Khoa lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với việc thực hiện Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (chỉnh sửa, bổ sung năm 2014) của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ngày 21/4/2014, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra Quyết định số 1479/QĐ - HVCTQG về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thay thế chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Quyết định số 1845 ngày 29/7/2009. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã triển khai giảng dạy theo chương trình mới tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được khai giảng từ tháng 9 năm 2014. Khoa lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi đầu trong việc thực hiện chương trình này.

Đến nay, Khoa đã tham gia giảng dạy 2 phần: Phần I  (Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh) cho 06  lớp (05 lớp hệ đào tạo tại chức, 01 lớp hệ đào tạo tập trung) và một số chuyên đề của Phần IV (Đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội) cho 02 lớp (hệ đào tạo tại chức). Qua quá trình thực hiện, tập thể giảng viên của Khoa đã có những ghi nhận như sau:

Về ưu điểm, tổng thể chương trình ngắn gọn, rút ngắn thời gian đào tạo (thời gian học đối với hệ đào tạo tập trung là 06 tháng, đối với đào tạo tại chức là 12 tháng); nội dung chương trình đã khắc phục một phần những thiếu sót, trùng lặp giữa các phần học, tăng cường cập nhật những kiến thức mới về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những nội dung quan trọng khác, đáp ứng mục tiêu đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn.

Ưu điểm này đã giúp tập thể khoa tiếp cận nhanh với nội dung chương trình; triển khai, thực hiện kịp thời những nhiệm vụ do Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo như: Xây dựng kế hoạch phân công bài giảng, đổi mới công tác soạn giảng, xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi …

Bên cạnh thuận lợi, tập thể giảng viên của Khoa cũng gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện nội dung chương trình.

Thứ nhất, tuy nội dung chương trình có sự chọn lọc, rút ngắn nhưng kiến thức ở các chuyên đề của khoa phụ trách vẫn còn dài, cụ thể là các chuyên đề của môn kinh tế chính trị Mác - Lênin thuộc phần I.1 (Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin); chuyên đề về đường lối, chính sách về kinh tế của phần IV (Đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội) nội dung quá dài mà việc phân bổ thời gian giảng dạy lại quá ngắn, dẫn đến việc phân chia thời gian cho các đề mục của bài học khá khó. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho cả người dạy và người học. Bởi lẽ người dạy thì dạy không hết bài và người học sẽ không tiếp cận sâu sắc nội dung kiến thức cần nắm được.

Thứ hai, mặc dù Vụ Các trường chính trị đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai chương trình mới cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước (từ ngày 02/6/2014 đến ngày 07/6/2014) nhưng vẫn chưa đi sâu vào từng nội dung của các phần học, môn học. Điều này đã tạo những khó khăn nhất định cho giảng viên khi tiếp cận những nội dung mới của chương trình.

Thứ ba, nội dung thảo luận các phần học do Khoa phụ trách đối với lớp hệ đào tạo tập trung chưa được đảm bảo. Bởi lẽ nội dung quá nhiều, học viên không thể nắm hết, từ đó việc đầu tư, chuẩn bị cho nội dung thảo luận còn rất sơ xài, thụ động, chưa đi sâu vào vấn đề, học viên còn phụ thuộc nhiều vào sự giải đáp, hướng dẫn của thầy cô giảng dạy.

Trên đây là những ghi nhận bước đầu của tập thể Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện giảng dạy nội dung chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính (chỉnh sửa, bổ sung năm 2014). Thiết nghĩ, trong thời gian đến để tập thể giảng viên của khoa nói riêng và của nhà trường nói chung thực hiện tốt nội dung chương trình mới, đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nên rút ngắn bài học theo hướng lựa chọn nội dung cốt lõi nhất cho phù hợp với thời lượng phân bổ, giúp việc giảng dạy và học tập thuận lợi hơn. Đồng thời, lãnh đạo các khoa của nhà trường nên tổ chức sinh hoạt chuyên môn nhằm thống nhất nội dung cốt lõi, cơ bản để giảng dạy trên lớp, những nội dung khác yêu cầu học viên tự nghiên cứu, học tập ở nhà. Có như vậy mới phù hợp giữa nội dung kiến thức và thời gian phân bổ cho các phần học, đảm bảo thực hiện đúng thời gian trên thực tế./.


Các tin khác