Tin mới nhất

Bình Thuận khai thác hiệu quả tiềm năng các ngành kinh tế mũi nhọn

Trong quá trình phát triển của một địa phương, một quốc gia, việc xác định đúng các ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực để lựa chọn hướng đi, đưa ra các chính sách, biện pháp phát triển là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển thành công của địa phương, quốc gia đó.

Bình Thuận là một tỉnh thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Bình Thuận nằm trên trục Quốc lộ 1A, có điều kiện kết nối, phát triển tốt với vùng kinh tế Tây Nguyên và Trung bộ. Ngoài ra, Bình Thuận còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú, đa dạng để tập trung phát triển chuyên sâu các ngành kinh tế như kinh tế biển, du lịch, năng lượng, khai thác khoáng sản và nông - lâm nghiệp.

Ngành kinh tế biển:

Với đề án “Phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020” nhằm mục đích định hướng chính là phát triển kinh tế biển. Ngành kinh tế biển Bình Thuận phát triển đồng bộ các khâu: Khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch, công nghiệp khai thác, xây dựng huyện đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, căn cứ chi viện hậu cần, kỹ thuật cho khu vực quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Từ tháng 10-2015 đến nay, Bình Thuận đã xây dựng đội tàu hậu cần hải sản; ký duyệt, đóng mới 109 tàu vỏ sắt; phối hợp với tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) đóng 20 tàu bằng vật liệu composite. Từ đầu năm 2016 đến nay, năng suất khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 50.000 tấn, nhiều sản phẩm có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Ngành du lịch:

Với các đề án "Xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch biển mang tầm quốc gia", "Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2015-2020", “Bảo tồn và phát triển cảnh quan du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” nhằm mục đích định hướng chính là khai thác tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Ngành du lịch Bình Thuận đã tạo một bước đột phá trong tăng trưởng doanh thu, bình quân hàng năm lượng khách đến tăng từ 12-20%, doanh thu tăng khoảng 30%, trong đó năm 2015 đạt 4,25 triệu lượt du khách đến, doanh thu đạt 7.640 tỷ đồng. Quý I-2016, Bình Thuận đón hơn 1,5 triệu du khách, tăng 15,7% so với cùng kì năm 2015. Trong quý I-2016, tại tỉnh Bình Thuận đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, như Hội thảo "Liên kết phát triển du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia"; "Giải Billiards và Snooker vô địch quốc gia"; "Giải lướt ván buồm mở rộng MuiNe fan Cup lần thứ 17 năm 2016"; "Giải đua thuyền truyền thống"… kịp thời tuyên truyền, quảng bá, thu hút doanh nghiệp, du khách đến tìm hiểu đầu tư, tham quan. Đến nay đã có 436 dự án với tổng số vốn 63.738 tỷ đồng đầu tư vào Bình Thuận.

Ngành năng lượng:

Trong thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt một số dự án năng lượng lớn triển khai đầu tư tại Bình Thuận với tổng vốn đầu tư dự kiến là 18.696 triệu USD (kể cả phần vốn đã đầu tư của nhiệt điện Vĩnh Tân 2), trong đó có 2 trung tâm điện lực là Vĩnh Tân và Sơn Mỹ. Theo quy hoạch trên lĩnh vực điện lực, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm sản xuất điện với quy mô lớn bao gồm: Trung tâm điện lực Vĩnh Tân 6.224MW, Trung tâm điện lực Sơn Mỹ 3.900MW, các nhà máy điện gió với tổng công suất 700MW; đồng bộ là các tuyến đường dây và các trạm biến áp 500kV, 220 kV, 110 kV để thực hiện truyền tải và phân phối điện. Và khi các trung tâm điện lực, các nhà máy điện bắt đầu vận hành hết công suất giai đoạn 2020-2030, tổng điện năng sản xuất của tỉnh Bình Thuận sẽ tăng mạnh đột biến không chỉ cung cấp nhu cầu về điện cho nhân dân trong tỉnh, một phần lớn nhu cầu về điện của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ mà còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngành khai thác khoáng sản:

Bình Thuận có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, đáng chú ý là nước khoáng thiên niên Bicarbonat, với 10 mỏ trữ lượng cao và chất lượng tốt (trong đó có cả mỏ nước khoáng nóng 700C) có thể khai thác trên 300 triệu lít/năm và hiện có 2 mỏ (Vĩnh Hảo và Đa Kai) đang được khai thác và kinh doanh. Cát thủy tinh có 4 mỏ lớn ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân và La Gi trữ lượng trên 500 triệu m3; chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phù hợp để sản xuất thủy tinh cao cấp, kính xây dựng, gạch thủy tinh. Đá Granít có trữ lượng rất lớn, phân bố khắp nơi. Sét Bentonit dùng trong công nghiệp hóa chất và khai thác dầu mỏ, trữ lượng khoảng 20 triệu tấn. Quặng Sa khoáng nặng để sản xuất Titan, Zircon, trữ lượng khoảng một triệu tấn. Dầu khí là nguồn tài nguyên gần bờ biển, có tiềm năng khai thác với các mỏ trữ lượng lớn như Sư Tử Đen, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Sư Tử Vàng, Rubi... Đây là tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản cho tỉnh nhà.

Ngành nông - lâm nghiệp:

Ngành nông - lâm nghiệp Bình Thuận phát triển đa dạng, toàn tỉnh có hơn 200 ngàn ha đất nông nghiệp, đang hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả như thanh long, điều, bông vải, cao su, tiêu, nho, thanh long... trong đó thanh long là sản phẩm nổi tiếng, sản lượng hàng năm khoảng 140 ngàn tấn. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã gieo trồng được 33.829 ha cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày có khả năng chịu hạn, vượt 114% kế hoạch; trồng 18.748 ha lúa;... Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển các ngành công nghiệp chế biến và trữ lượng xuất khẩu hàng nông sản. Ngoài ra, với diện tích 390.745 ha rừng và đất lâm nghiệp là tiền đề thuận lợi để hình thành các nhà máy, xí nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; sản xuất nông nghiệp thường xuyên gặp nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài; thị trường tiêu thụ một số hàng nông sản chủ lực của tỉnh như thanh long, cao su… còn bấp bênh; ngành công nghiệp còn nhỏ bé, cơ sở vật chất yếu kém, công nghệ sản xuất lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh các sản phẩm của tỉnh còn thấp; số lượng các ngành, sản phẩm có quy mô sản xuất lớn và tạo ra giá trị gia tăng cao chưa nhiều;…

Vì vậy, để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, Bình Thuận cần lựa chọn và tập trung phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh nhà là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số