Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

Hiện nay thuật ngữ “thẩm định” có nhiều cách hiểu khác nhau. Với cách hiểu thông thường, Từ điển Tiếng Việt thông dụng giải thích thẩm định là “xem xét để xác định về chất lượng”. Dưới góc độ pháp lý, theo Từ điển Luật học do Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp năm 2006: “Thẩm định có ý nghĩa là việc xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận mang tính pháp lý bằng văn bản về một vấn đề nào đó.…”.

Theo Điều 1, Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 05/2007/QĐ-TTG ngày 10/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ: “Thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của dự án, dự thảo nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự án, dự thảo trong hệ thống pháp luật”.

Như vậy, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức, kĩ thuật soạn thảo đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung, trình tự, thủ tục do luật định nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và những yêu cầu khác về chất lượng dự án, dự thảo theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền, nội dung thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm quyền thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm quyền thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thuộc về cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan chuyên môn thuộc cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể:

Bộ Tư pháp: Thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình; dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình; đề nghị xây dựng nghị định; dự thảo nghị định; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết liên tịch được quy định tại các điều 39, 58, 88, 92, 98, 109, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ: Thẩm định dự thảo thông tư được quy định tại các điều 102, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Sở Tư pháp: Thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết, dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình và dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại điều 115 và 121 và 130, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Phòng Tư pháp: Thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện,  dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định tại điều 134 và 139, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Nội dung thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

- Đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nội dung thẩm định tập trung vào những vấn đề sau:

+ Sự cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật luật;

+ Sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước;

+ Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết;

+ Tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nếu chính sách liên quan đến thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nếu chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

+ Việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết.

- Đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nội dung thẩm định tập trung vào những vấn đề sau:

+ Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, đã được thông qua;

+ Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích của dự thảo văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính;

+ Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật;

+ Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới;

+ Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.

Thực trạng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.

Thực trạng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Về cơ bản, các văn bản trước khi ban hành đều được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thẩm định, tránh được tình trạng bỏ sót văn bản chưa thẩm định đã ban hành. Thời hạn, nội dung thẩm định được đảm bảo, thực hiện đầy đủ, có lập luận vững chắc về từng vấn đề theo yêu cầu. Thông qua hoạt động thẩm định đã phát hiện nhiều quy định của dự án, dự thảo văn bản không đúng thẩm quyền, còn mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý.

Tại địa phương, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp được chú trọng và từng bước đi vào nề nếp, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng pháp luật ở địa phương. Tỷ lệ dự thảo văn bản được các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định tăng dần theo từng năm. Thông qua việc thẩm định dự thảo văn bản, cơ quan tư pháp địa phương đã phát hiện nhiều văn bản có nội dung không hợp hiến, hợp pháp, còn mâu thuẫn, đặc biệt là chưa đúng thẩm quyền ban hành.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những hạn chế, đó là những hạn chế sau:

- Mức độ đánh giá, nhận xét nội dung của từng văn bản cần thẩm định chưa đồng đều về mặt quy mô và chất lượng. Tính phản biện trong văn bản thẩm định chưa cao, có trường hợp còn để lọt những quy định thiếu tính hợp pháp, hợp lý, khả thi.

- Nội dung thẩm định của văn bản còn nặng về hình thức, chưa đi sâu vào những vấn đề cơ bản của dự thảo. Nội dung thẩm định trong một số trường hợp chưa đáp ứng tiêu chí về bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn.

- Trên thực tế vai trò của cơ quan thẩm định chưa được coi trọng. Vẫn còn tình trạng một số cơ quan xem thẩm định như một quy trình để hợp thức hóa hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Công chức trực tiếp làm công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu so với nhu cầu, khối lượng công việc cần thực hiện; trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, các điều kiện hỗ trợ như công báo, tài liệu tham khảo, hệ cơ sở dữ liệu, máy vi tính, mạng internet chưa được trang bị đầy đủ, đồng bộ.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Để góp phần nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới, cần thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là, nâng cao chất lượng tham vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cần thẩm định.

Ba là, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo, đơn vị thẩm định và các cơ quan, đơn vị khác trong quá trình thẩm định, tiếp thu ý kiến.

Bốn là, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác thẩm định thông qua các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo hướng hiệu quả và lâu dài.

Năm là, cần đảm bảo các điều kiện tổ chức hoạt động thẩm định về kinh phí, hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục, hồ sơ thẩm định; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là một trong những yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật. Nhận thức vai trò của công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng cao công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đạt chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.

ThS. Lê Trung Quân


Các tin khác