Tìm hiểu quy định của pháp luật về phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thể hiện sự phát triển một cách phù hợp của pháp luật hôn nhân và gia đình với thực tiễn kinh tế - xã hội. Hiện nay, chia tài sản chung của nhiều cặp vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại ngày càng được quan tâm. Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng có mẫu thuẫn trong quản lý tài chính hoặc nhiều lý do khác. Do đó, trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có nhu cầu thì vẫn có quyền thỏa thuận để chia tài sản chung của vợ chồng.

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015: “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản là bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Thông thường, tài sản chung của vợ chồng là một khối thống nhất (thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất), cùng được cả hai chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, nhằm mang lại những giá trị vật chất hoặc tinh thần cho gia đình. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều hoàn cảnh khiến vợ, chồng có mong muốn phân định khối tài sản chung.

Có thể kể đến là các trường hợp như sau:

- Vợ chồng chia tài sản chung để một bên có thể thực hiện nghĩa vụ riêng về tài sản của mình.

- Chia tài sản chung để việc đầu tư kinh doanh giảm thiểu rủi ro đối với gia đình.

- Chia tài sản để hạn chế hành vi phát tán tài sản.

- Chia tài sản do vợ chồng có những mâu thuẫn trong đời sống tình cảm.

Với tư cách là đồng sở hữu chủ, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Theo cách hiểu chung nhất, phạm vi tài sản chung được chia (một phần hay toàn bộ) sẽ do vợ chồng quyết định dựa trên nhu cầu, hoàn cảnh thực tế của gia đình.

Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014 cho phép vợ chồng “có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung” trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp quy định tại Điều 42 - chia tài sản làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể thứ ba).

Việc cho phép vợ chồng chia tài sản chung hình thành trong tương lai khiến cho thỏa thuận của hai bên có khả năng tác động đến không chỉ những tài sản đang tồn tại, mà còn cơ cấu lại quyền sở hữu, tạo nên thay đổi sâu sắc đến những tài sản có khả năng phát sinh sau đó. Hiện nay, thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vẫn có khả năng tác động đến nhóm tài sản hình thành trong tương lai. Cụ thể, theo Điều 40 Luật HNGĐ năm 2014, sau khi chia tài sản chung, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đều là tài sản riêng (trước khi chia tài sản chung, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên là tài sản chung của vợ chồng)[1]. Sau khi chia tài sản chung, thậm chí, thu nhập do hoạt động lao động, sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác hình thành sau khi chia tài sản, đều là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận khác[2].

Về mặt nguyên tắc, với tư cách là đồng sở hữu chủ, vợ chồng được phép thỏa thuận định đoạt tài sản theo ý chí của mình. Việc buộc chủ thể phải trải qua một số thủ tục nhất định để đạt được sự chấp thuận, rồi mới có thể định đoạt tài sản, phần nào đi ngược lại với những quyền năng mà chủ sở hữu tài sản được pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ.

Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay đề cao ý chí tự nguyện của vợ chồng và không bắt buộc việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân phải do Tòa án tiến hành. Thậm chí, thủ tục công chứng cũng chỉ phát sinh khi vợ chồng có yêu cầu hoặc pháp luật quy định: “Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật”[3]. Từ quy định của điều luật, có thể suy ngược lại, nếu vợ chồng tự tiến hành phân chia tài sản chung, không cần sự can thiệp của Tòa án, pháp luật không quy định bắt buộc về hình thức và vợ chồng cũng không có nhu cầu, thì thỏa thuận chia tài sản hoàn toàn là chuyện nội bộ giữa vợ và chồng. Trong những trường hợp này, không có cơ quan nào kiểm soát sự lưu chuyển khối tài sản giữa vợ, chồng và khi bị phát hiện thì quyền lợi của người thứ ba đã bị xâm phạm nghiêm trọng, nhất là trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng có nghĩa vụ dân sự riêng cần thực hiện. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba bằng cách không thừa nhận việc chia tài sản chung khi hôn nhân đang tồn tại, nếu mục đích của của thỏa thuận là nhằm trốn tránh các nghĩa vụ luật định. Các nghĩa vụ này bao gồm: “nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật HNGĐ năm 2014, BLDS năm 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan”[4].

Theo Điều 131 BLDS năm 2015 - Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì “giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Trong trường hợp đang được nhắc đến, việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, kèm theo hàng loạt các hệ quả pháp lý phát sinh nhằm “khôi phục tình trạng ban đầu” đều hướng đến bảo vệ quyền lợi của người thứ ba. Tuy vậy, để thực hiện ý đồ trốn tránh trách nhiệm, không ít trường hợp trên thực tế, vợ, chồng đã tẩu tán tài sản. Khả năng khôi phục khối tài sản chung và bảo vệ quyền lợi của người thứ ba vì vậy gần như không thể thực hiện được thông qua quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, việc xác định tài sản chung của vợ chồng cũng cần phải lưu ý rằng:

- Sau khi chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ chồng mà không xác định đưuọc đó là thu nhâp do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ, chồng.

Vì thế, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là một chế định mang lại sự tự do và chủ động cho vợ chồng đối với quá trình tổ chức đời sống gia đình. Thông qua thỏa thuận, với sự công nhận của pháp luật, vợ chồng có thể không chỉ dừng lại việc phân định khối tài sản chung - riêng, một cách đơn thuần, mà hơn thế, có thể tạo nên những nguyên tắc để xác định quyền sở hữu đối với tài sản hình thành trong tương lai. Việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân mang đến những hệ quả to lớn đối với đời sống gia đình cũng như với chủ thể thứ ba. Vì vậy, việc quy định và giải thích pháp luật vừa mang tính tự do, cởi mở, vừa tạo nên những khuôn khổ hợp lý là điều vô cùng cần thiết, góp phần không nhỏ vào nhận thức của vợ, chồng trong vấn đề phân định tài sản chung trong hôn nhân./.


[1] Xem Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014.

[2] Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP.

[3] Khoản 2 Điều 38 Luật HNGĐ năm 2014.

[4] Khoản 2 Điều 42 Luật HNGĐ năm 2014.


Các tin khác