Tin mới nhất

Vận dụng quan điểm của Các Mác trong giải quyết các về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

C. Mác- nhà tư tưởng, nhà khoa học kiệt xuất của giai cấp vô sản thế giới, người sáng lập ra Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Với bộ óc thiên tài của mình, C.Mác đã chỉ cho nhân loại biết bao điều kì diệu. Và một trong những cống hiến của Mác, đó là tư tưởng về sự phấn đấu giải phóng con người ra khỏi những ràng buộc về tôn giáo, nhằm tiến tới xây dựng trong tương lai những con người phát triển hài hoà toàn diện.   

Vậy tôn giáo là gì? Theo Mác, tôn giáo là một sản phẩm của lịch sử, một sản phẩm của Con người, do Con người sáng tạo ra và lại bị nó chi phối. “Con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người”[1]. C. Mác tuyên bố quan điểm này sau khi tổng kết những ý kiến đúng đắn của các tác giả trước Mác và đương thời với Mác.

Song vấn đề là ở chỗ nhấn mạnh cái quyết định của sự phát triển xã hội loài người nói chung, tôn giáo nói riêng, chủ yếu là yếu tố kinh tế hay tinh thần. C. Mác cho rằng, cái quyết định sự phát triển xã hội là yếu tố kinh tế, nhưng ông cho đó không phải là yếu tố duy nhất. Chính trong bộ “Tư bản”, khi giải thích tại sao ở thời cổ Hy Lạp, chính trị đóng vai trò chủ yếu, còn bước sang thời kì trung cổ ở Châu Âu, thì vai trò ấy do đạo Kitô nắm giữ, C. Mác cho rằng chỉ có phân tích điều kiện kinh tế mới giải đáp được câu hỏi đó. Ông còn chỉ ra trong một số trường hợp cụ thể nhất định như Phổ, tôn giáo có lúc, có nơi đóng vai trò quan trọng, nhưng không quyết định đối với sự phát triển xã hội.

C. Mác đồng tình với quan điểm của L.Feuerbach: “Tôn giáo là sự khám phá trang trọng nhất những của cải cất giấu trong Con người, là sự thừa nhận những tư tưởng thân thiết nhất của Con Người, là sự thừa nhận công khai nhất những tình cảm bí mật nhất của Con  Người”[2] nhưng ông cho rằng L.Feuerbach chỉ nói con người trừu tượng, chung chung, chứ không đề cập đến “Con người lịch sử thực sự”, chưa thấy được “tinh thần tôn giáo” bản thân nó là sản phẩm xã hội và Con người trừu tượng mà ông phân tích, trên thực tế, bao giờ cũng thuộc về một hình thái xã hội nhất định, một cộng đồng người nhất định. Nên C. Mác khẳng định: “Con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới. Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy đã sản sinh ra tôn giáo”[3].

C. Mác đã đưa ra những nguyên lý đúng đắn, tuyệt vời khi phân tích tôn giáo nói chung và ở Châu Âu nói riêng. Nhưng với các lục địa khác, với tính tôn trọng khoa học và thận trọng, C. Mác chỉ viết nháp những ý tưởng của ông về phương Đông, nơi còn đầy bí ẩn với Châu Âu thời đó.

Về tôn giáo phương Đông, Mác chỉ ra quyền sở hữu tối cao nằm trong tay một người sở hữu duy nhất: “Cái nhân tố duy nhất - một phần là kẻ chuyên chế thực sự, một phần là ông thần tưởng tượng của bộ lạc”[4] mà ta thường gọi là ông con trời (thiên tử) hay ông vua - thần cai quản cả phần hồn và phần xác, cả cộng đồng người sống và người chết trong lãnh thổ mà ông cai quản.

C. Mác cũng cho rằng phải có sự phê phán tôn giáo. Vì theo Mác, việc phê phán tôn giáo là bước khởi đầu, là một bộ phận trong hoạt đấu tranh chính trị và sáng tạo khoa học, để xây dựng nền triết học mới: chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đối với ông, việc nghiên cứu tôn giáo, chủ yếu là thần học Cơ Đốc giáo, không chỉ là tư vấn đời sống tâm linh của cá nhân mình mà là vấn đề thuộc về đời sống tinh thần, đời sống chính trị của quốc gia dân tộc. Trong lời nói đầu của tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen”, Mác viết: “Đối với nước Đức thì việc phê phán tôn giáo là tiền đề của mọi sự phê phán khác”. Khắc phục những hạn chế trong sự phê phán tôn giáo của các học giả khác, Mác chỉ ra rằng: “ Phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị”[5].

Mặt khác, theo Mác, bản thân tôn giáo chứa đựng nhiều tiêu cực, nó xoa dịu nỗi đau con người bằng thứ thuốc an thần hư ảo. Tôn giáo đã không đề ra được giải pháp đúng đắn, khoa học để xoá bỏ những bất công xã hội mà con người chịu đựng, chỉ khuyên con người sống nhẫn nhục và chấp nhận, từ đó, làm cho tình cảm trong sáng và tự do con người bị vùi lấp dưới mây đen của Thượng đế. Cho nên, Mác rút ra kết luận: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Tuy nhiên, tín ngưỡng, tôn giáo đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, góp phần bù đắp những hẫng hụt trong cuộc sống, nỗi trống vắng trong tâm hồn, an ủi, vỗ về, xoa dịu con người lúc xa cơ, lỡ vận hay bệnh tật hiểm nghèo. Do đó, con người vẫn cần đến nó, vẫn cảm thấy hạnh phục thật sự: bởi tôn giáo là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần.  

