Tin mới nhất

Những trường hợp cấm kết hôn theo quy định của một số nước trên thế giới và giá trị có thể tham khảo đối với Việt Nam

Pháp luật về Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. Tùy vào điều kiện chính trị, xã hội, văn hóa và ý chí của giai cấp cầm quyền của mỗi quốc gia mà nội dung các quy định trong lĩnh vực HN&GĐ có thể có những điểm tương đồng hoặc khác biệt. Nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới là một yêu cầu rất quan trọng trong xu thế hiện nay. Việc xem xét, đánh giá pháp luật của các nước với mục đích là xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật quốc gia mình. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập một vài quy định của pháp luật HN&GĐ về các trường hợp cấm kết hôn của một số quốc gia chủ yếu ở Châu Á, bên cạnh đó còn có các quốc gia ở phương Tây như Mỹ, Pháp.

Theo giải thích của Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì cấm là “không cho phép”[1]; còn kết hôn là “lấy nhau làm vợ chồng”[2]. Hiểu một cách đơn giản thì cấm kết hôn là không cho phép lấy nhau làm vợ chồng. Dưới góc độ pháp lý, cấm kết hôn là các trường hợp mà pháp luật đặt ra, nếu vi phạm vào các trường hợp đó thì nam, nữ không được kết hôn. Cùng với điều kiện về độ tuổi và điều kiện về sự tự nguyện, các trường hợp cấm kết hôn là một trong những nội dung quan trọng mà hai bên nam, nữ khi kết hôn phải tuân thủ.

1. Những trường hợp cấm kết hôn theo quy định của một số nước ở Châu Á.

1.1. Trung Quốc

Đối với người phương Đông, quan hệ gia đình được coi là quan hệ trọng tâm, cốt yếu trong tất cả quan hệ giữa con người với con người. Theo Lâm Ngữ Đường – học giả lớn của Trung Quốc: “Khổng tử đã cho chế độ gia đình một căn bản triết học, đã đặc biệt chú trọng tới quan hệ vợ chồng, coi nó là giềng mối của những quan hệ nhân loại...” [3]. Do vậy, hôn nhân và gia đình được xem là nền tảng quan trọng của xã hội Trung Quốc.

Luật Hôn nhân của Trung Quốc cấm chế độ đa thê, quy định một cách rõ ràng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, “hôn nhân dựa trên sự tự nguyện giữa các bên, nguyên tắc một vợ một chồng và bình đẳng giữa nam và nữ sẽ được áp dụng”[4]. Nếu bên nam, nữ là người có quan hệ huyết thống trực hệ hoặc bị các bệnh mà y học xác nhận là không thích hợp cho hôn nhân thì việc kết hôn của họ cũng sẽ bị cấm (Điều 7). Quy định về kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn là bắt buộc. Hôn nhân đồng tính được xem là không hợp pháp ở Trung Quốc.

Quy định của pháp luật Trung Quốc về các trường hợp cấm kết hôn có nhiều điểm khác so với pháp luật Việt Nam. Theo tác giả, Việt Nam có thể tham khảo quy định về kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân để áp dụng vào quy định của nước mình, nếu không đủ điều kiện sức khỏe thì sẽ không được phép kết hôn.

1.2. Đài Loan

Pháp luật HN&GĐ ở Đài Loan luôn tôn trọng và bảo vệ nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng, nguyên tắc hôn nhân giữa hai người khác giới và bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng được thể hiện trong Bộ luật Dân sự Đài Loan như sau: “người có vợ, có chồng không được kết hôn với người khác. Một người không được cùng một lúc kết hôn với hai người hoặc nhiều người”[5]. Quy định này tương tự với quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014[6].

Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của Đài Loan đều cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và những người có họ gần. Việc cấm kết hôn này không chỉ có ý nghĩa liên quan đến phong tục tập quán đạo đức, mà còn có một ý nghĩa lớn về di truyền đã được khoa học xác nhận. Theo Điều 983 Bộ luật Dân sự Đài Loan thì những người có quan hệ thân thích dưới đây không được kết hôn: Người có quan hệ dòng máu trực hệ và người có quan hệ hôn nhân trực hệ; Người có quan hệ dòng máu họ hàng trong phạm vi 6 đời; Người có quan hệ họ hàng bằng quan hệ hôn nhân trong phạm vi 5 đời của quan hệ khác chi. Pháp luật Đài Loan còn quy định: Người giám hộ không được kết hôn với người được giám hộ trong thời gian giám hộ, trừ khi được sự đồng ý của cha mẹ người được giám hộ (Điều 984).

Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014 cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, không có quy định “người giám hộ không được kết hôn với người được giám hộ trong thời gian giám hộ, trừ khi được sự đồng ý của cha mẹ người được giám hộ” như pháp luật Đài Loan và một số quốc gia khác. Thông qua Điều 983 Bộ luật Dân sự Đài Loan, ta cũng thấy rằng, phạm vi các bên có mối quan hệ thân thích thuộc diện cấm kết hôn theo quy định của pháp luật Đài Loan thì rộng hơn ở Việt Nam. Pháp luật HN&GĐ Việt Nam hiện hành chỉ cấm kết hôn trong phạm vi ba đời, còn ở Đài Loan thì người có quan hệ dòng máu họ hàng trong phạm vi 6 đời không được phép lấy nhau.

Dưới góc nhìn của sự so sánh luật pháp giữa các nước, tác giả nhận thấy rằng, thật khó để tìm thấy những quy định trùng hợp về các trường hợp cấm kết hôn. Điều này được lý giải bởi nhiều lý do về văn hóa dân tộc, góc nhìn lập pháp, v.v… Có thể quy định về trường hợp cấm kết hôn này là hợp lý nếu đặt trong bối cảnh xã hội của quốc gia đó nhưng có thể quy định đó lại trở nên bất hợp lý, nếu đặt trong bối cảnh của quốc gia kia. Bản thân tác giả cho rằng, quy định về cấm kết hôn như điểm d, khoản 2, Điều 5 Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014 là hợp lý, chúng ta không nên mở rộng phạm vi cấm kết hôn sang đời thứ tư, thứ năm v.v. vì nếu mở rộng như vậy thiết nghĩ Luật quá khắt khe khi xét trong tình hình xã hội Việt Nam hiện tại.

1.3. Nhật Bản

Ở Nhật Bản, không có một ngành luật nào có tên là Luật HN&GĐ như trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Pháp luật Nhật Bản quy định quan hệ HN&GĐ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân Sự. Bộ luật Dân sự này mặc dù ảnh hưởng bởi tư tưởng của pháp luật Đức và Pháp nhưng trong lĩnh vực pháp luật gia đình (quyển IV & V) thì đậm chất truyền thống của Nhật Bản.

Pháp luật Nhật Bản không cho phép đa thê, cấm người đang có chồng (vợ) kết hôn. Kết hôn giữa những người có quan hệ họ hàng gần là không được phép, “những người có mối quan hệ trực hệ thì không được kết hôn” (Điều 735). Các bên nam nữ trong quan hệ hôn nhân phải đáp ứng điều kiện về sức khỏe thì mới được kết hôn.

Theo Điều 733 Bộ luật Dân sự của nước này thì nữ không được phép kết hôn trong vòng 6 tháng kể từ ngày hủy bỏ cuộc hôn nhân trước đó. Lý do chỉ cấm nữ giới là để tránh tình trạng không xác định được cha của đứa trẻ sinh ra sau khi tái hôn sớm (ngay sau khi ly hôn). Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Dân sự sửa đổi năm 1996, thời gian 6 tháng được rút ngắn xuống còn 100 ngày. Ngoài những trường hợp cấm kết hôn được nêu ở các Điều trên thì tại Điều 736 của bộ luật còn có quy định cấm cha mẹ nuôi kết hôn với con nuôi.

2. Những trường hợp cấm kết hôn theo quy định của một số nước ở phương Tây.

2.1.Pháp

Giống như Nhật Bản, pháp luật của nước Cộng hòa Pháp quy định quan hệ HN&GĐ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 1804. Bộ luật Dân sự năm 1804 (Bộ luật Napoleong) bao gồm 2283 Điều, chia thành Thiên mở đầu và 3 quyển. Bộ luật Dân sự năm 1804 được coi như Hiến pháp dân sự. Nghĩa là tất cả các vấn đề chung về luật tư sẽ được quy định tại Bộ luật này. Những vấn đề mang tính đặc thù sẽ được điều chỉnh ở các bộ luật chuyên ngành.

