Tin mới nhất

Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận trong lĩnh vực du lịch

Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỉnh Bình Thuận có thế mạnh phát triển du lịch, tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch biển đảo. Tuy nhiên trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế thì ngành Du lịch tỉnh Bình Thuận đang đứng trước những thách thức to lớn, đòi hỏi phải có sự đổi mới, hoàn thiện, phải tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước để ngành Du lịch Bình Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”. 

Hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước của UBND tỉnh Bình Thuận trong lĩnh vực du lịch chậm đổi mới, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập nhất định. Sau đây là một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch nhằm thúc đẩy du lịch Bình Thuận phát triển:

Thứ nhất, giải pháp về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển du lịch.

+ Thành lập Ban điều hành và giám sát quy hoạch trong hoạt động du lịch trực thuộc UBND tỉnh. Ban điều hành và giám sát này “chịu trách nhiệm đảm bảo rằng một kế hoạch được thực hiện và làm nhiệm vụ giám sát, theo dõi tiến trình thực hiện các quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch. Quy hoạch và chiến lược kế hoạch phát triển du lịch đòi hỏi phải giám sát liên tục và thích ứng với hoàn cảnh thay đổi. Nếu không có điều này nó sẽ sớm lỗi thời và không đạt được các mục tiêu chiến lược đã được thiết lập ban đầu”[1] . Quản lý nhà nước của UBND tỉnh Bình Thuận trong lĩnh vực du lịch phải thật sự chuyên nghiệp thì mới theo kịp được với tầm quản lý hiện đại của các nước có nền du lịch phát triển. Trong quy hoạch phát triển du lịch mà không có sự điều hành, giám sát chặt chẽ thì quy hoạch đó rất dễ bị lệch hướng, không đem lại hiệu quả cao.

+ Cải thiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đặc biệt là chính sách phát triển du lịch biển đảo, đầu tư cơ sở hạ tầng, đề cao vai trò của chính sách thu hút vốn đầu tư để khai thác sức mạnh của đầu tư tư nhân.

+ Quy hoạch phải gắn với yếu tố sinh thái - môi trường và mục tiêu phát triển bền vững và cần có sự khảo sát ý kiến của khách du lịch và cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch, tham vấn ý kiến các địa phương khác.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực du lịch.

+ Rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về du lịch và những quy định pháp luật có liên quan đến du lịch để đánh giá hiệu quả điều chỉnh của các quy định này nhằm đưa ra phương hướng, biện pháp khắc phục, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, thúc đẩy hoạt động này phát triển trong điều kiện hội nhập. Môi trường pháp lý thông thoáng, chặt chẽ có tác dụng thu hút các nhà đầu tư. Những quy định pháp luật về du lịch rõ ràng, minh bạch là điều kiện cần thiết giúp hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ.

+ UBND tỉnh cần ban hành thêm các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý phù hợp để điều chỉnh các loại hình hoạt động du lịch như hoạt động du lịch biển, du lịch mạo hiểm... Đồng thời, trong việc soạn thảo văn bản, nhất thiết những người phụ trách hoạt động này phải đảm bảo không chỉ giỏi về kiến thức trong quản lý hành chính mà còn phải giỏi kiến thức chuyên môn, lĩnh vực đang soạn thảo.

Thứ ba, giải pháp về  đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

+ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức quản lý trong lĩnh vực du lịch phải hướng đến tính chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn, nhấn mạnh đến kĩ năng tin học, giao tiếp tiếng Anh.

+ UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ phát triển các cơ sở dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học. Tỉnh ta cần dành một phần ngân sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo nghề. Nếu không chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận thì sau này chúng ta sẽ đối mặt với bài toán vô cùng nan giải đó chính là việc thiếu hụt đội ngũ nguồn nhân lực không chỉ là số lượng mà còn là chất lượng. Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn và các hiệp hội nghề nghiệp thực hiện chủ trương đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội.

Thứ tư, giải pháp về hợp tác quốc tế về du lịch; hoạt động thông tin, xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài

+ UBND tỉnh, các ngành liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Hiệp hội du lịch phải thường xuyên tham gia các hội nghị du lịch quốc tế; các buổi tọa đàm trong và ngoài nước để mở rộng khả năng hợp tác quốc tế nhằm phát triển du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường du lịch, xác định được thị trường du lịch trọng điểm, từ đó lên kế hoạch xúc tiến cụ thể cho từng thị trường.

+ Cơ cấu lại tổ chức và bộ phận nhân sự trong Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch. Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch phải mạnh về hoạt động xúc tiến chứ không nên kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Theo tác giả, nên có phòng tư vấn và nghiên cứu đầu tư xúc tiến du lịch. Chúng ta không nên trói buộc tư duy và áp dụng phương thức vận hành kiểu vừa quản lý vừa quảng bá du lịch. Nếu cứ áp dụng tư duy và lối làm việc nặng về quản lý thì hoạt động xúc tiến du lịch sẽ chỉ là nửa vời. Trong Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch sẽ có tổ công tác xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài bao gồm các chuyên gia giỏi, chuyên nghiệp.

