THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945 KHÔNG PHẢI LÀ SỰ “ĂN MAY” CỦA LỊCH SỬ

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 không phải là sự “ăn may” của lịch sử, đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, chủ động chớp thời cơ khi điều kiện cách mạng đã chín muồi đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. Do đó, thành quả Cách mạng tháng Tám 1945 là hiện thực, có giá trị vĩnh hằng, không thể phủ nhận.

Trong cuộc sống người ta thường sử dụng cụm từ “ăn may” để chỉ sự may mắn, cơ may nào đó được khách quan mang lại cho một chủ thể (cá nhân hay tổ chức). Nghĩa là ngoại cảnh, yếu tố khách quan bên ngoài thuận lợi cho con người khi thực hiện một kế hoạch để đạt mục tiêu nào đó. Lợi dụng hàm nghĩa của cụm từ này các thế lực thù địch sử dụng nó cho nguyên nhân của thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 mà cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đấu tranh kiên cường, hi sinh xương máu của toàn thể dân tộc.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sự đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi. Các đồng chí, chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(1). Tuy nhiên, các tổ chức phản động lưu vong bên ngoài; đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, có quan điểm phức tạp trong nước; đối tượng xấu tung tin xấu độc nhằm trục lợi; người từng vi phạm pháp luật Việt Nam, có lòng hận thù với chế độ; đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho rằng: “Cách mạng tháng Tám 1945 là sai lầm lịch sử”, “thắng lợi là một sự ăn may, vì chủ nghĩa phát xít đã thua trong thế chiến thứ II, nên Việt Nam dễ giành được kết quả nhanh chóng, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng có tài cán gì”. Các thế lực thù địch với động cơ muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hòng phá hoại nền tảng tư tưởng, thủ tiêu vai trò lãnh đạo, hạ thấp vị thế, uy tín của Đảng, phá hoại sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Về thành quả của Cách Mạng tháng 8/1945 mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được đã được thực tế lịch sử chứng minh, nó không phải sự ăn may của lịch sử mà nó nổ ra và giành thắng lợi là do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Hồ Chí Minh đã chớp lấy thời cơ để lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, sáng suốt lựa chọn con đường cách mạng, tìm tòi, khảo lược cách thức tập hợp quần chúng theo đường lối nhất quán và đặc biệt là sự chuẩn bị về mặt lực lượng cách mạng một cách chu toàn.

Thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, dân tộc ta đã kiên cường chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt 15 năm chuẩn bị, trải qua các phong trào cách mạng: Phong trào 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ - Tĩnh; Phong trào dân chủ 1936-1939; Phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945 với đỉnh cao là cách mạng Tháng Tám mà như nhận định của Đảng ta là: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp, phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(2).

Trong giai đoạn 1939-1945, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh bám sát thực tiễn, đưa ra chủ trương kịp thời, đúng đắn, phù hợp với những điều kiện, lịch sử của thực tiễn đang diễn ra, tháng 11/1939, Đảng triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 6, với chủ trương đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết, đồng thời chỉ đạo thực hiện việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương nhằm tập hợp, đoàn kết các giai tầng trong xã hội tham gia vào phong trào cách mạng, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đến tháng 11/1940, Đảng tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 7, xác định kẻ thù của cách mạng là Pháp - Nhật, nên chủ trương đẩy mạnh thêm một bước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đến tháng 5/1941, Đảng tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8 chủ trương tích cực chuẩn bị lực lượng, đoàn kết toàn dân, phải giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, tháng 02/1943, Đảng xác định cách mạng Đông Dương “có thể bỗng chốc tiến lên bằng những bước nhảy cao”; tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị Sửa soạn khởi nghĩa. Từ tháng 10/1944, Hồ Chí Minh nhận định: “phe phát xít gần đến ngày bị tiêu diệt, phe đồng minh sắp thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho ta giải phóng dân tộc chỉ trong một hoặc một năm rưỡi nữa”(3), ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Ðảng nhận định thời cơ khởi nghĩa đang đến; vì vậy ngày 12/3/1945 ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, tháng 8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh, Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim như “rắn mất đầu”. Trong khi đó, quân đồng minh chưa kịp kéo vào Đông Dương, các thế lực thù địch đang cấu xé nhau tranh giành quyền lực, điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Nhận thấy điều kiện khách quan hết sức thuận lợi Đảng đã kịp thời triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào vào ngày 13/8/1945 đã xác định thời cơ ngàn năm có một đã đến, đồng thời dự đoán mâu thuẫn giữa Anh - Mỹ - Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh - Mỹ nhân nhượng với Pháp để cho Pháp trở lại Đông Dương, nên chúng ta phải “kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ”  và đưa ra chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời đó là tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đến ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc thành lập và ra quân lệnh số 1 Giờ tổng khởi nghĩa đã đến. Cơ hội ngàn năm có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh quy định quốc kỳ, quốc ca… thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Người đã viết thư kêu gọi nhân dân tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(4).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Như vậy, lịch sử đã chứng minh thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 không phải là sự ăn may của lịch sử, nếu Đảng ta không chủ động sẵn sàng các điều kiện từ bên trong thì khi thời cơ đến cũng sẽ không thể giành thắng lợi. Do đó, thành quả Cách mạng tháng Tám 1945 là hiện thực, có giá trị vĩnh hằng, không thể phủ nhận. Đây “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường; là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ”(5). Vì vậy, phủ nhận và xuyên tạc thành quả cũng như công lao của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là những kẻ vô ơn, bạc nghĩa, xuyên tạc lịch sử đáng bị lên án.

ThS. Nguyễn Văn Tuấn

Khoa Lý luận cơ sở

Tài liệu tham khảo

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 7, tr.25.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, HN, 2000, tr.422 – 427.

(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 4, tr.24.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 4, tr.126.

(5). Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.12-13.


Các tin khác