Tin mới nhất

Ý nghĩa và tầm quan trọng của tiếp công dân trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước

Trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng, để đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân thì hoạt động tiếp công dân là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa và vai trò quan trọng.

Khoản 1, Điều 2, Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định: “Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật”.

Vì sao nói Tiếp công dân là công tác có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước?

Thứ nhất, đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

 Thông qua công tác tiếp công dân, giúp cho cơ quan hành chính nhà nước nắm được những tâm tư, nguyện vọng, những thông tin phản hồi, các kiến nghị, góp ý của nhân dân từ thực tiễn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, từ đó kịp thời chấn chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ các nội dung không phù hợp.

Thứ hai, trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

 Tiếp công dân là hoạt động nhằm thực hiện hóa quyền dân chủ của công dân, là sự cụ thể hóa quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức tốt công tác tiếp dân là biểu hiện cụ thể của quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Nhà nước ta, góp phần phát huy bản chất “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Thứ ba, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thông qua tiếp công dân, việc giải quyết hoạt động khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến quyết định hành chính được tiến hành nhanh chóng, rõ ràng hơn khi có sự tiếp xúc trực tiếp, tìm hiểu thông tin hai chiều giữa người dân và cán bộ tiếp dân, từ đó, sẽ hạn chế việc khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài cũng như nhiều bất cập khác trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, trong xây dựng và tổ chức chính quyền.

Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần huy động sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào hoạt động quản lý của nhà nước, quản lý xã hội, tạo động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng. Ngoài ra, còn giúp các cơ quan, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân hơn. Mặt khác, qua việc tiếp công dân phần nào người dân cũng nhìn nhận, đánh giá được trình độ năng lực, thái độ phẩm chất đạo đức của người cán bộ công chức trực tiếp với mình, qua đó có thông tin tin cậy để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền cũng như để đánh giá, lựa chọn nhân sự trong các kỳ bầu cử.

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng đó của hoạt động tiếp công dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để đảm bảo cho công tác này đạt hiệu quả, đặc biệt cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ thể tiếp công dân. Hiện nay, theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, tiếp công dân là công tác quan trọng  từ trung ương đến cơ sở, gồm có tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

Đối với việc tiếp công dân thường xuyên: Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng chính phủ, Ban dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân trung ương thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương; Văn phòng Tỉnh ủy, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân cấp tỉnh thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; Văn phòng Huyện ủy, Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

Đối với việc tiếp công dân định kỳ: Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở trung ương ít nhất 01 ngày trong 01 tháng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng; Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp công dân tại Trụ sở UBND cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần.

Đối với việc tiếp công dân đột xuất: Những chủ thể tham gia tiếp công dân định kỳ còn thực hiện tiếp công dân đột xuất  khi có vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau và tiến hành tiếp công dân đột xuất đối với những vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tóm lại, công tác Tiếp công dân là việc làm không thể thiếu trong hoạt động quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói riêng, nhờ hoạt động này mà chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được giải quyết nhanh chóng, góp phần giúp xây dựng và tổ chức chính quyền vững mạnh hơn./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số