Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”

“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tác phẩm cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về chủ đề đạo đức cách mạng, được công bố trong dịp kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/1969), vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đang diễn ra quyết liệt để đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết không chỉ bàn về đạo đức cách mạng mà còn bàn tới mặt đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Nhận rõ tính cấp thiết của công tác tư tưởng chính trị ở thời điểm có ý nghĩa bước ngoặc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 25/01/1969, Bác cho mời đồng chí phụ trách Tuyên huấn của Đảng đến giao nhiệm vụ chuẩn bị bài viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng. Bác nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu: ngắn, gọn, tập trung vào chủ đề: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng (đó cũng là tên của bài báo). Bác gửi đến từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia ý kiến.

Từ các ý kiến đóng góp, đồng chí phụ trách Tuyên huấn xin phép với Bác cho sửa lại đầu đề bài báo, đưa vế “Nâng cao đạo đức cách mạng” lên lên trước vế “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản. Sau đó, Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại tên đầu bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng trên báo Nhân Dân, số 5409, ngày 03/02/1969, với dung lượng gần 700 từ vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Đây là bài viết sau cùng của Bác về đạo đức cách mạng. Dù rất ngắn gọn, nhưng luận điểm được Người đề cập trong bài viết này mang tính tổng kết thực tiễn; bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức nói riêng. Diện mạo của chủ nghĩa cá nhân được Bác chỉ ra tương đối toàn diện và cụ thể: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh những cán bộ, đảng viên hăng hái, dũng cảm trong công tác vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất còn thấp kém, mang nặng “chủ nghĩa cá nhân”, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(1). Theo Người, cái gì không phải chủ nghĩa xã hội là cá nhân chủ nghĩa; chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những căn bệnh làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. Chủ nghĩa cá nhân là “trái ngược với đạo đức cách mạng… là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”(2). Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân… Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân, cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, vô cùng nguy hiểm, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải hết sức đề phòng những kẻ địch đó”(3).

Sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân” và cũng “do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ” (4).

Ngoài ra, tác phẩm vừa là lời nhắn nhủ tâm huyết, vừa là niềm trăn trở của Người trước sự nghiệp của Đảng và nhân dân. Giá trị và sức sống của tác phẩm thể hiện trên những phương diện sau:

Về giá trị lý luận

Thứ nhất, tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm không chỉ góp phần lan tỏa những quy tắc và chuẩn mực đạo đức tốt đẹp trong Đảng mà còn trong toàn xã hội, giáo dục và khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi người, đồng thời loại bỏ những thói hư, tật xấu để hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ.

Thứ hai, tác phẩm là tài liệu học tập quý báu của cán bộ, đảng viên, mặt khác, tác phẩm đóng vai trò chỉ dẫn quan trọng đối với người cán bộ, đảng viên trong học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, trở thành phương châm hành động, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên. Tác phẩm đã chỉ ra sự tất yếu cần có đạo đức cách mạng của những người cộng sản, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ở một số ít cán bộ, đảng viên; chỉ ra các tác hại và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, từ đó nêu lên sự cần thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng tiên phong, làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người đảng viên cộng sản.

Thứ ba, tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ cá nhân trở thành vũ khí sắc bén trong nhận diện và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một loại “kẻ thù giấu mặt”, “giặc nội xâm”. Những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời sự cấp bách trong nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Về giá trị thực tiễn

Thứ nhất, tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân có tác dụng quan trọng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm chủ yếu hướng tới đối tượng là cán bộ, đảng viên - đối tượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng. Việc Người đề nghị các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đọc, nghiên cứu, góp ý cho bài viết một mặt thể hiện tính dân chủ nhằm tranh thủ trí tuệ của tập thể nhưng mặt khác có thể coi đây là một hình thức sinh hoạt chính trị đặc biệt. Để đưa ra ý kiến của mình, mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đều phải đọc kỹ bài viết của Người, ôn lại bài học về đạo đức cách mạng, về những thành tích vẻ vang của Đảng trong suốt 39 năm đấu tranh. Đồng thời, gián tiếp cảnh báo, nhắc nhở những cán bộ, đảng viên có ít nhiều những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân thông qua những phân tích để nhận diện biểu hiện và những tác hại của chủ nghĩa cá nhân.

Thứ hai, tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân tiếp tục đóng vai trò chỉ dẫn quan trọng đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng giai đoạn hiện nay. Thấm nhuần quan điểm của Người về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (01/1994) lần đầu chỉ ra bên nguy cơ, trong đó nguy cơ tệ quan liêu, tham nhũng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đều nhắc lại nguy cơ này. Qua đó, cho thấy đa số đảng viên nêu cao đạo đức cách mạng thì vẫn còn đảng viên bị suy thoái, cụ thể: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiếm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.43% cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên…(5)

Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, xuất phát từ sự nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, Đảng đã nhấn mạnh thêm một nội dung trong công tác xây dựng Đảng là xây dựng Đảng về đạo đức. Cũng trong nhiệm kỳ khóa XII, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (10/2016) đã xác định 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức và phòng, chống. Đây cũng là những nội dung đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Tác phẩm còn nêu những chỉ dẫn về các cách thức, biện pháp hữu hiệu để nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nêu giải pháp với hai cấp độ đối tượng là hệ thống tổ chức toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Quán triệt tinh thần trên, các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, thứ IX, thứ X, thứ XI, thứ XII và Đại hội XIII của Đảng đều xác định các giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nội dung nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là những lời di huấn của một chiến sĩ cộng sản lão thành, một lãnh tụ kính yêu của Đảng gửi đến các đồng chí thế hệ kế tiếp. Những chỉ dẫn sâu sắc của Người có ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới, góp phần nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; đồng thời có tác dụng định hướng quan trọng để Đảng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là trong rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, có phẩm chất, năng lực, uy tín, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 546

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 602

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 278, 279

(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 547

(5) Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 202


Các tin khác