Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về vai trò của lợi ích đối với sự phát triển của xã hội

Mác và Ph.Ăngghen đã lấy con người làm tiền đề xuất phát để nghiên cứu lịch sử. Theo các ông, động lực thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Bài viết đề cập đến quan điểm của các ông về vai trò của lợi ích đối với sự phát triển xã hội và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này.

Sự phát triển xã hội bị quy định bởi tổng thể các điều kiện tự nhiên và xã hội, do vậy cũng có hệ thống các động lực tác động đến sự phát triển đó. Nhưng suy cho cùng, sự phát triển đó là kết quả của những hoạt động có ý thức của con người đang theo đuổi những lợi ích nhất định. Do vậy, lợi ích là một động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của con người và trong sự phát triển xã hội.

Khi nghiên cứu về lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Lịch sử không phải là một nhân cách đặc thù nào đó sử dụng con người làm phương tiện đạt tới các mục đích của mình. Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình"[1].  C.Mác và Ph.Ăngghen đã lấy con người làm tiền đề xuất phát để nghiên cứu lịch sử. Do vậy, nghiên cứu lịch sử là nghiên cứu chính bản thân con người, tìm động lực của lịch sử chính là tìm động lực thúc đẩy con người hoạt động và động lực sâu xa thúc đẩy con người hoạt động chính là lợi ích. Vai trò của lợi ích đối với sự phát triển của xã hội được C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ:

Thứ nhất, lợi ích là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.

Trong xã hội, cuộc đấu tranh của những lợi ích riêng biệt đã "vô tình" tạo ra một lực lượng sản xuất tăng lên gấp bội nhờ sự hợp tác của những cá nhân. Bởi lẽ, mỗi cá nhân đều chỉ theo đuổi những lợi ích của mình, nhưng muốn vậy họ phải tham gia vào các quan hệ xã hội, qua đó họ tạo ra một phương thức hợp tác, phương thức hợp tác này theo những cách thức nhất định hình thành một "sức sản xuất" mới. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Đối với các cá nhân ấy, lực lượng xã hội, - tức là lực lượng sản xuất được nhân lên gấp bội và ra đời nhờ sự hợp tác của những cá nhân khác nhau do phân công lao động quy định”[2], chính thông qua việc thực hiện lợi ích của mình trong một điều kiện xã hội nhất định, con người đã tạo ra một hợp lực, hợp lực đó vừa biểu hiện ra như một sức sản xuất mới mà sự biến đổi của nó tạo ra động lực cho lịch sử, vừa "tạo" ra quy luật cho sự biến đổi của lịch sử mà chính mình đang ở trong đó.

Thứ hai, giải quyết những mâu thuẫn lợi ích thông qua cách mạng xã hội là động lực thúc đẩy lịch sử phát triển.

C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, để tìm hiểu động lực lịch sử "trước hết phải hiểu bản thân cơ sở trần tục ấy trong mâu thuẫn của nó và sau đó cách mạng hóa nó trong thực tiễn bằng cách xóa bỏ mâu thuẫn đó"[3]. Do vậy, chỉ có thể tìm động lực của lịch sử từ các mâu thuẫn xã hội. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, mọi mâu thuẫn xã hội, xét đến cùng, là mâu thuẫn về lợi ích giữa những giai cấp, tập đoàn người, giữa các lực lượng, khuynh hướng xã hội. Mọi cuộc đấu tranh trong nội bộ nhà nước, đấu tranh giữa phái dân chủ, phái quý tộc và phái quân chủ, đấu tranh cho quyền bầu cử,... Chẳng qua chỉ là những hình thức hư ảo của những cuộc đấu tranh thực sự giữa các giai cấp khác nhau, mà đấu tranh giai cấp thông qua cách mạng xã hội sẽ là động lực cho sự thay thế, cải biến các "trạng thái xã hội". C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh vấn đề đấu tranh giai cấp, coi đó là động lực trực tiếp của lịch sử, đặc biệt là đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản; coi đó là đòn bẩy vĩ đại của cuộc cách mạng xã hội hiện đại.

Thứ ba, lợi ích là động lực của quần chúng nhân dân trong các cuộc cách mạng, cải biến xã hội, qua đó thúc đẩy lịch sử phát triển.

Trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, quần chúng nhân dân không chỉ là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử mà còn là lực lượng cơ bản tham gia vào cách mạng nhằm cải biến xã hội theo những mục đích nhất định. Cách mạng là sự thực hiện lợi ích của quần chúng. Quần chúng nhân dân sẽ không làm cách mạng nếu họ không thấy được lợi ích của mình được phản ánh trong lợi ích chung. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã giải thích tại sao những cuộc cách mạng trước kia, mặc dù không đem lại lợi ích thực sự cho quần chúng, chỉ đem lại lợi ích thật sự cho một giai cấp thiểu số - giai cấp thống trị, mà quần chúng vẫn đi theo. Sở dĩ như vậy vì họ tìm thấy lợi ích trong cách mạng, cái "khêu gợi" nhiệt tình của họ. Giai cấp thiểu số chỉ lôi kéo được quần chúng tham gia cách mạng khi chúng nhân danh lợi ích chung và những tư tưởng, học thuyết chính trị của giai cấp thiểu số cũng phải thể hiện trên danh nghĩa lợi ích chung đó. "Thật ra, mỗi giai cấp mới thay thế cho giai cấp thống trị trước mình, muốn thực hiện được mục đích của mình, đều nhất thiết phải biểu hiện lợi ích của bản thân mình thành lợi ích chung của mọi thành viên trong xã hội".[4]

Như vậy, xuất phát từ lợi ích - cái gắn bó mật thiết với con người, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tìm ra được động lực của lịch sử, đó chính là sự biến đổi của lực lượng sản xuất gắn với sản xuất vật chất và hoạt động cải biến xã hội thông qua đấu tranh giai cấp và các cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân, cũng như các yếu tố, các mặt khác hết sức phong phú, da dạng của đời sống xã hội. Nghiên cứu về lợi ích cho ta cơ sở để hiểu thực chất của những biến đổi của lịch sử, qua đó chúng ta thấy được vai trò to lớn của con người đối với lịch sử của chính mình thông qua hoạt động thực tiễn của họ. Chính con người chứ không phải ai khác là chủ nhân chân chính của lịch sử, là chủ thể sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thẩn.

Vấn đề lợi ích, vai trò của lợi ích trong sự phát triển xã hội đã được Đảng ta nhận thức từ rất sớm. Ngay từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khẳng định, trong chế độ ta, lợi ích của Nhà nước, của tập thể, cùng lợi ích của cá nhân căn bản là thống nhất. Thành tựu sau hơn 37 đổi mới đã khẳng định: “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân[5]. Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người”, đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động. Bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Đại hội lần thứ XIII đề ra phương hướng: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”[6]. Nhân tố con người chỉ được khai thác và phát huy tối đa khi con người thực sự làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Để phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của con người trong mọi hoạt động thì nhất thiết phải xây dựng và thực hiện một cơ chế thực sự dân chủ; trong đó ngày càng quan tâm đến dân chủ trực tiếp nhằm hiện thực hóa những giá trị dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đời sống xã hội. Việc phát huy dân chủ không chỉ tạo cơ hội thuận lợi cho tất cả mọi người có thể cống hiến năng lực của mình cho xã hội, mà còn có ý nghĩa tạo điều kiện cho việc thực hiện cơ chế phản biện xã hội với tinh thần lành mạnh, xây dựng và phát huy trách nhiệm công dân. Thông qua quá trình dân chủ hóa, nguồn lực con người, trí tuệ của toàn dân được huy động và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Quán triệt và thực hiện phương hướng trên, sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,7 tuổi. GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023, đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022)[7]. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất trên thế giới. Chỉ số HDI của Việt Nam hiện nay là 0.703. Giá trị HDI của Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng toàn cầu 115/191 quốc gia. Qua đó cho thấy sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm phát triển con người toàn diện, tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển con người - đây là nhân tố quan trọng quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hay nói khác hơn, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến vấn đề lợi ích của nhân dân, luôn nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân về mọi mặt.

Tóm lại, việc nghiên cứu quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò lợi ích đối với sự phát triển của xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xác định mục tiêu, bản chất của mỗi chế độ xã hội nói chung và quá trình xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng. Trong quá trình phát triển của Việt Nam, việc lợi ích xã hội gắn liền với lợi ích của con người và ngược lại vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng của sự phát triển. Vị trí của nhân tố con người trở thành trung tâm của sự phát triển kinh tế và phát triển toàn diện của đất nước; phấn đấu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ đó là sự nhất quán xuyên suốt trong tiến trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.


[1] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 1995, t.2, tr.141.

[2] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 1995, t.3, tr.48.

[3] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 1995, t.3, tr.11.

[4] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 1995, t.3, tr.68.

[5]  Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 26.

[6] ĐCSVN: Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, 2021,  tập 1, tr. 177.

[7] Tổng cục thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023.

 


Các tin khác