Tin mới nhất

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự phát triển của khoa học và công nghệ, người đã sớm nhận thấy vai trò của khoa học và công nghệ đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tư tưởng của Người về phát triển khoa học và công nghệ đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, là “kim chỉ nam” cho Đảng, Nhà nước ta hoạch định đường lối, chính sách về đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn hiện nay.  

Với vai trò là người sáng lập ra nhà nước và trực tiếp lãnh đạo xây dựng nhà nước trong suốt 24 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm đúng đắn về vai trò của khoa học và công nghệ.

Trước hết, Người coi khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất trực tiếp và là động lực của tiến bộ xã hội. Người viết: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao nǎng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi"[1] và "cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển vǎn hóa của nhân dân"[2]. Cho nên, muốn có tiến bộ, ấm no, hạnh phúc thì phải xây dựng CNXH và phát triển khoa học, công nghệ.

Thứ hai, phát triển khoa học, công nghệ phải đi đôi với giáo dục và đào tạo. Người đã chỉ rõ muốn khoa học, kỹ thuật phát triển thì đòi hỏi con người phải có trí tuệ, có trình độ vǎn hóa và tri thức nhất định đủ khả nǎng làm chủ được các phương tiện và quy trình kỹ thuật cũng như có khả nǎng sáng tạo và có những phát minh mới. Hồ Chí Minh nói: "máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ vǎn hóa và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập vǎn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết"[3]

Thứ ba, mở rộng giao lưu, hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Người nhắc nhở cán bộ và nhân dân ta phải tranh thủ học tập kinh nghiệm các nước anh em và các chuyên gia. Theo Người, tình hình trong nước và thế giới luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn, muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng vô tận, thì chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế để phát triển khoa học và công nghệ.  

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển khoa học và công nghệ đã định hướng cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong các thời kỳ và đặc biệt là trong thời mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay. Văn kiện Đại hội X của Đảng khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”[4]. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”[5]. Hiến pháp 2013 xác định: Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Đảng ta cũng đã ra Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong đó nêu rõ, khoa học và công nghệ phải thật sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013 với nhiều nội dung mang tính đột phá, cụ thể hóa tinh thần tập trung cho phát triển khoa học và công nghệ, mang lại động lực mới cho giới trí thức, giới nghiên cứu và quản lý khoa học của cả nước. Điều 62, Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ: Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ. 

Để có những đột phá trong việc nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ, để Nghị quyết của Đảng và nội dung của Hiến pháp 2013 nhanh chóng được triển khai trong cuộc sống cần có những giải pháp cụ thể, đó là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ xác định nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đối với phát triển khoa học và công nghệ; xây dựng kế hoạch trung và dài hạn trong việc đặt hàng các phòng thí nghiệm cho các tổ chức khoa học và công nghệ, thiếu các nghiên cứu chuyên sâu; nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của nhiều lĩnh vực sản xuất hiện còn ở mức thấp; mở rộng quy mô, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ nhằm tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong giá trị sản phẩm, góp phần tăng khả năng cạnh tranh…

Với tinh thần không ngừng học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đề ra những mục tiêu, phương hướng cụ thể để khẳng định và phát huy vai trò của khoa học, công nghệ trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước: “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức… Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến”[6]./.

 


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb CTQG,H., 1996, tr.77-78

2. Sđd, t.9, tr.586

3. Sđd, t.9, tr.50

[4]. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.94-95.

[5]. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.77.

[6]. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.119-120.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số