Tin mới nhất

Xây dựng chính quyền thân thiệnvới nhân dân và doanh nghiệp

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đề ra là xây dựng hệ thống bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở đảm bảo dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn đối với nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và của địa phương.

Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi quan niệm cố hữu từ nhiều năm nay về một nền hành chính mang nặng tính quan liêu, mệnh lệnh, áp đặt; chuyển mạnh sang nền hành chính dân chủ, cởi mở, lấy mục tiêu phục vụ làm đầu. Do đó nhiều năm qua, nhất là giai đoạn từ năm 2001 đến nay, Bình Thuận cùng cả nước thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) về các mặt, như: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Kết quả cho thấy mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân và doanh nghiệp được cải thiện một bước đáng kể, thông qua một loạt các biện pháp như cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện “cơ chế một cửa”; công khai hóa các quy định về thủ tục hành chính; rà soát, sửa đổi, bãi bỏ thủ tục theo hướng đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân tỉnh nhà. Người dân và doanh nghiệp đã cảm nhận được rằng các thủ tục hồ sơ được giải quyết nhanh chóng và thuận tiện hơn so với trước đây. Tuy vậy, bên cạnh những chuyển biến tích cực đã đạt được thì trên các lĩnh vực quản lý, thủ tục hành chính vẫn còn không ít những phiền hà, phức tạp, gây khó khăn cho dân và doanh nghiệp; tình trạng cơ quan hành chính giành thuận lợi về mình, thiếu sự chia sẽ khó khăn với dân và doanh nghiệp vẫn còn tồn tại. Những hạn chế đó đã làm lỡ cơ hội đầu tư và cản trở sức sản xuất của các thành phần kinh tế ở địa phương trong quá trình phát triển. Vì vậy, trong lúc lãnh đạo tỉnh ta quyết liệt chỉ đạo để cải thiện vị trí thứ bậc của Bình Thuận trong đánh giá các chỉ số liên quan đến năng lực hoạt động của chính quyền địa phương do các cơ quan ở TW tiến hành trên cơ sở ý kiến đánh giá “chấm điểm” của người dân và doanh nghiệp, như: Đánh giá năng lực cạnh tranh kinh tế cấp tỉnh hằng năm (PCI), chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh  (PAPI), thì những năm gần đây (2014 đến 2015), các chỉ số này diễn biến đi xuống so với các năm trước đó; cụ thể, chỉ số về năng lực cạnh tranh kinh tế hằng năm cấp tỉnh (PCI) năm 2013, Bình Thuận vươn lên đứng ở vị thứ 22/63 tỉnh-thành, nhưng năm 2014 lại tụt hạng (23/63), năm 2015 lại tụt xa hơn, xuống vị thứ 26/63); chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2013 ở vị thứ 7/63 (tăng 25 bậc so với năm 2012) thì năm 2014 rớt đến 10 bậc so với 2013 (17/63), năm 2015 càng rớt bậc xa hơn so với năm 2014 (34/63). Đáng lưu ý nhất là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), nhằm đo lường mức độ cảm nhận của người dân khi tiếp xúc, giao dịch với cơ quan chính quyền các cấp, phản ánh và đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân đối với các cấp chính quyền, đối với cán bộ, công chức. Có thể nói PAPI là thước đo biểu hiện chất lượng của nền hành chính phục vụ. Chỉ số này của Bình Thuận năm 2012 đứng vị thứ 49/63; năm 2013 có sự bứt phá vươn lên được 29 bậc (20/63). Để tiếp tục tạo đà phát triển, năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định số 3370/QĐ-UBND về việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tuy vậy kết quả mang lại không như mong muốn; năm 2014 và 2015 liên tục tụt hạng xuống vị thứ 32 rồi 41/63. Trong bảng xếp hạng PAPI năm 2011 và 2012, tỉnh ta thuộc nhóm thấp nhất; các năm 2013, 2014 và 2015 thuộc nhóm trung bình thấp. Trong 6 nội dung đánh giá, có đến 5 nội dung đạt nhóm trung bình thấp và thấp nhất, đó là: Sự tham gia của người dân ở cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; chỉ số công khai minh bạch thuộc vào nhóm thấp nhất.

Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật về những vấn đề được phản ánh từ các doanh nghiệp ở Bình Thuận qua khảo sát PCI trong vài năm gần đây để tháo gỡ những lực cản; năm 2014 có 57,4% doanh nghiệp ở Bình Thuận cho rằng: hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp còn phổ biến. Kết quả khảo sát PCI 2015, tình trạng này còn diễn biến xấu hơn: có gần 47% doanh nghiệp ở Bình Thuận cho rằng thương lượng với cán bộ thuế là khâu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh; 58,8% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến; 55% doanh nghiệp cho rằng công việc chỉ đạt kết quả sau khi đã chi phí không chính thức; 65,4% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh có chủ trương và sáng kiến hay, nhưng không được thực hiện tốt ở cấp dưới; 80% doanh nghiệp cho rằng cần có mối quan hệ để có được các tài liệu quan trọng của tỉnh. Có hai chỉ số còn yếu, đó là tính minh bạch và chi phí tài chính khi doanh nghiệp gia nhập thị trường. Sự minh bạch nằm ở yếu tố con người (là cán bộ, công chức), còn nhũng nhiễu thì không thể nói đến công khai minh bạch. Thực trạng đó đang đòi hỏi lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp địa phương cần có biện biện pháp hữu hiệu chấn chỉnh tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Không thể nào khác, phải coi doanh nghiệp là động lực phát triển. Việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là đòn bẩy để cải thiện năng lực cạnh tranh của kinh tế tỉnh nhà cũng như phản ánh năng lực điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương.

 Một tín hiệu mới được phát đi từ thông điệp của Chính phủ: “ Gỡ đinh dưới thảm để thu hút đầu tư”. Với tinh thần đó giữa tháng 7 năm 2016, hội nghị “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” được UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp địa phương. Đây là dịp để các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn Bình Thuận gặp gỡ và thẳng thắn trao đổi trực tiếp những vấn đề cần thiết đến Bí thư Tỉnh ủy và tập thể lãnh đạo UBND tỉnh. Hay như ở huyện Hàm Tân, những tháng đầu năm nay, lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân ở các xã trong huyện để lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của người dân, rồi sau đó có văn bản trả lời những vấn đề dân hỏi, dân yêu cầu. Đây là những cách làm mới rất hợp lòng dân và mong muốn của doanh nghiệp, cần được duy trì thường xuyên và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt hơn, cũng cần tham khảo kinh nghiệm hay ở các địa phương khác đã làm như TP HCM chủ trương đến cấp quận, huyện thực hiện “3 không”: không phiền hà, không sách nhiễu, không trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ hành chính; còn ở Đồng Tháp, chủ trương phong trào "3 hơn": Nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn. Để cải thiện chỉ số hài lòng về cung cách phục vụ, đã đến lúc chính quyền địa phương tỉnh ta cần áp dụng phương thức người dân và doanh nghiệp chấm điểm cho công chức về chất lượng giải quyết hồ sơ, về thái độ ứng xử khi tiếp xúc, giải quyết công việc. Với tinh thần tiếp dân như tiếp lãnh đạo thì “nụ cười công chức” rất cần thể hiện ở nơi công sở. Đó chính là phong cách của chính quyền phục vụ. Song chính quyền dù nỗ lực đến đâu thì khâu quyết định vẫn là cán bộ, công chức. Như điều Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại Hội nghị về CCHC diễn ra tại Hà Nội, tháng 7/2016 vừa qua rằng:" Chúng ta phải tìm được khâu yếu nhất là gì? Theo tôi là cán bộ. Anh cải cách bằng trời, nhưng cán bộ vẫn là quyết định. Cán bộ, cán bộ và cán bộ. Đây là khâu chúng ta cần quan tâm nhất”. Một chính quyền thân thiện thì thành viên của các cơ quan trong bộ máy đó phải hiểu rằng mình có điều kiện làm việc và hưởng lương từ công việc là nhờ tiền thuế do dân và doanh nghiệp đóng. Bởi vậy cán bộ, công chức phải làm việc trong tâm thế người phục vụ, chứ không phải là người cấp phát, ban ơn. Trong quá trình giải quyết, cán bộ, công chức phải thường xuyên lắng nghe ý kiến, nhận phản hồi từ phía nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện phương châm việc gì có lợi cho dân và doanh nghiệp thì phải hết sức làm, điều gì có hại cho dân và doanh nghiệp thì phải hết sức tránh.

Một nhiệm kỳ mới của chính quyền địa phương vừa được “thay da, đổi thịt”. Là nhiệm kỳ đầu tiên hoạt động theo tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Một chính quyền mang tính chuyên nghiệp cao, hành động, kiến tạo, liêm chính và phục vụ; chính quyền luôn đồng hành và thân thiện với dân, với doanh nghiệp để tạo ra những động lực cho sự phát triển mới của địa phương tỉnh nhà./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số