DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ CHĂM Ở BÌNH THUẬN

  • /
  • 17.10.2013 - 9:30

Di sản văn hóa Chăm bao hàm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, từ những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng cho đến những lễ nghi nông nghiệp, lễ hội văn hóa dân gian, những làn điệu, vũ điệu… hết thảy đều do nhân dân qua quá trình lao động lâu dài mà sáng tạo ra và hình thành nên trong suốt tiến trình lịch sử gần 2000 năm qua.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, từ năm 1991 đến nay đã có 4 nhóm đền tháp Chăm được ngành Văn hóa Thông tin đầu tư nghiên cứu, thiết lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) thẩm định, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đó là nhóm đền tháp Chăm Pôshanư (Phú Hài, Phan Thiết), di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích lịch sử và nghệ thuật đền thờ Pôklông Mơh Nai và sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm (huyện Bắc Bình); di tích kiến trúc nghệ thuật nhóm đền tháp Chăm Pô Đam (PôTằm) thuộc xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong và di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Pô Nít (Phan Hiệp, Bắc Bình).                  

Văn hóa vật thể của người Chăm ở Bình Thuận có lịch sử xây dựng từ lâu đời. Thế kỷ VIII với sự hiện diện của nhóm đền tháp Chăm Pôshanư, nhóm đền tháp PôĐam (PôTằm) và cho đến những di tích kiến trúc cuối cùng được người Chăm xây dựng ở thế kỷ XVI - XVII, như nhóm tháp Hàm Thắng, Bà Châu Rế ở huyện Hàm Thuận Bắc. Đây là những phát hiện mới về di tích kiến trúc Chăm ở Bình Thuận trong những năm gần đây. Ngoài ra, là các di tích đền thờ. Đền thờ là một kiến trúc mới đối với người Chăm cả về hình thể cũng như vật liệu trong kiến trúc. Đây là kết quả của sự giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa Chăm với văn hóa người Việt suốt nhiều thế kỷ. Đền thờ có dáng như một ngôi chùa cổ cùng thời của người Việt, vật liệu xây dựng chính là gỗ, ngói và vôi. Loại đền thờ này được xây dựng để thờ vua, chúa của người Chăm khi họ đã bị thất truyền kỹ thuật và phương pháp xây dựng cũng như chất kết dính trong xây dựng đền tháp. Ở Bình Thuận hiện còn đền thờ vua Pôklông Mơh Nai, đền thờ vua Pô Nít, đền thờ vua Pôklông Khul, đền thờ vua Pô At, đền thờ vua Pôklông Sách. Ngoài ra còn có các đền thờ khác để thờ các vị đứng đầu dòng tộc lớn đang tồn tại trong các Palay Chăm.

Những đền thờ, ngoài vật liệu kiến trúc thông thường, bên trong là những tác phẩm tuyệt mỹ và mang dấu ấn nghệ thuật đặc trưng của văn hóa Chăm, mà sự kế thừa tiếp tục của nó là từ Thánh địa Mỹ Sơn và Bình Định mang vào. Chính những đền tháp, đền thờ và vật thờ của người Chăm còn lại, đó là những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc vô giá hiện có mặt rải rác ở Bình Thuận.

Cho đến nay các di tích kiến trúc nghệ thuật của người Chăm ở Bình Thuận đều được Nhà nước đầu tư trí tuệ, công sức và kinh phí để trùng tu, tôn tạo, phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân trực tiếp là của người Chăm ở địa phương. Đồng thời, đây là những điểm du lịch và nghiên cứu lý tưởng của nhân dân, khách du lịch trong và ngoài nước.

Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng, di sản văn hóa  nói chung và di sản văn hóa vật thể Chăm nói riêng ở Bình Thuận sẽ được tiếp tục đầu tư, bảo vệ, quản lý và phát huy tác dụng, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, trước hết là cho người Chăm ở địa phương./.

                                                                Nguyễn Thị Hồng Hiếu

   Khoa LL Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh 


  • |
  • 9205
  • |

Các tin khác