78 năm qua, mỗi dịp kỷ niệm Quốc khánh 02/9 - sự kiện lịch sử trọng đại làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam, ngày của khát vọng độc lập, tự do. Quốc khánh 02/9 cũng là dịp để cả đất nước và mỗi người dân Việt Nam nhìn lại chặng đường đã qua, nhìn lại chính mình, thêm khát vọng vươn tới kế tục và phát huy sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Có lẽ không cần phải nói lại quá nhiều về giá trị, bởi từ khi mới ra đời, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là hùng văn tiếp nối dòng chảy lịch sử vẻ vang của dân tộc từ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi… Hồ Chủ tịch đã chọn câu kết cho bản Tuyên ngôn bằng một lời thề non nước: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập chỉ có 49 câu với 1.120 từ, với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục, là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Dân, do Dân và vì Dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bản Tuyên ngôn Độc lập là ngọn đuốc soi sáng dẫn đường đã thể hiện khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng dân tộc Việt Nam tự tin hội nhập với thế giới cùng những giá trị phổ quát của nhân loại trên tiến trình tiến hoá về mặt chính trị. Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện khát vọng Việt Nam mong muốn đóng góp vào tiến trình phát triển của nhân loại bằng chính sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình, trong đó có việc xây dựng một thể chế chính trị tiên tiến. Hồ Chí Minh muốn truyền đi thông điệp rằng cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam là sự kế thừa con đường của nhân loại đã đi và sẽ đi tiếp theo chiều hướng hiện đại và tiến bộ.
Trong điều kiện mới đầy thách thức như hiện nay, đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường sức mạnh toàn dân tộc, trên dưới một lòng, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo nhằm sớm xây dựng nước Việt Nam thành một nước công nghiệp hiện đại. Điều đó thể hiện khát vọng, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phồn vinh, hạnh phúc. Đó cũng chính là ngọn lửa từ lời thề Độc lập năm xưa đã và đang thắp lên một khát vọng hùng cường, thịnh vượng mang tên “Khát vọng Việt Nam”.
Từ bài học Tuyên ngôn, trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với sự “Đồng tâm, đồng lòng, đồng sức” của các cấp, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế tỉnh Bình Thuận vẫn có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,76%; nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng tăng cao so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công… văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đây được xem là điểm sáng về động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Không “thỏa mãn” với kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Bình Thuận tiếp tục khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc. Với trọng tâm: Khơi dậy sức mạnh, nguồn lực, ý chí của mỗi tập thể, cá nhân, cộng đồng dân cư, địa phương, cơ quan, đơn vị quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương đoàn kết, thống nhất, thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy và chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.
Muốn vậy, phải cụ thể hóa ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc, đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững thành nhiệm vụ trong kế hoạch hằng năm của các tổ chức, cá nhân để thực hiện hiệu quả; chú trọng khắc phục những hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn... coi trọng môi trường dân chủ; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận, phát huy trách nhiệm nêu gương, vai trò tiên phong của đảng viên, của cán bộ, công chức, viên chức; khẳng định bản lĩnh, thắp lên ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc trong mỗi người dân và cộng đồng dân cư. Đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước để động viên, khuyến khích, tạo không khí sôi nổi trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia, cống hiến vào mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Ngày nay, suy ngẫm về giá trị của Tuyên ngôn Độc lập và tư tưởng Hồ Chí Minh với trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc trong bối cảnh mới và thực tiễn, hơn lúc nào hết luôn hối thúc mỗi người dân Việt Nam mong muôn góp sức xây dựng, phát triển đất nước, địa phương hùng cường trong dòng chảy của nhân loại tiến bộ.
DỤNG VĂN DUY