Chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức - vấn đề rất cần được quan tâm

Những năm qua, cùng với cả nước, ở Bình Thuận thực hiện chủ trương cải cách hành chính, đi đôi với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 01/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã tạo ra những bước chuyển biến tích cực, nhất là trong các cơ quan hành chính nhà nước. Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, hình thành nền nếp “văn hóa hành chính”, tạo ấn tượng tốt về “chính quyền thân thiện với người dân”.

Tuy vậy, bên cạnh chuyển biến tích cực đó, thời gian qua cùng với việc không ít cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có cả những người là cán bộ lãnh đạo chủ chốt sai phạm, một số đã bị cơ quan chức năng xử lý về  kỷ luật Đảng, bị khởi tố về hình sự, thì xuất hiện tình trạng: sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy; thái độ giao tiếp, ứng xử, tác phong, lề lối làm việc của CB, CC, VC tại các cơ quan, đơn vị ở chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đang là vấn đề mà trong cuộc gặp giữa đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy với đội ngũ trí thức tỉnh Bình Thuận sáng ngày 15/3/2023 có rất nhiều ý kiến đề cập, thể hiện tâm trạng lo lắng, quan ngại…, thậm chí đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã cho rằng: “Đây là căn bệnh trầm trọng”!. Trước đó đã có nhiều đơn, thư phản ánh gửi đến UBND tỉnh và phản ánh tại các buổi tiếp công dân của Ban Tiếp công dân tỉnh về tinh thần làm việc, thái độ ứng xử, nhất là công chức địa chính, công chức bộ phận “Một cửa” tại các huyện và các xã, phường, thị trấn, gây không ít phiền hà, bức xúc cho người dân. Nhằm chấm dứt tình trạng nêu trên, UBND tỉnh đã có công văn số 4090, ngày 01/12/2022, về việc chấn chỉnh giờ giấc, tác phong, lề lối làm việc của CB, CC, VC trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Tổ kiểm tra của Sở Nội vụ Bình Thuận tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành giờ giấc, tác phong, lề lối làm việc của CB, CC tại một số phường: Phú Thủy, Đức Long và Phú Tài (TP. Phan Thiết), đã phát hiện một số công chức không có mặt tại cơ quan trong thời điểm đoàn đến kiểm tra, nhưng không rõ lý do. Có thể nói điều này không chỉ xảy ra ở một số phường tại TP Phan Thiết. Nếu tiến hành kiểm tra trên diện rộng, tại các vùng nông thôn của tỉnh thì tình trạng nêu trên là “chuyện thường ngày xảy ra ở huyện”, nhất là ở chính quyền cơ sở. Để kéo dài những bất cập này sẽ gây ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của kỷ luật công vụ và kỷ cương hành chính, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gây không ít phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Vì thế, vấn đề đặt ra là yêu cầu đối với chính quyền các cấp địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần kịp thời và thường xuyên chấn chỉnh, khắc phục bằng các giải pháp; trước hết là phát huy vai trò gương mẫu của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các bộ phận chuyên môn; Tự kiểm tra nội bộ, quán triệt công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình nghiêm túc thực hiện đảm bảo giờ giấc làm việc đúng quy định; khi giao tiếp, hướng dẫn hồ sơ cho tổ chức, công dân phải đúng chuẩn mực, đề cao trách nhiệm, tận tình giải thích, hướng dẫn các định, quy trình giải quyết công việc cho tổ chức, công dân khi đến liên hệ. Tạo điều kiện để người dân phản ánh những hiện tượng tiêu cực của CB, CC, VC trong giải quyết công việc. Chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị nên sớm thực hiện Quyết định số 115/QĐ-BNV ngày 24/2/2022 của Bộ Nội vụ về Kế hoạch triển khai Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030”. Qua đó, người dân và doanh nghiệp “chấm điểm”, đánh giá về chất lượng phục vụ của CB, CC, VC để có thêm thông tin cần thiết cho việc đánh giá, phân loại CB, CC, VC theo định kỳ. Nếu cá nhân nào liên tục bị chấm điểm thấp hoặc đánh giá không hài lòng thì cần phải có biện pháp xử lý thích hợp. Nhưng dù biện pháp hành chính, tổ chức có hoàn thiện đến đâu, thì yếu tố tinh thần tự giác, tự chủ, thường xuyên tự học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm thái độ tận tụy phục vụ nhân dân của mỗi CB, CC, VC theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi năm 2019) và Luật viên chức năm 2010 (sửa đổi năm 2019) vẫn là điều căn bản, có tính quyết định nhất. Mỗi CB, CC, VC cần nhận thấy rằng lương của  mình được hưởng là từ tiền của dân đóng góp vào ngân sách nhà nước, và hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người dân khi đến cơ quan công quyền để thấu hiểu, để các “công bộc” của dân nêu cao trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được tốt hơn.


Các tin khác