Tin mới nhất

Sự cần thiết của việc nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Việc học tập, quán triệt lại tinh thần các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trong hệ thống Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh trong cả nước là một vấn đề cần thiết nhằm cung cấp cho đội ngũ này những nhận thức căn bản, cốt lõi nhất trong từng tác phẩm.

Theo nhiều từ điển của Việt Nam ghi nhận, kinh điển là một sản phẩm vật chất hoặc tinh thần có giá trị ở mức đỉnh cao, là những chuẩn mực, điển hình đã được lựa chọn, sàng lọc, đánh giá và công nhận rộng rãi.

Tác phẩm kinh điển là những bài nói, bài viết có giá trị mẫu mực, tiêu biểu; có ảnh hưởng lớn cho một học thuyết, một chủ nghĩa, một tôn giáo nào đó.

Tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những bài nói, bài viết mang tính kinh điển của Các Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã được in ấn chính thức thành những tác phẩm dưới dạng toàn tập, tuyển tập hay những tác phẩm riêng lẻ.

Nghiên cứu, tìm hiểu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là việc người nghiên cứu chọn cho mình mục đích, góc độ nghiên cứu nào đó thông qua việc đọc trực tiếp vào tác phẩm, không đọc qua các sản phẩm giới thiệu trung gian về tác phẩm. Độ ngắn, dài của các tác phẩm không đồng nhất với tính giá trị mà tác phẩm đem lại. Các tác phẩm ra đời cách đây khá lâu (từ vài chục năm cho đến gần 200 năm) và trong điều kiện lịch sử khác nhau, cho nên với cách tiếp cận trực tiếp vào tác phẩm cùng với quan điểm lịch sử cụ thể khi đánh giá hoàn cảnh ra đời cùng những nội dung mà tác phẩm đưa ra sẽ giúp cho giảng viên, nghiên cứu viên hiểu rõ hơn tính chân thực của tác phẩm. Với cách tiếp cận này cùng với sự hướng dẫn của các giáo sư, phó giáo sư sẽ giúp cho người nghiên cứu có tư duy mới hơn và được truyền ngọn lửa nhiệt huyết trong việc nghiên cứu tác phẩm kinh điển. Mỗi lần nghiên cứu, sẽ nhận thức lại tác phẩm, làm rõ hơn những giá trị mà các nhà kinh điển đã đóng góp cho nhân loại, dân tộc; đồng thời, sẽ nhận thức rõ những nội dung của các nhà kinh điển đã trở nên lỗi thời, lạc hậu (do lịch sử đã vượt qua) hoặc những luận điểm nào của các ông sẽ được tiếp tục phát triển trong điều kiện mới. Do vậy, không được hiện đại hóa các khái niệm hay chủ quan trong suy diễn của bản thân khi đọc các tác phẩm này. Với mỗi tác phẩm được nghiên cứu, sẽ rút ra ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn mà tác phẩm đem lại ở thời điểm nó ra đời và thời điểm hiện nay (đối với thế giới và Việt Nam).

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điền của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian qua, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức được 10 khóa bồi dưỡng kiến thức kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin cho các đối tượng là giảng viên, nghiên cứu viên trong hệ thống Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh. Tuy mỗi lớp học có thời gian tổ chức ngắn, dài khác nhau nhưng nhìn chung việc tổ chức lớp học là thiết thực, đã góp phần trang bị thêm kiến thức cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Qua đó, đội ngũ này sẽ tiếp tục thực hiện trọng trách tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với học viên; làm rõ hơn sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, niềm tin vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam và góp phần đấu tranh chống lại những luận điệu phản động hòng bôi nhọ chủ nghĩa Mác-Lênin./.  


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số