Nghĩ về ngày Nhà giáo Việt Nam

Dân tộc ta có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội tôn vinh những người đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, những người vẫn ngày đêm không quản ngại gian khó, miệt mài với sự nghiệp trồng người. Ngày 20/11 từ lâu đã trở thành ngày hội lớn được cả xã hội đặc biệt quan tâm và trân trọng tri ân “nghề giáo”. Với ý nghĩa cao quý bắt nguồn từ truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Toàn xã hội hướng về và dành cho các thầy giáo, cô giáo những tình cảm trân trọng quý mến, sự biết ơn, đó chính là món quà tri ân vô giá cho tất cả những “kỹ sư tâm hồn”. 

Hòa chung không khí tri ân quý thầy giáo, cô giáo của những thế hệ học trò đối với những người đã dành trọn cuộc đời cống hiến tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, đây cũng là dịp để quý thầy giáo, cô giáo cùng nhau ôn lại kỷ niệm của những ngày trên bục giảng, cùng nhau nhìn lại những kỷ niệm “vui/buồn”, những trở lực với bao khó khăn và cả những “trăn trở” với nghề.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, phương tiện và hình thức học tập ngày càng đa dạng hơn. Ngày nay, khi nhịp điệu cuộc sống thay đổi, những giá trị truyền thống đang được thay dần bởi những điều thiết thực hơn thì ở một “góc độ” nào đó nghề giáo vẫn giữ được điều cao quý rất đáng trân trọng. Xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số thì việc tìm kiếm tri thức ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Bài giảng của thầy không còn đơn giản là truyền thụ kiến thức một chiều và thụ động, mà vai trò của người thầy có thể được xem là tổng hợp của nghệ thuật vĩ đại, bao gồm: nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên, là tổ chức và định hướng, giúp người học lĩnh hội tri thức, đặc biệt là truyền thụ cảm hứng cho người học.

Người thầy hôm nay phải lan tỏa kiến thức của mình thông qua những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân chứ không thể chỉ là một cái máy đọc sách, đơn giản đọc lại những gì trong sách đã chia sẻ; người thầy phải dẫn dắt, lan toả điều hay, đấu tranh phản bác điều xấu, mong sao “làm đẹp” cho đời.

Đa số những ai đã lựa chọn nghề giáo là nơi gắn bó sự nghiệp cả đời đều có chung tâm huyết và trăn trở với nghề. Dạy và học, học và dạy luôn nhắc nhở bản thân mỗi người cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa. Khi đối diện với những khó khăn và thử thách trong nghề, nhiệt huyết của chúng ta có thể bị bào mòn, nhưng quyết tâm thì không bao giờ vơi, bởi vì quyết tâm là sự lựa chọn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa” [1].  Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người thầy giáo tốt phải là người không những giỏi về chuyên môn, còn phải thật thà, yêu nghề của mình, có yêu nghề của mình bao nhiêu thì mới yêu quý học trò bấy nhiêu.

Ca ngợi nghề dạy học, Cố thủ tư­­ớng Phạm Văn Đồng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất vì nó tạo ra con ng­ười sáng tạo”. Một thầy giáo tuyệt vời cũng chính là 1 nghệ sĩ tuyệt vời. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần. Ca dao xưa có câu: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy, đủ thấy được lòng trân trọng, sự kính yêu của người Việt dành cho Nhà giáo - những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại. Với nghề dạy học không thể nhìn thấy kết quả của một ngày làm việc. Kết quả ấy vô hình và có lẽ vẫn còn đó đến nhiều năm sau và biết bao thế hệ đang vun đấp cho sự phát triển lâu dài của tương lai đó.

Qua 61 năm hình thành và phát triển, cùng với những thành tích chung của cả nước, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận với đội ngũ giảng viên đã và đang từng bước trưởng thành về nhiều mặt. Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Trường về trình độ chuyên môn có 24 thạc sĩ; trình độ lý luận chính trị: cao cấp là 15 đồng chí; 08 giảng viên chính, 02 chuyên viên chính, còn lại là chuyên viên và giảng viên hạng 3. Đội ngũ giảng viên từng bước được trưởng thành về nhiều mặt: số lượng giảng viên tăng lên đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng; trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên được nâng cao; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên ngày càng vững vàng qua thực tế hoạt động giảng dạy (năm 2021 và  năm 2023, qua 02 lần tham gia Hội thi Giảng viên dạy giỏi cấp Học viện, cả 03 giảng viên của Trường tham gia đều đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi; trong đó có 01 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi xuất sắc). Tập thể giảng viên của trường vẫn từng ngày cống hiến tâm huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục và lan tỏa văn hóa Trường Đảng trong cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà.

Là viên chức đang công tác tại Trường và cũng từng là học viên của nhà Trường, nhân kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, xin gởi lòng tri ân đến quý thầy cô giáo, những người đã thắp lên ngọn lửa nhiệt tình tâm hồn cho bao thế hệ cán bộ của tỉnh nhà, góp phần vào thực hiện sự nghiệp đổi mới, làm giàu đẹp quê hương Bình Thuận và xin gởi lời chúc đến tập thể thầy cô Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận luôn đủ tâm - trí - lực để ngày càng cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người.     


[1] Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. Năm 2009, tr.331, tập 11

 


Các tin khác