Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với cách mạng Việt Nam

Cách đây 175 năm, tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do Mác- Ănghen biên soạn đã ra đời; đây là lời tuyên bố đanh thép của giai cấp vô sản toàn thế giới về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản: đánh đổ xã hội tư bản, xây dựng xã hội mới Cộng sản chủ nghĩa. Với sự soi sáng của lý luận Mác- Ănghen, các phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản trên toàn thế giới thật sự đã có “điểm tựa” về mặt lý luận, là vũ khí sắc bén để giai cấp vô sản hiểu hơn về sứ mệnh lịch sử của mình và cùng chung tay đoàn kết để thực hiện sứ mệnh đó. Lê - Nin chính là người đã hiện thực hoá lý luận này và bổ sung, phát triển lý luận của Mác-Ănghen trong điều kiện mới. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã trở thành ngọn đuốc soi đường, cổ vũ cho giai cấp vô sản các nước tiến lên vũ đài chính trị giành chính quyền về tay mình. Từ đó, hàng loạt các nước XHCN đã ra đời và trở thành hệ thống lớn mạnh, đối trọng với hệ thống TBCN suốt một thời gian dài. Những năm 90 của thế kỷ XX, do những lý do khác nhau, các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô (cũ) rơi vào khủng hoảng và sụp đổ (đây là sự sụp đổ của mô hình đi lên CNXH ở từng nước). Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch đã cho rằng sự lựa chọn đi lên con đường CNXH, CNCS là sai lầm; Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, không còn phù hợp… Để góp phần nhìn nhận và làm rõ những giá trị và ý nghĩa thời đại của Chủ nghĩa Mác, chúng ta cùng tìm hiểu một trong những tác phẩm tiêu biểu của các ông – “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

* Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

Những năm 30 của thế kỷ XIX, phong trào công nhân các nước châu Âu phát triển rất nhanh nhưng chưa hình thành một khối thống nhất, chưa có sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng. Giai cấp vô sản chưa hiểu rõ lý thuyết khoa học về bản chất của chủ nghĩa tư bản, về nguồn gốc bị bóc lột, về sứ mệnh lịch sử và về con đường tự giải phóng cho mình. Do đó, các cuộc đấu tranh của họ luôn bị thất bại (do chưa có lý luận dẫn lối, soi đường). Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân, Các Mác và Ăngghen đã tiến hành nghiên cứu lý luận khoa học và xây dựng mối liên hệ rộng rãi với những đoàn thể công nhân của các nước. Các ông đặc biệt chú trọng đến một đoàn thể cách mạng bí mật của những công nhân thủ công Đức sống lưu vong ở Pari có tên còn gọi là “Đồng minh những người chính nghĩa”. Sau khi Pari trở thành trung tâm, đoàn thể bí mật này mở rộng sang Luân Đôn, sau đó phát triển ở Thụy Sĩ, Đức và Pháp, bắt đầu trở thành một tổ chức công nhân mang tính chất quốc tế.

Nhân vật tiêu biểu của đồng minh này là Vaitơlin, người Đức, ông muốn thực hiện một “chủ nghĩa cộng sản bình quân”, chủ trương không tiến hành bạo động, không dùng vũ lực cũng có thể thay đổi chế độ được, với khẩu hiệu “Mọi người đều là anh em”; tư tưởng này có ảnh hưởng rất lớn trong phong trào công nhân thời bấy giờ. Mác và Ăngghen thấy rằng, muốn làm cho “Đồng minh những người chính nghĩa” phù hợp với yêu cầu cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, cần phải từ bỏ quan điểm về chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Vaitơlin. Mác và Vaitơlin đã gặp và tranh luận với nhau nhưng không thể đi đến thống nhất khi hai bên hoàn toàn khác nhau về tư tưởng lý luận.

Mấy tháng sau, Mác và Ăngghen thành lập “Uỷ ban thông tấn cộng sản” ở Brucxen (Bỉ). Ngay sau đó, Uỷ ban đã liên lạc với nhiều chi bộ của “Đồng minh những người chính nghĩa”. Mùa xuân năm 1847, Mác và Ăngghen gia nhập “Đồng minh những người chính nghĩa” ở Luân Đôn và tiến hành cải tổ tổ chức này. Ít lâu sau, Đồng minh triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ nhất. Tại Đại hội này, căn cứ vào đề nghị của Mác và Ăngghen, “Đồng minh những người chính nghĩa” đổi tên thành “Liên đoàn nhũng người cộng sản” và thông qua cương lĩnh mới, lấy khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” thay thế cho khẩu hiệu mơ hồ  “Mọi người đều là anh em”.

Một thời gian sau, cũng vào mùa thu năm 1847, Liên đoàn những người cộng sản triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ hai. Các đại biểu đều thấy cần phải có một tuyên ngôn làm cương lĩnh cho hoạt động của Liên đoàn. Mác và Ăngghen đã bắt tay vào viết bản Tuyên ngôn. Tháng 2 năm 1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” chính thức được công bố tại Luân Đôn.

