Tin mới nhất

Ghi nhận từ chuyến nghiên cứu thực tế các tỉnh Tây Nguyên

Trong tiết trời oi bức của những ngày cuối tháng 4 năm 2016, đoàn nghiên cứu thực tế chúng tôi gồm 11 người đến với 3 tỉnh Kontum, Gia Lai, Đăklăk với tâm trạng háo hức muốn tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hóa của một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng và là một trong những vùng văn hóa lớn của nước ta, mang đặc sắc văn hóa Tây Nguyên. 

Đoàn xuất phát từ 4 giờ 30 sáng ngày 20/4/2016, sau chuyến đi dài 13 tiếng, chúng tôi có mặt tại thành phố Kontum vào buổi chiều muộn. Dường như các thành viên trong đoàn đều đã thấm mệt sau một ngày dài ngồi trên xe. Sau một đêm nghỉ ngơi lấy lại sức, điểm đầu tiên chúng tôi đến trong hành trình là nhà thờ gỗ Kon Tum - là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc bản địa. Đây là một công trình đẹp, độc đáo được làm hoàn toàn bằng gỗ theo kiến trúc Roman kết hợp với kiểu kiến trúc nhà sàn của người Bana.

Từ nhà thờ gỗ Kontum, chúng tôi xuất phát đi Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cách thành phố Kontum khoảng 80km, rồi từ đó theo con đường tuần tra biên giới bằng bê tông vòng vèo quanh mấy ngọn đồi, là đến với địa điểm thiêng liêng của Tổ quốc - cột mốc ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia. Cột mốc được làm bằng đá hoa cương nằm trên đỉnh núi có độ cao khoảng hơn 1000m so với mực nước biển, mỗi mặt quay về mỗi nước, có gắn Quốc huy và tên mỗi nước. Có lẽ mỗi một người dân Việt Nam và mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi khi đặt chân đến đây đều có cảm giác rất thiêng liêng và đầy cảm xúc. Cột mốc vừa là ranh giới giữa 3 nước Đông Dương, vừa là bằng chứng thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị của dân tộc 3 nước.

Đến với nhà Ngục Kon tum, một nhà ngục do người Pháp xây dựng để giam giữ những tù chính trị và các chiến sĩ cách mạng của ta trong thời kỳ 1930 - 1931. Ngay trong nhà lao, một chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh đã được thành lập. Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, những dấu tích của nhà ngục xưa đã không còn, Chính quyền tỉnh đã cho xây dựng và tôn tạo khu di tích với các hạng mục: nhà truyền thống, tượng đài chiến thắng cùng với hai ngôi mộ tập thể chôn các chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc đấu tranh Tuyệt thực và Lưu huyết. Tham quan nhà truyền thống ngục Kontum, với những hình ảnh, những hiện vật lịch sử được trưng bày, đã giúp cho chúng tôi hiểu hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất, kiên cường của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX.

Tạm biệt Kontum, điểm đến tiếp theo trong hành trình của chúng tôi là thành phố Pleiku, tỉnh GiaLai, nơi thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho phố núi này một hồ nước ngọt mang tên Biển Hồ (Hồ Tơ Nưng) quanh năm nước mênh mông, xanh trong với những hàng thông thẳng tắp hai bên đường. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân toàn thành phố. Giữa cái khô hạn lịch sử đang bao quanh Tây Nguyên mà nước Biển Hồ vẫn không hề vơi như lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Đến đây, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy rất dễ chịu với không khí trong lành và mát rượi.

Đến bảo tàng dân tộc tỉnh Gia Lai, lịch sử về vùng đất, thiên nhiên, con người cũng như những nét đặc trưng trong văn hóa của các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung sẽ được khái quát một cách rõ nét nhất thông qua khoảng 7000 hiện vật gốc các loại được trưng bày trong bảo tàng như: các di chỉ của người tiền sử; bộ sưu tập cồng chiêng; trống; các loại chum; ché; trang phục truyền thống; mô hình nhà mồ; những hình ảnh mô tả cuộc sống, lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên…Tất cả những hiện vật trưng bày rất sinh động, đẹp mắt, đã cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị về một mảnh đất lịch sử, giàu văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Ngày thứ 3 của chuyến nghiên cứu thực tế, thành phố Buôn Ma Thuột hiện ra trước mắt chúng tôi với những vườn cà phê trĩu quả, vốn được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” của cả nước. Nếu như đến các tỉnh Tây Nguyên mà chúng ta không có nhiều thời gian để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa thì cách nhanh nhất đó là đến với bảo tàng. Cũng như ở Gia Lai, bảo tàng dân tộc tỉnh Đăk Lak - với thiết kế mô phỏng theo kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê, là một không gian thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ với các loài động, thực vật; cây công nghiệp chủ lực và đời sống sinh hoạt văn hóa hết sức phong phú, đặc sắc của hơn 40 dân tộc cùng sinh sống tại Đắk Lắk.

Cũng tại nơi này, cách đây 41 năm về trước, đã diễn ra trận đánh lịch sử có ý nghĩa quyết định, mở màn cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà bảo tàng đã giành ra một khoảng không gian để tái hiện lại trận chiến Buôn Ma Thuột vào tháng 3 năm 1975 bằng sa bàn trận đánh một cách trực quan và sinh động.

Trở về sau một chuyến đi không dài, thời gian lưu lại mỗi địa điểm cũng không nhiều, nhưng đi qua mỗi vùng đất là mỗi trải nghiệm nhiều thú vị, có ý nghĩa đối với mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số