Những quy định về các trường hợp cấm kết hôn theo Bộ luật Dân sự Pháp: Người ta không thể xác lập hôn nhân thứ hai trước khi chấm dứt hôn nhân thứ nhất (Điều 147); về trực hệ, việc kết hôn bị nghiêm cấm giữa các tôn thuộc và ti thuộc chính thức hoặc ngoài giá thú và giữa những người thích thuộc cùng một dòng họ (Điều 161); về bàng hệ, việc kết hôn bị nghiêm cấm giữa anh em, chị em chính thức hoặc ngoài giá thú (Điều 162). Các quy định trên phần nào có thể khẳng định rằng, các trường hợp cấm kết hôn của Pháp khá giống với pháp luật Việt Nam. Điển hình là tại Điều 147 của Bộ luật dân sự Pháp thì trường hợp một người có quan hệ hôn nhân rồi mà xác lập quan hệ vợ chồng với người khác là bị cấm, được xem là kết hôn trái pháp luật.

Trước đây nước Pháp không cho phép hôn nhân đồng giới nhưng đến ngày 18.5.2013, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ký ban hành luật cho phép hôn nhân đồng giới. Pháp luật Việt Nam không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng hiện nay nhiều nước đã thừa nhận, trong đó có Pháp, thiết nghĩ, các nhà lập pháp cũng nên tham khảo điều này từ Pháp.

2.2.Mỹ

Mỹ là một quốc gia đa văn hóa, là nơi sinh sống của nhiều nhóm chủng tộc. Từ lâu hôn nhân là một phần quan trọng của xã hội Mỹ. Pháp luật hôn nhân được quy định ở mỗi tiểu bang. Điều kiện kết hôn của mỗi bang là khác nhau, các công dân của bang phải tuân thủ những quy định đó. Đối với các trường hợp cấm kết hôn ở Mỹ, việc nghiên cứu là khá phức tạp vì nó liên quan đến rất nhiều bang. Sau đây là những tóm lược chung trong quy định của một số bang về những trường hợp cấm kết hôn.

Nhiều bang ở Mỹ quy định về kiểm tra y tế khi đăng kí kết hôn. Các bang yêu cầu các bên đăng kí kết hôn phải kiểm tra bệnh hoa liễu, và một vài thử nghiệm đối với rubella, bệnh lao và bệnh thiếu máu hồng cầu liềm. Ngoài ra, tất cả các bên đăng ký kết hôn phải độc thân, hai vợ hai chồng hay đa phu thê đều bị cấm trên toàn nước Mỹ. Trong lịch sử hiện đại, nhiều bang đưa ra đạo luật cấm hôn nhân giữa những người khác chủng tộc. Tuy nhiên Tòa tối cao đã bác bỏ các đạo luật này năm 1967[7]. Hôn nhân huyết thống giữa những người họ hàng ở một cấp độ nhất định đều bị cấm, các bên kết hôn phải đủ năng lực hành vi. Theo quy định của bang Mississippi, điều kiện để hai bên lấy nhau là cả hai bên phải có kết quả xét nghiệm máu (về một chứng nhận y tế) từ bất kỳ phòng thí nghiệm cho dù trong hay ngoài tiểu bang để kiểm tra bệnh giang mai trước hôn nhân và được đăng ký với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ. Hôn nhân bị cấm và hạn chế: Cấm kết hôn giữa anh em, chị em con chú con bác ruột; anh em, chị em con cô con cậu ruột; anh em, chị em con bạn dì, cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Việc cho phép anh em họ kết hôn với nhau hay không tùy thuộc vào quan điểm của các nhà làm luật bang đó.

