Lễ hội Dinh Thầy Thím - Góp phần phục vụ phát triển Năm Du lịch quốc gia năm 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”

Dinh Thầy Thím là một quần thể di tích gồm Khu Dinh thờ Thầy Thím và Khu Mộ ̣Thầy Thím, tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Ngôi Dinh là nơi để người dân địa phương thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với vợ chồng người đạo sĩ giàu lòng nhân ái (với cách gọi thể hiện sự tôn kính: Thầy Thím), vì đã có nhiều công lao cứu giúp người dân lao động nghèo khó.

Theo Kế hoạch số 2485/KH-UBND, ngày 27/6/2009 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc tổ chức các lễ hội văn hóa phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Lễ hội Dinh Thầy Thím được chọn là một trong 6 lễ hội tiêu biểu sẽ phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận. Cùng với Quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quyết định số 1992/QĐ-UBND, ngày 23/9/2022 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi phục vụ phát triển du lịch” là cơ sở pháp lý để thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Dinh Thầy Thím.

Thời gian qua, Lễ hội Dinh Thầy Thím luôn được các cấp chính quyền, các ban ngành hữu quan của thị xã La Gi và Ban Quản lý Dinh Thầy Thím quan tâm thực hiện khá tốt công tác quản lý, tổ chức và quảng bá nét văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội đến với du khách. Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2022 Lễ hội đã được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra từ ngày 09 - 11/10/2022 (nhằm ngày 14 - 16/9 âm lịch). Với các nghi lễ: Nghinh thần, Nhập điện an vị, Rước sắc phong và bằng công nhận di tích, Thỉnh sanh, Giỗ tiền hiền, Cúng binh gia… Đối với phần hội có nhiều hoạt động: Chương trình ca múa nhạc, tạp kỹ tại sân khấu lễ hội; diểu diễn Lân - Sư - Rồng; thí thực phát lộc tại Dinh Thầy Thím. Ngoài ra, Lễ hội Dinh Thầy Thím còn tổ chức Hội thi có các phần thi như: thi đấu cờ người, kéo co, chạy việt dã, làm bánh, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, đan lưới. Trong tiếng trống rộn ràng cùng sự cổ vũ nồng nhiệt của người dân địa phương và du khách, hội thi càng trở nên gây cấn và hào hứng với phần thi gánh cá có 16 chị tham gia chia thành các tốp, các chị vừa gánh trên vai đôi quang gánh nặng hơn 20 kg vừa chạy thi với nhau. Mỗi tốp chọn 01 người chạy nhanh nhất tiếp tục chạy thi với nhau để chọn ra người giỏi nhất (chị Nguyễn Thị Ninh ở thôn Hiệp Tiến là người xuất sắc đạt giải nhất); với phần thi đan lưới có 12 chị tham gia, chị nào đan được nhiều giếng lưới nhất trong vòng 05 phút sẽ là người chiến thắng. Đôi bàn tay khéo léo và linh hoạt, chị Trần Thị Ly đã xuất sắc đan được 18 giếng 3 mắt lưới (đạt giải nhất); phần thi khiêng thúng ra khơi có 06 đội tham gia (mỗi đội có 04 thanh niên khỏe mạnh là những người con của xứ biển). Các đội cùng nhau khiêng thúng ra biển vượt qua đích đến khoảng 60m, sau đó quay ngược trở lại bờ, đội nào có thời gian ít nhất sẽ là đội chiến thắng; phần thi làm bánh truyền thống có 07 đội thuộc 07 chi Hội trực thuộc Dinh Thầy Thím, mỗi đội có 04 thành viên. Trong thời gian 60 phút, các đội đã làm 04 cái bánh chưng, 04 đòn bánh tét và 15 cái bánh ít theo kích thước do ban tổ chức quy định. Phần thi này các đội không đặt nặng kết quả thắng hay thua, điều quan trọng nhất là các đội dự thi đã xác định đây là cơ hội để những người con Tam Tân gửi gắm tấm lòng biết ơn của mình đối với Thầy và Thím được thể hiện trong từng chiếc bánh do mình làm ra. Nhiều trò chơi mang đậm nét dân gian vùng biển được diễn ra sôi nổi trong suốt Lễ hội đã thu hút người dân địa phương và du khách, mặc dù còn chịu ảnh hưởng dịch Covid -19 nhưng năm 2022 Lễ hội Dinh Thầy Thím đã thu hút được khoảng 50.000 lượt khách.

