ nhiệm lớp hoạt động chủ yếu bằng sự nhiệt tình và kinh nghiệm, hầu hết chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ.
Vẫn còn chủ nhiệm lớp chưa tuân thủ đúng những quy định về công tác quản lý lớp và nhiệm vụ của chủ nhiệm lớp.
Chính những yếu tố khách quan và chủ quan nêu trên đã trực tiếp ảnh hưởng đến công tác chủ nhiệm lớp.
Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp của nhà trường, tôi xin mạnh dạn trao đổi và đề xuất một số ý kiến sau:
Thứ nhất: Chủ nhiệm lớp phải dựa vào nội quy, quy chế của nhà trường để quản lý học viên và không được thoát ly ra khỏi những quy định đó nhưng phải vận dụng cho linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh, sự việc cụ thể sao cho thật có lý, có tình.
Thứ hai: Chủ nhiệm lớp phải làm tốt công tác tổ chức lớp học, lựa chọn sắp xếp, phân công công việc cho ban cán sự lớp, tổ trưởng, tổ phó.
Chủ nhiệm lớp phải biết phát huy vai trò ban cán sự lớp, cán bộ tổ trong quản lý lớp; phân công cho ban cán sự lớp việc quản lý sĩ số học viên lên lớp từng buổi, ghi vào sổ đầu bài và báo cáo chủ nhiệm lớp. Chủ nhiệm lớp sau khi đối chiếu sĩ số học viên lên lớp nếu số vắng học nhiều hơn báo cáo của ban cán sự, thì đề nghị ban cán sự báo cáo cho được số học viên vắng học đó là ai, ở tổ nào. Phải biến quá trình quản lý thành quá trình tự quản lý nhưng phải có sự kiểm tra, đôn đốc, thúc nhắc thường xuyên của chủ nhiệm lớp.
Thứ ba: Chủ nhiệm lớp phải thường xuyên bám lớp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của học viên trên cơ sở đó kịp thời động viên và báo cáo với phòng Đào tạo và Ban Giám hiệu tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất quản lý học viên đạt hiệu quả cao hơn.
Thứ tư: Thực hiện tổ chức phối hợp chặt chẽ với các phòng, khoa; giữa các chủ nhiệm (chủ nhiệm lớp do nhà trường phân công và chủ nhiệm lớp của trung tâm) với nhau để huy động sực mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, mọi thành viên trong nhà trường và trung tâm vào công tác quản lý học viên.
Phối hợp với khoa chuyên môn để theo dõi việc soạn đề cương, ôn tập, thảo luận và sĩ số lớp học. Đối với việc kiểm tra sĩ số, giáo viên lên lớp có thể sử dụng nhiều hình thức kiểm tra kiến thức kết hợp kiểm tra sĩ số học viên nhằm đánh giá một phần hiệu quả truyền đạt nội dung và bên cạnh đó, còn có thể kiểm tra được số lượng học viên lên lớp.
Thứ năm: Cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường không để học viên bỏ buổi, bỏ giờ không có lý do hoặc lý do không chính đáng. Thực hiện công bằng, công khai trong xét dự kiểm tra, dự thi cho học viên.
Thứ sáu: Qua mỗi phần học hoặc đợt học (đối với lớp tại chức), chủ nhiệm lớp và ban cán sự lớp phải có cuộc họp rút kinh nghiệm trong quản lý lớp học. Nếu có hạn chế ở khâu nào phải nhanh chóng khắc phục để việc quản lý học viên ở các đợt học sau (đối với lớp tại chức), môn học sau được tốt hơn.
Tóm lại, chủ nhiệm lớp có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác quản lý học viên. Tổ chức quản lý học viên tốt chẳng những đảm bảo yêu cầu học tập và rèn luyện của học viên mà còn tạo ra một nề nếp sinh hoạt có tổ chức, kỷ luật chặt chẽ. Vì vậy, nâng cao vai trò của chủ nhiệm lớp trong quản lý học viên là việc làm hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường./.