Nước sản xuất – niềm hy vọng lớn của người dân Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam

Mỹ Thạnh là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Thuận Nam, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã cao (66,43%). Sinh kế của người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng nguồn nước phục vụ sản xuất chỉ dựa vào nước trời, nên sản xuất bấp bênh, đời sống người dân rất thấp. Vì vậy, cùng với việc triển khai các chính sách đầu tư phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì giải pháp căn cơ để vực dậy vùng đất này đó là đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.  

Đến với Mỹ Thạnh trong cái nắng chói chang của mùa khô Nam bộ, chúng tôi mới thực sự hiểu điều mà cán bộ và nhân dân nơi đây mong mỏi hơn bao giờ hết, đó là có nguồn nước tưới tiêu đảm bảo cho sản xuất của bà con. 

Mỹ Thạnh là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hàm Thuận Nam, cách trung tâm huyện 46 km. Phía Bắc giáp xã Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), phía Đông và Nam giáp xã Hàm Cần, Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam), phía Tây giáp xã La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình và Đức Thuận (Tánh Linh). Xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 263 hộ/906 khẩu, chiếm 92,36% dân số toàn xã. Sinh kế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, thanh long và các loại cây hoa màu như bắp lai, mì; chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm), nhưng mỗi năm chỉ làm được một vụ, chăn nuôi chủ yếu thả rông.

Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã nhanh chóng triển khai để giúp người dân tiếp cận các điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đã đầu tư xây dựng các tuyến đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, kiên cố hoá các tuyến đường vào các khu sản xuất của xã. Các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia như Dự án hỗ trợ bò cái sinh sản, hỗ trợ bò thuộc chương trình giảm nghèo bền vững; chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư được triển khai cũng đã phát huy khá hiệu quả, góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất. UBND xã cũng đã phối hợp với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai Dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ (SACCR) của tỉnh Bình Thuận cho các hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ vật tư nông nghiệp, đào ao…Đồng thời Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã vận động các doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xây nhà, hỗ trợ con giống chăn nuôi, hỗ trợ lắp đặt wifi miễn phí giúp cho người dân có điều kiện tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cùng với đó là hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách lãi suất ưu đãi cũng giúp cho người dân ở đây phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả.

Các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai ở địa phương đã đem lại kết quả nhất định, giúp cho đời sống của người dân nơi đây có bước phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá của xã Mỹ Thạnh, khó khăn lớn tồn tại bao lâu nay ở địa phương là tình trạng thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Mặc dù có cấp đất, có vốn, có hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhưng hình thức canh tác cũng như chăn nuôi của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước trời, mỗi năm chỉ làm được một vụ, chăn nuôi cũng thả rông tự do. Vào mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết qua các đập tràn, gây khó khăn trong đi lại của người dân. Nhiều năm hạn hán cục bộ đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất cây trồng, nên đời sống của nhân dân trong xã rất bấp bênh. Đó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo của xã vẫn ở mức cao, toàn xã có 188 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 66,43% số hộ toàn xã.

Không có nước sản xuất, nên xong một vụ mùa thì người dân ở đây lại phải đi nơi khác làm thuê, hoặc vào rừng xắn măng kiếm thêm trang trải cho cuộc sống. Nên niềm khát khao, mong chờ bao lấu nay của người dân là có nước để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Vì thế, khi được cán bộ địa phương thông tin về việc triển khai xây dựng hồ chứa nước Kapét, các hộ dân nơi đây đều rất phấn khởi, mong muốn các cơ quan chức năng sớm triển khai các khâu công việc, hoàn thành dự án theo kế hoạch. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước KaPét có quy mô dung tích chứa hơn 51 triệu m3 sẽ góp phần quan trọng trong việc cấp nước sản xuất cho khoảng 12.000 hộ dân của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó, có các hộ nghèo, cận nghèo của xã Mỹ Thạnh.

Với niềm hy vọng lớn, dự án đủ điều kiện để khởi công không còn bao lâu nữa, niềm mong mỏi có nước để sản xuất bao lâu nay của người dân xã Mỹ Thạnh sẽ được đáp ứng, không còn nỗi lo canh cánh khi đến mùa khô. Và khi đó, cùng với các giải pháp hiệu quả hỗ trợ nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi sẽ giúp bà con nơi đây thay đổi tư duy sản xuất, tự lực vươn lên thoát nghèo, đời sống của nhân dân, bộ mặt nông thôn của xã sẽ được khởi sắc trong thời gian không xa.  

Thu Hiền

Khoa Xây dựng Đảng


Các tin khác