Tuy nhiên, Lễ hội vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Hiện nay, thế hệ trẻ phần đông ít quan tâm đến việc tiếp nhận, duy trì và lưu giữ vốn di sản văn hóa truyền thống của ông cha lưu truyền lại, dẫn đến việc trao truyền, kế thừa và thực hành các nghi lễ trong Lễ hội Dinh Thầy Thím giữa thế hệ trước với thế hệ sau cũng gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ mai một dần theo thời gian; trong thời gian Lễ hội diễn ra có lúc chưa đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở các tuyến đường dẫn nối từ đường ĐT709 vào Dinh và Mộ Thầy Thím do đường hẹp, chưa được mở rộng; việc sử dụng loa kéo có âm lượng lớn mời gọi, chèo kéo du khách của các quầy hàng lưu niệm và dịch vụ ăn uống phía Cổng chính của Dinh vẫn còn diễn ra làm mất vẻ mỹ quan và nét trang nghiêm cần thiết của Lễ hội.  

Bình Thuận vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia năm 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Xuyên suốt trong năm nay, với trên 200 hoạt động, sự kiện đặc sắc có tầm cỡ quốc gia và quốc tế sẽ diễn ra tại tỉnh Bình Thuận cùng với 41 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để góp phần vào sự thành công của Năm du lịch quốc gia, Bình Thuận cần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội, trong đó có Lễ hội Dinh Thầy Thím nhằm góp phần phục vụ phát triển du lịch tỉnh nhà. Năm 2023, Lễ hội Dinh Thầy Thím diễn ra từ ngày 28 - 30/10/2023 (tức ngày 14 - 16/9/2023 âm lịch), để bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Dinh Thầy Thím, hướng đến đưa Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức thu hút Nhân dân, du khách trong và ngoài nước, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng của tỉnh với các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể thị xã La Gi trong công tác quản lý, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Dinh Thầy Thím. 

Hai là, UBND thị xã La Gi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định số 77/QĐ-SKHĐT, ngày 25/3/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đường Ngô Đức Tốn, thị xã La Gi. Công trình Nâng cấp đường Ngô Đức Tốn có quy mô dài 1.846,35 m rộng 9 m, có tổng mức đầu tư là 14.522.527.855 đồng, dự kiến tiến độ thực hiện từ năm 2023 - 2025 (công trình đã được khởi công). Đây là công trình trọng điểm giúp cho việc đi lại của nhân dân thuận lợi hơn và tạo điều kiện thu hút du khách đến với Dinh Thầy Thím ngày càng nhiều, do đó công trình phải được kiểm tra thường xuyên trong quá trình triển khai để đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Ba là, các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương cần chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo Dinh và Mộ Thầy Thím phải đảm bảo tối đa các yếu tố nguyên gốc vốn có của Dinh và Mộ Thầy Thím. Đặc biệt là quan tâm gìn giữ không gian kiến trúc, môi trường xanh, sạch, đẹp xung quanh khu vực Dinh và Mộ Thầy Thím.

Bốn là, Ban Quản lý di tích, Ban Tế tự Dinh Thầy Thím cần quan tâm, chú trọng đến việc trao truyền, hướng dẫn cho thế hệ trẻ đương thời về cách thức thực hành các nghi lễ trong Lễ hội để tạo nên một đội ngũ có tính kế thừa, tiếp tục bảo tồn và phát huy Lễ hội Dinh Thầy Thím, góp phần phát huy vai trò của Lễ hội trong phục vụ phát triển du lịch tỉnh nhà.

Năm là, tiếp tục duy trì các nghi lễ đảm bảo tính nghiêm trang trong Lễ Tảo mộ Thầy Thím (ngày 05/01 Âm lịch), Lễ Giỗ Thầy Thím (từ ngày 14 - 16/9 âm lịch) và tổ chức kết hợp phần hội đa dạng, phong phú mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng cộng đồng. Các hoạt động văn hóa - thể thao như: Chương trình ca múa nhạc, tạp kỹ, diểu diễn Lân - Sư - Rồng, thi đấu cờ người, thi kéo co, việt dã, làm bánh, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, đan lưới… là những hoạt động để người dân địa phương giữ gìn được nét văn hóa đặc sắc của Lễ hội và du khách cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi đến thưởng lãm Lễ hội Dinh Thầy Thím nên phần Lễ và Hội phải có sự đan xen nhau trong suốt Lễ hội diễn ra.

Sáu là, UBND thị xã La Gi đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa, giá trị và nét đặc sắc của Lễ hội Dinh Thầy Thím bằng các hình thức trực quan sinh động và thông qua các phương tiện thông tin truyền thông của địa phương. Đài Phát thanh và Truyền hình thị xã La Gi liên kết với nhiều kênh truyền hình, các trang mạng xã hội để xây dựng các chương trình quảng bá, giới thiệu về sự tích và các hoạt động của Lễ hội Dinh Thầy Thím để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo ̣tồn và phát huy giá trị Lễ hội. Hằng năm, Ủy ban nhân dân thị xã La Gi xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình chi tiết Lễ hội Dinh Thầy Thím (bao gồm cả phần lễ và phần hội) trước khi diễn ra Lễ hội ít nhất 03 tháng và thông báo rộng rãi trên các kênh thông tin khác nhau để người dân và du khách các nơi biết về hoạt động này./.


Các tin khác