* Nội dung cơ bản của tác phẩm

Tác phẩm được trình bày trong 04 chương (Chương I: Tư sản và vô sản; Chương II: Những người vô sản và những người cộng sản; Chương III: Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa; Chương IV: Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập)

Sau những lần xuất bản, thực tiễn có nhiều biến đổi, phong trào công nhân cũng có những biến chuyển, nên Mác và Ăng ghen đã bổ sung thêm một số luận điểm cho phù hợp. Tuy nhiên, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử, cho nên, các ông không thể tự ý sửa chữa vào đó, vì thế, các ông đã viết các lời tựa cho các lần xuất bản. Có tất cả 07 lời tựa cho các lần xuất bản khác nhau, cụ thể: Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1872; Lời tựa cho bản tiếng Nga, xuất bản năm 1882; Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1883; Lời tựa viết cho bản tiếng Anh, xuất bản năm 1888; Lời tựa viết cho bản tiếng Đức, xuất bản năm 1890; Lời tựa viết cho bản tiếng Ba Lan, xuất bản năm 1892; Lời tựa viết cho bản tiếng Italia, xuất bản năm 1893. Trong đó, có 02 Lời tựa năm 1872 và 1882 được C.Mác và Ph.Ăngghen viết chung, 05 Lời tựa còn lại do Ph.Ăngghen viết.

Qua các Lời tựa, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định rằng: những nguyên lý cơ bản được trình bày trong Tuyên ngôn vẫn hoàn toàn đúng, ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần xem lại, một số luận điểm mới đã được bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Vì thế, Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử, đã đáp ứng yêu cầu lịch sử, là cương lĩnh chính trị mang tính quốc tế của giai cấp công nhân hiện đại.
Sự ra đời của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C.Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phong trào công nhân trên toàn thế giới.

 “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là văn kiện có tính chất cương lĩnh, lần đầu tiên nêu ra những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học. Tác phẩm nhấn mạnh vai trò của giai cấp vô sản và bộ tham mưu là Đảng Cộng sản. Muốn giải phóng mình, phải dùng bạo lực cách mạng để giành và nắm chính quyền, thiết lập sự đoàn kết quốc tế theo khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”.

Tác phẩm đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới. 

* Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm đối với cách mạng Việt Nam

Theo tài liệu khác nhau cho biết, ở Việt Nam, tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1926.

Sau khi Đảng ra đời, phong trào nghiên cứu, học tập lý luận luôn được chú trọng, nhất là sau Đại hội III (1960). Sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất năm 1975, phong trào học tập, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin tiếp tục được Đảng ta chú trọng. Các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác vẫn là những tài liệu học tập, nghiên cứu quý báu dành cho những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được Nhà xuất bản Sự thật tái bản lần thứ 10 với số lượng 30.000 cuốn, đồng thời xuất bản lần đầu ấn phẩm “Giới thiệu tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Ngày nay, chúng ta vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Ở nước ta, Hồ Chí Minh là người đã nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, chẳng hạn như việc giải quyết vấn đề giai cấp - dân tộc, xác định mâu thuẫn trong lòng xã hội Việt Nam, xác định lực lượng cách mạng…trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc các quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Việc những người cộng sản tiếp tục nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới cũng là lẽ hiển nhiên, vì điều kiện đã thay đổi, có những vấn đề lịch sử đã vượt qua, đòi hỏi chúng ta khi vận dụng, phát triển vừa phải đứng vững trên lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, vừa phải thực hiện với tinh thần và phương pháp khoa học nghiêm túc, đúng đắn. Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”[1]. V.I.Lênin - người kế tục xuất sắc sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen, đã chỉ rõ: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[2].

Việc nhận thức về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng được sáng tỏ là chứng minh hùng hồn cho sự phát triển lý luận khoa học, cách mạng ấy. Đã từng có khoảng thời gian dài, Việt Nam không chấp nhận nền kinh tế thị trường (xem đây là đặc trưng riêng có của kinh tế TBCN), hoặc đã từng không công nhận và chú trọng vai trò của các thành phần kinh tế với những hình thức sở hữu khác nhau, việc học tập và áp dụng lý luận máy móc, rập khuôn… đã làm cho kinh tế - xã hội của đất nước rơi vào khó khăn, khủng hoảng. Từ khi đất nước tiến hành đổi mới, hàng loạt vấn đề thực tiễn đã được tổng kết thành lý luận, những vấn đề thực tiễn đã chứng minh con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là đúng đắn và phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong điều kiện mới. Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam phải tiếp tục tự chỉnh đốn, tự đổi mới, xây dựng tốt về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để góp phần chứng minh sự đúng đắn của Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Bản chất Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, của chủ nghĩa Mác - Lênin là cách mạng và khoa học. Dù cho trong giai đoạn hiện nay, hệ thống XHCN tạm lâm vào thoái trào, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vẫn tiếp tục soi sáng những vấn đề cơ bản của thời đại và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta, vẫn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và Nhân dân ta; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn là giá trị cơ bản của nhân loại, là con đường, mục tiêu lý tưởng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn và phấn đấu xây dựng. Chỉ có đi theo con đường cách mạng dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, thì dân tộc Việt Nam mới có thể gặt hái được những thành công, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định. Vì thế, chúng ta phải luôn cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi xuyên tạc hòng hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Việc nghiên cứu, tổ chức hội thảo về tác phẩm của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận như hôm nay là rất cần thiết, để đội ngũ viên chức nhà trường, trong đó đặc biệt là đội ngũ giảng viên có cơ hội đọc, nghiền ngẫm các tác phẩm kinh điển. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên phải đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm góp phần truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin đến học viên vừa đảm bảo tính giáo dục, khoa học, vừa đảm bảo tính chiến đấu, khắc phục tình trạng ngại học, lười học, sợ học lý luận chính trị - một tâm lý thường thấy của học viên hiện nay.

ThS. Trần Thị Minh Hoài

Phó Hiệu trưởng


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen - Toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 1999, tr .796

[2] V.I.Lênin - Toàn tậpTập 4, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 232


Các tin khác