Tin mới nhất

Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp đan xen giữa cơ hội và thách thức, giữa độc lập, tự chủ với hội nhập, giữa phát triển với ổn định… làm thế nào để hội nhập nhưng không hòa tan, hay nói khác là hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ vững độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế đã và đang trở thành chủ đề lớn trong hoạch định chính sách đối ngoại của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế hiện nay là một trong những nội dung quan trọng trong tư duy, nhận thức và hành động của toàn Đảng toàn dân trong bối cảnh hiện nay. Nhằm đưa đất nước phát triển theo đúng định hướng, đúng quỹ đạo theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đó là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. 

Độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là một trong những mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết tốt được Đảng ta xác định từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đến Đại hội Đảng lần thứ XII (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định “các mối quan hệ phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta. Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật của thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…”.

“Độc lập” và “tự chủ” là hai mặt thống nhất nhưng không đồng nhất với nhau của chủ quyền quốc gia. Độc lập thể hiện mặt pháp lý của chủ quyền, tức là chủ quyền trên danh nghĩa. Tự chủ thể hiện năng lực thực hiện chủ quyền, tức là chủ quyền trên thực tế. Giữ vững độc lập, tự chủ là điều kiện tiên quyết để thực hiện lợi ích quốc gia, dân tộc và các mục tiêu đối nội, đối ngoại.

Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế có mối quan hệ biện chứng, vừa tạo tiền đề cho nhau và phát huy lẫn nhau, vừa thống nhất với nhau trong việc thực hiện mục tiêu cơ bản của cách mạng và lợi ích căn bản của đất nước ta, dân tộc ta.

Cương lĩnh năm 1991 mặc dù chưa sử dụng khái niệm “hội nhập”; nhưng Cương lĩnh đã nêu rõ các định hướng rất quan trọng: “… tiếp tục nâng cao ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng vật chất và trí tuệ của dân tộc đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tìm tòi bước đi, hình thức và biện pháp thích hợp xây dựng thành công CNXH”.

Về độc lập, tự chủ, Đại hội VIII mở rộng cách tiếp cận tới độc lập, tự chủ từ nâng cao ý thức độc lập, tự chủ đến yêu cầu tạo lập được một vị thế độc lập, tự chủ bao gồm “độc lập, tự chủ về kinh tế, quốc phòng, an ninh”, sao cho trong mọi lĩnh vực chúng ta có cách tư duy độc lập…” và “Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế”.

Đại hội IX xác định: “… xây dựng kinh tế độc lập tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng XHCN; đẩy mạnh CNH, HĐH, tạo tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất – kỹ thuật đủ mạnh; có cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả và sức cạnh tranh; có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm nền kinh tế đủ sức đứng vững và ứng phó được với các tình huống phức tạp, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế”. Như vậy, nội hàm độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như phương cách giữ vững độc lập, tự chủ kinh tế đã được xác định rõ hơn.

Đến Đại hội XI, đã thống nhất dùng khái niệm “độc lập, tự chủ” thay cho “độc lập tự chủ” để thể hiện đúng hai mặt “độc lập” và “tự chủ” của “chủ quyền quốc gia”.

Về hội nhập quốc tế, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập đầu tiên trong Văn kiện Đại hội VIII của Đảng (năm 1996): “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”.

Đại hội Đảng lần thứ IX (4/2001) đã chỉ rõ mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế: Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Đại hội IX nhấn mạnh: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh”.

Lần đầu tiên Đảng ta đã làm rõ thuật ngữ nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa; quán triệt yêu cầu mở rộng quan hệ với các nước nhưng không để nền kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc và bị sự chi phối của bên ngoài. Với tư tưởng đó, Đảng ta đã nâng lý luận về mối quan hệ biện chứng giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế lên một tầm cao mới, soi sáng cho việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại trong thời kỳ mới.

Đại hội Đảng lần thứ X (4/2006) tiếp tục khẳng định “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”, đồng thời “mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác”, nhấn mạnh chủ động và tích cực hội nhập kinh tế, còn đối với các lĩnh vực khác chỉ mới chủ trương mở rộng hợp tác. Đại hội XI chủ trương sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội...

 Về đường lối đối ngoại trên cơ sở tuyên bố “muốn là bạn” (Đại hội Đảng lần thứ VII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội Đảng lần thứ VIII), “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội Đảng lần thứ IX), Đại hội Đảng lần thứ XI, hoàn chỉnh và bổ sung thêm cụm từ là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Đại hội Đảng lần thứ XII nội dung này vẫn được kế thừa.

Nội hàm này thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam đồng thời thể hiện sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam, với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm của nước ta tại các cơ chế, tổ chức hay diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thể hiện một Việt Nam trách nhiệm, trách nhiệm đối với dân tộc của mình; trách nhiệm đối với khu vực của mình; trách nhiệm đối với những vấn đề chung của nhân loại.

Đồng thời, thể hiện tầm quan trọng của việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, Đại hội XI khẳng định quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là một trong các mối quan hệ lớn, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt.

Đại hội XII tiếp tục khẳng định, “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau.”. Về đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng được tiếp tục xác định “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển… chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Thực tiễn 30 năm đổi mới đã kiểm chứng tính đúng đắn và sáng tạo trong các quan điểm, chủ trương của Đảng về các vấn đề liên quan tới độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Quan điểm và chính sách kiên trì độc lập tự chủ của Đảng luôn được cụ thể hóa, bổ sung và phát triển thích ứng với những chuyển biến của tình hình trong nước và quốc tế. Điều đó đã góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, phục vụ thiết thực và hiệu quả cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số