Và như chúng ta biết, Mác luôn phấn đấu cho chủ nghĩa nhân đạo hiện thực. Và xem con người là thực tế cao nhất cần phải được giải phóng ra khỏi những ảo tưởng tôn giáo để có thể tự suy nghĩ, hành động, xây dựng cuộc sống của mình với tư cách là những người có lý trí. Mác đã đưa ra dự báo, ở xã hội văn minh con người được vũ trang bằng sức mạnh của khoa học cùng với niềm tin vào chính lực lượng mình sẽ làm nên tất cả, thì lúc đó, tôn giáo cũng không còn đất đứng: tôn giáo sẽ tự khắc tiêu vong.

Đồng thời, Mác cũng khuyên chúng ta không nên vận dụng một cách máy móc chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu tôn giáo, Trong bộ “Tư bản”, Mác viết: “Đúng là phân tích nội dung cốt lõi trần thế các quan niệm mây mù của tôn giáo để thực hiện hơn nhiều so với việc làm ngược lại, là chỉ ra rằng các điều kiện hiện thực của cuộc sống đã dần dần khoác cho mình một hình thức “hoá hơi” như thế nào. Đó là phương pháp duy nhất, đó là khoa học”

Qua đó, chúng ta có thể thấy, vấn đề tôn giáo tuy không giữ vị trí quan trọng trong hoạt động thực tiễn và hoạt động khoa học của Mác, nhưng vẫn có vai trò thích đáng trong quá trình hoàn thiện, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; cung cấp cho giai cấp vô sản và chính đảng của nó những nguyên tắc, sách lược, phương pháp đúng đắn trong cuộc đấu tranh với tôn giáo.

Kế thừa, tiếp thu và phát triển sáng tạo học thuyết Mác, trong đó có cả quan niệm của Mác về tôn giáo, chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: tôn giáo là hiện tượng có tính lịch sử, xã hội và văn hoá, tham gia vào quá trình sáng tạo văn hoá nhân loại. Người viết: “Ý nghĩa của văn hoá, vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về ăn, ở, mặc và các phương thức sữ dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát triển đó tức là văn hoá”[6].

Người nhận thấy ở Việt Nam, do đặc điểm về lịch sử, văn hoá nên sự khác biệt giữa đạo và đời thường ít rõ nét. Đạo để phục vụ đời. Bởi vậy, tuyệt đại đa số đồng bào có đạo cơ bản là người yêu nước, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Người nói: “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”. Vì vậy, mặc dù là một quốc gia có nhiều tôn giáo tồn tại, giữa chúng có mâu thuẫn nhất định nhưng Việt Nam không có chiến tranh tôn giáo.

Người cho rằng Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo cho nên phải chống địch lợi dụng tôn giáo: “Trong hơn 80 năm thống trị nước chúng tôi, bọn thực dân dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chúng áp dụng chính sách cổ điển là: “chia để trị”[7]. Do đó, theo Người vấn đề đặt ra là làm sao để đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc, tăng cường sức mạnh dân tộc, hướng sức mạnh đó vào thực hiện mục tiêu chủ yếu của cách mạng, đấu tranh thắng lợi với âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Với quan điểm đó, Người đã chủ trương giải quyết hài hoà giữa lợi ích của bộ phận với toàn thể, giữa cá nhân với xã hội, triệt để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, thể chế hoá quyền đó thông qua hệ thống pháp luật của nhà nước.

Khẳng định tầm chiến lược ấy trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với quan niệm của C. Mác về tôn giáo. Đảng ta đã xem tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo một cách đúng đắn là vấn đề chiến lược có ý nghĩa và tầm quan trọng trong sự nghiệp đổi mới. Đảng ta khẳng định: “Đảng và nhà nước ta, trước sau như một, thực hành chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng. Lãnh đạo và giúp đỡ đồng bào theo tôn giáo đoàn kết xây dựng cuộc sống mới và hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc. Cảnh giác, kiên quyết và kịp thời chống lại âm mưu, thủ đoạn của bọn đế quốc và phản động chia rẽ đồng bào có đạo, giữa đồng bào theo đạo này với đồng bào theo đạo khác”[8] để thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân.

Từ chủ trương, chính sách đúng đắn trên của Đảng, những vấn đề tôn giáo ở nước ta đã có sự chuyển biến tích cực. Điều đó, tác động tích cực đến tâm tư tình cảm của đồng bào có đạo giúp đồng bào khấn khởi, tin tưởng vào Đảng, nhà nước và đã có đóng góp tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chức sắc và các tín đồ được các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương chăm lo cả về đời sống vật chất, tinh thần, tôn trọng tự do tín ngưỡng nên yên tâm hành đạo và tham gia tốt việc đời. Đồng bào có đạo hăng hái sản xuất, đầu tư vốn phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau xoá đói giảm nghèo và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội.

Trong thời kỳ mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”.

Cho đến nay, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin rằng những quan điểm về vấn đề tôn giáo do Mác xây dựng nên, vẫn là chỗ dựa tin cậy của chúng ta trong khi tìm hiểu và giải quyết các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng đang đặt ra hiện nay./.

 


[1] C. Mác và Ăngghen: Toàn tập, Tập 1, NXB. Chính trị quốc gia, H, 1995, Tr569

[2] Về tôn giáo: NXB. KHXH_NV, H, 1994, T1, Tr102-114

[3] C. Mác và Ăngghen: Toàn tập, Tập 1, NXB. Chính trị quốc gia, H, 1995, Tr569   

[4] C. Mác và Ăngghen: Toàn tập, Tập 1, NXB. Chính trị quốc gia, H, 1995, Tr569   

[5] Sdd, 1995, T1, Tr571

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 3, NXB. Chính trị quốc gia, H, 1995, Tr431

[7] Sdd, 1995, T9, Tr347

[8] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB.   

    Sự thật, H, 1987, Tr117


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số