Thứ năm, giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về du lịch phải thường xuyên, có kế hoạch cụ thể; hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về du lịch cần đa dạng, thông qua hoạt động đào tạo, các lớp bồi dưỡng, các lớp tập huấn chuyên đề… 

 + Bố trí cán bộ chuyên trách, có kĩ năng, kinh nghiệm phụ trách nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về du lịch; đầu tư phương tiện hiện đại, kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ sáu, giải pháp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch.

+ Tại các khu du lịch phải thiết lập các kênh phản hồi thông tin để các cá nhân, tổ chức góp ý, tố giác những sai phạm một cách tích cực và kịp thời. Số điện thoại đường dây nóng phải được ghi trên bảng điện tử dọc quanh các tuyến đường, trung tâm mua sắm, khách sạn, địa điểm vui chơi. Lưu ý rằng, việc lập đường dây nóng không phải lập để cho có mà phải bố trí người thường xuyên trực và có hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Anh. Sự phản ánh từ các khách du lịch, người dân địa phương tại các địa điểm du lịch về những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của du khách sẽ là nguồn thông tin rất có giá trị cho các cơ quan quản lý về du lịch mau chóng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

+ Cần phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm minh và công khai các vụ vi phạm của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

Mức xử phạt trong Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo tuy được nâng cao hơn so với các Nghị định trước đây nhưng như thế vẫn chưa đủ sức răn đe. Trong lĩnh vực du lịch, chỉ một hành vi vi phạm nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch của địa phương, đất nước. Thiết nghĩ, đối với các vụ vi phạm liên quan đến an toàn tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; hành vi lợi dụng hoạt động xúc tiến du lịch làm phương hại quyền lợi quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; sử dụng giấy phép hoạt động du lịch không hợp lệ; làm ô nhiễm môi trường du lịch thì mức xử phạt phải cao gấp đôi so với mức quy định trong Nghị định 158/2013/NĐ-CP hiện hành.

Theo luật Du lịch Singapore, tất cả hướng dẫn viên muốn hoạt động tại Singapore đều bắt buộc phải có giấy phép hướng dẫn du lịch cấp bởi Tổng cục Du lịch Singapore. Người phạm tội hành nghề hướng dẫn viên du lịch không được cấp phép hợp lệ sẽ phải chịu mức phạt tối đa là 5.000 SGD[2], khoản phạt nếu tái phạm sẽ là 10.000 SGD[3]. Có thể thấy rằng, Singapore đã áp dụng mức phạt rất cao, như thế mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm, tái phạm.

+ Chú trọng công tác hậu kiểm; bảo đảm thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực thi kết luận thanh tra; hình thức kiểm tra, thanh tra đột xuất nên được tiến hành nhiều hơn nhằm đảm bảo tính khách quan trong xử lý vi phạm, phát hiện kịp thời các vụ vi phạm.

+ Chúng ta phải có nhận thức đầy đủ rằng những sự cố an ninh trong du lịch là điều không thể tránh khỏi nhưng phòng ngừa sẽ tốt hơn là khắc phục và việc chuẩn bị kĩ càng để đối phó với các sự cố sẽ tốt hơn sự bị động nếu sự cố xảy ra. Thiết nghĩ, Tỉnh ta cần thành lập 1 trung tâm làm công tác dự báo các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong hoạt động du lịch, đồng thời trung tâm này cũng đảm nhiệm vai trò điều phối ứng phó. Cần phải quy định trách nhiệm, phân công rõ ràng nhiệm vụ của các Sở, ngành có liên quan như công an, y tế, giao thông vận tải… trong công tác phối hợp giải quyết các tình huống khẩn cấp. Thiết lập cơ chế hợp tác với các Ban quản lý các điểm du lịch, khu du lịch, tổ chức kinh doanh du lịch, Hiệp hội du lịch tạo nên sức mạnh tổng thể hỗ trợ đắc lực cho công tác dự báo các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Trên đây là một số giải pháp chính góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của UBND tỉnh Bình Thuận trong lĩnh vực du lịch./.

 

[1] World Tourism Organization (2013), The Sustainnable Tourism for Development Guidebook (the framework of the project “Enhancing capacities for Sustainable Tourism for Development in Developing Countries”), page.48.

[2] 5000 SGD xấp xỉ 78 triệu VNĐ, tỷ giá của Đồng Việt Nam với ngoại tệ Singapore, http://www.sbv.gov.vn/.

[3] Singapore Tourism Board Act (Chapter 305B), Paragraph 19B – Part IIIA Tourist Guides, Xem thêm tại: http://statutes.agc.gov.sg/aol/search/display/view.w3p;page=0;query=DocId%3A881b2b5d-4f28-442c-ba66-6f5a992da4a1%20Depth%3A0%20Status%3Ainforce;rec=0.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số