Không có bang nào thừa nhận hôn nhân giữa hai người đồng giới nhưng đến năm 1993, Tòa tối cao Hawaii phán quyết rằng việc từ chối cấp phép hôn nhân cho các đôi đồng giới có thể là vi phạm hiến pháp bang. Vào ngày 17.5.2004 Massachusetts trở thành bang đầu tiên ở Mỹ công nhận tính hợp pháp của hôn nhân người đồng tính[8]. Các bang tiếp theo công nhận là: Connecticut, New York, Iowa, Vermont, New Hamsphire, Washington, Maryland và quận Columbia. Ngoài ra còn có ba vùng lãnh thổ khác là Coquille Indian Tribe và Suquanish Tribe, Little Traverse Bay Bands of Odawa Indians[9]. Hiện này, ngày càng có nhiều bang công nhận hôn nhân đồng giới, trước khi thừa nhận chính thức, các bang thường ghi nhận hình thức đăng ký sống chung hoặc kết hợp dân sự v.v… Nếu pháp luật Việt Nam thừa nhận hôn nhân đồng giới thì cũng nên học hỏi kinh nghiệm từ các bang của Mỹ từng bước chính thức đưa hôn nhân đồng giới vào luật điều chỉnh.

Thông qua việc tìm hiểu các trường hợp cấm kết hôn ở một số nước, mục đích mà tác giả hướng tới là giúp hoàn thiện hệ thống luật trong nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Khoản 5, Điều 10, Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 quy định: cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, thay vào đó là “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8), điều này cho thấy quy định như vậy vẫn còn mang tính chất dè chừng. Trong khi đó, ở các quốc gia khác lại công nhận kết hôn đồng giới: Hà Lan, Bỉ, Pháp, nhiều tiểu bang ở Mỹ như Massachusetts, Connecticut, Iowa, v.v… Căn cứ vào các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi để quyết định có nên thừa nhận hôn nhân đồng giới hay không, mức độ thừa nhận đến đâu, cần phải ban hành những văn bản pháp luật nào để thực hiện quyền và bảo vệ quyền cho người đồng tính.

Khi các bên kết hôn thì có cần giấy khám sức khỏe hay không? Một số nước quy định đó là điều kiện bắt buộc, một số nước thì không quy định vấn đề này. Hiện nay, ở Việt Nam, giấy khám sức khỏe không phải là điều kiện bắt buộc. Khoản 1, Điều 23, Pháp lệnh dân số năm 2003 chỉ ghi nhận “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khoẻ trước khi đăng ký kết hôn”. Tuy nhiên trong xu thế hiện nay, các bên kết hôn cần có giấy khám sức khỏe được đa số nước quy định, nếu không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ thì sẽ rơi vào các trường hợp cấm kết hôn. Vấn đề có nên bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn hay không vẫn đang còn gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Theo tác giả, các nhà làm luật nên nghiên cứu thật kỹ, cân nhắc, lấy ý kiến rộng rãi từ phía người dân và các cơ quan ban ngành để đưa ra phương án khả thi nhất./.

 


[1] Nguyễn Lân (2000), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tp.Hồ Chí Minh, tr. 248.

[2] Nguyễn Lân (2000), Tlđd số 1, tr. 917.

[3] Ngô Thị Hường (2013), “Tác động của đạo đức đối với pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam”, Tạp chí luật học (số 3, tr.26).

[4] Article 2, Marriage Law of the People's Republic of China 1980 (adopted at the 21st Meeting of the Standing Committee of the Ninth National People's Congress on April 28, 2001).

[5] Xem: Điều 985, Bộ luật Dân sự Đài loan (trích) từ: Đinh Thị Mai Phương (2005), Tìm hiểu pháp luật Việt Nam và những quy định của Đài Loan về quan hệ hôn nhân và gia đình, Nxb. Tư pháp, tr.526.

[6] Xem: Điểm c, Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014.

[7] Morrison (2007), Những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ, Khoa luật, trường Đại học New York. Người dịch: Bích Hằng, Thế Hùng, Minh long, Thanh Tâm, Thanh Hải, Hồng Hạnh. Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.637, 638

[8] Morrison (2007), Tlđd số 7, tr.638.

[9] National center for lesbian rights (2013), Marriage, Domestic Partnerships, and Civil Unions: An Overview of Relationship Recognition for Same-Sex Couples Within the United States – NCLR, pp.1.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số