Thứ nhất: Về chính trị
Tình hình chính trị thế giới có những diễn biến phức tạp, căng thẳng, xung đột sắc tộc… gây ảnh hưởng xấu đến du lịch cả nước nói chung và ở mỗi địa phương nói riêng. Du lịch là một ngành kinh tế năng động và cũng đầy “nhạy cảm” với chính trị. Vai trò của UBND cấp tỉnh được thể hiện trong việc dự báo tình hình, khả năng xử lý, ứng phó với sự thay đổi khó lường trước này.
Quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch giúp cho hoạt động du lịch phát triển theo đúng quan điểm, định hướng xây dựng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước. Đồng thời vai trò quản lý này đã tạo điều kiện cho sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, làm gia tăng sự đoàn kết, hợp tác quốc tế, hữu nghị, hoà bình giữa các quốc gia, các dân tộc, thông qua đó thúc đẩy hòa bình quốc tế. Thực tế hiện nay vẫn có một số đối tượng lợi dụng con đường du lịch để tìm cách phá hoại chế độ chính trị. Nếu cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương, UBND cấp tỉnh quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh, trật tự ở các địa điểm du lịch, an ninh của đất nước.
Thứ hai: Về kinh tế
Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột tôn giáo, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, cạnh tranh thu hút khách giữa các nước trong khu vực ngày càng gay gắt đã tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch[1]. Vai trò của công tác quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh là nghiên cứu sự tác động của các nhân tố gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch để đưa ra giải pháp, cách thức điều chỉnh phù hợp.
Việt Nam đã gia nhập và trở thành thành viên WTO, của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… đã mở ra triển vọng cho sự phát triển của ngành Du lịch, đem đến nhiều cơ hội mới cho phát triển du lịch, học hỏi được kinh nghiệm của các nước đi trước trong lĩnh vực du lịch. Địa phương sẽ có thêm thế và lực để phát triển và UBND cấp tỉnh sẽ phải có các giải pháp phù hợp, các chính sách thích ứng trong môi trường hội nhập.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những vấn đề quan trọng trong định hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay. Xuất phát từ vai trò quan trọng của du lịch đối với kinh tế dẫn đến yêu cầu quản lý chặt chẽ của UBND cấp tỉnh lĩnh vực này: “Du lịch ngày càng trở thành một nguồn lớn, nếu không nói là chính, cho tăng trưởng, việc làm, thu nhập và ngân khố quốc gia của nhiều nước đang phát triển trên thế giới”[2], hay “Du lịch như là một nguồn hữu hiệu của thu nhập và việc làm, và là một yếu tố quan trọng trong cán cân thanh toán đối với nhiều quốc gia hiện đang gia tăng thu hút sự quan tâm từ phía các chính phủ, khu vực và chính quyền địa phương và những người khác có quyền lợi trong phát triển kinh tế[3] .
Trong giai đoạn hiện nay, có một sự thật mà chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng rằng: Ngành du lịch nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vẫn có tín hiệu lạc quan nhất định thông qua các con số thống kê về số lượt khách du lịch tăng nhưng nếu không có sự suy xét, đánh giá khách quan thì chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt bởi nguyên nhân từ sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cấp chính quyền. Bởi lẽ đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương nói chung, ở UBND cấp tỉnh nói riêng trong việc chỉ đạo, định hướng hoạt động, ban hành chính sách phù hợp mang tính sáng tạo phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương là rất cần thiết. Du lịch phát triển tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp chuyển sang dịch vụ. UBND cấp tỉnh với thẩm quyền của mình sẽ ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, tự do và bình đẳng cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp để thực hiện các dự án trong lĩnh vực du lịch.
Thứ ba: Về văn hoá - xã hội
Du lịch có tác động lớn đến cộng đồng địa phương tại các địa điểm du lịch. Nó có thể tạo ra một nguồn thu nhập đáng kể và tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Hoạt động du lịch góp phần thực hiện xoá đói, giảm nghèo ở những vùng sâu, vùng xa. Nhưng điều gì “biến” vai trò của du lịch từ lý thuyết trở nên hiện thực? Chính vai trò của công tác quản lý nhà nước được tiến hành bởi hệ thống bộ máy quản lý nhà nước bằng các phương pháp quản lý hữu hiệu, bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật sẽ hiện thực hoá ảnh hưởng tích cực của du lịch. Ở địa phương, UBND cấp tỉnh là chủ thể quản lý có thẩm quyền rất lớn để thực hiện trọng trách này.
Du lịch tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu văn hoá, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch nếu thiếu sự quản lý và kiểm soát một cách chặt chẽ dẫn đến hiện tượng “hàng hoá hoá, tầm thường hoá nền văn hoá dân tộc”[4]. Vì thế, vai trò quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch không chỉ thúc đẩy du lịch phát triển mà còn kiểm soát sự phát triển đó trong mối tương quan với văn hoá.
Nước ta có một nền văn hóa “thống nhất trong đa dạng” thể hiện trong sự đa dạng về văn hóa tộc người, đa dạng trong văn hóa địa phương, văn hóa tôn giáo, văn hóa nghề nghiệp cùng với truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời. Bản sắc văn hóa, lối ứng xử có văn hoá của cộng đồng dân cư, môi trường văn hoá lành mạnh là những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của du lịch. Sự đa dạng trong văn hoá kéo theo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch văn hoá. Quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch không thể tách rời khỏi yếu tố văn hoá. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch có nhiệm vụ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hoá và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá cho địa phương.
Thứ tư: Về môi trường
Du lịch tác động đến môi trường cả theo hướng tiêu cực lẫn tích cực. Sự phát triển của du lịch kéo theo sự xung đột giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Vai trò của UBND cấp tỉnh là phải định hướng bằng các biện pháp, chính sách, quyết định quản lý để giảm thiểu sự tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế từ sự phát triển của du lịch. Vai trò đó được thể hiện qua các chính sách về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, đánh giá tác động môi trường trong quy hoạch phát triển du lịch…
Tóm lại: Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước[5]. Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế quốc dân. Năm 2015, tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt 337,83 nghìn tỷ đồng[6]. Tuy nhiên trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế thì ngành Du lịch đang đứng trước những thách thức to lớn, đòi hỏi phải có sự đổi mới, hoàn thiện, phải tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước để ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”. Hiện nay, Luật Du lịch năm 2005 đang trong quá trình lấy ý kiến dự thảo để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Tầm quan trọng của quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn và chúng ta cần có những quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền quản lý để tạo cơ sở pháp lý và khẳng định vai trò quan trọng của quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch./.
[1] Nghị quyết số: 92/NQ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
[2] Tổ chức Lao động Quốc tế (2012), Bộ công cụ Hướng dẫn Giảm nghèo thông qua Du lịch (Bản tiếng Việt), tr.7.
[3] Ginger Smith, Jason R. Swanson, David L.Edgell, Sr Maria DelMastro Allen, (2008), Tourism Policy and Planning - Yesterday, today and tomorrow, Elsevier Inc, page 9.
[4] Trần Văn Thông (2002), Tlđd số 6, tr.107.
[5] Chỉ thị số 46-CT/TW khoá VII ngày 14/10/1994: “Về lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới”.
[6] Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam, http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13462