GIÁO DỤC, HỌC TẬP VÀ RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

  • /
  • 17.5.2013 - 15:47

Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, của giai cấp công nhân và của Đảng ta. Người không chỉ khởi xướng một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng chân chính “cách mạng vô sản” mà còn mở ra một cuộc cách mạng triệt để nhất trong lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Khẳng định đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng, Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...”(1). Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, bởi vì “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Có đạo đức cách mạng thì gặp thắng lợi và thành công, cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu,…” (2).

Rõ ràng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xuất phát điểm của mọi hành động cách mạng, là cội nguồn, nền tảng của sự phát triển tài năng lãnh đạo quần chúng của mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, nghiên cứu, học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Thực tiễn trong 82 năm kể từ khi Đảng ra đời đến nay, việc giáo dục, rèn luyện đạo

đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm. Do đó, hầu hết đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng qua các thời kỳ cách mạng đều trưởng thành về mọi mặt, có lập trường, quan điểm tư tưởng đúng đắn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng… có lối sống trong sáng, lành mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng, trước những thách thức của thời đại nhất là trong bối cảnh hiện nay, trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động trong và ngoài nước… một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm, niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng. Vì vậy, để nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong tình hình hiện nay, cần chú ý số biện pháp sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải giáo dục phẩm chất “Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đây là nội dung cơ bản hàng đầu trong xây dựng đạo đức cách mạng, nhằm làm cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng luôn luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; cần cù, chịu khó, siêng năng thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Để giáo dục đạo đức cách mạng có hiệu quả, trước hết cấp uỷ, chi bộ phải có chủ trương, Nghị quyết đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Trên cơ sở đó, người cán bộ lãnh đạo, phụ trách các cơ quan đơn vị phải có kế hoạch sâu sát, tỉ mỉ chặt chẽ chỉ đạo các hoạt động công tác tư tưởng, công tác tổ chức với nhiều biện pháp, hình thức phong phú để biến Nghị quyết thành hiện thực.

Trong giáo dục thông qua những tấm gương mẫu mực, cụ thể về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tiêu biểu để khơi dậy và cổ vũ mọi người trong cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác thực hiện lối sống thanh liêm, trong sáng, mẫu mực .

Hai là, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tự phê bình và phê bình, tạo sự đồng tâm nhất trí trong thực hiện nhiệm vụ

Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, tạo nên sức mạnh của Đảng. Vì vậy, Bác luôn căn dặn: “Phải trau dồi đạo đức cách mạng, phải thường xuyên phê bình và tự phê bình” (3). Tự phê bình và phê bình là để “chữa bệnh cứu người”. Cho nên cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; tiến hành tự phê và phê bình thường xuyên, thiết thực, thành khẩn, dân chủ, từ trên xuống, từ dưới lên với tinh thần đồng chí yêu thương lẫn nhau. Từng người phải kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, không che đậy, biện minh, bóp méo sự thật, không bàng quan trước những hành vi, việc làm sai trái của mình, của người khác. Kiên quyết đấu tranh tẩy trừ bằng được thói kiêu ngạo, tự mãn, công thần, thụ động, thiếu sáng tạo, tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh chống nạn: “kéo bè, kéo cánh”; sự trù dập, cái thói đơm đặt, soi mói, tìm mọi cách “bắt giò” người không “hợp rơ, hợp ý” với mình; lợi dụng cương vị, vị trí công tác được giao để “bắt bẻ”, gây khó khăn cho người khác hay lợi dụng phê bình để “bới móc” nói xấu, công kích nhau.

Để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, cán bộ cấp trên, người lãnh đạo phải gương mẫu tự phê bình, thật sự có tâm, có tầm: công tâm, công bằng, chí công vô tư, biết lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới, tạo điều kiện để cấp dưới đóng góp phê bình. Cấp dưới phải nghiêm túc tự phê bình bản thân, mạnh dạn, thẳng thắn phê bình cán bộ cấp trên, nhưng phải đúng nguyên tắc, Điều lệ của Đảng.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật

Nghị quyết Trung ương 5 khoá X và Nghị quyết Đại hội Đảng XI tiếp tục khẳng định: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp để xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là những vụ tham nhũng, tiêu cực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết trong cấp uỷ, trong cơ quan lãnh đạo, giữa những người lãnh đạo chủ chốt.

Hiện nay, trong bối cảnh mới để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng các cấp uỷ và chi bộ phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi, quyền hạn quản lý, đặc biệt kiểm tra nghiêm túc các quy định Số 47- QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Qua kiểm tra, giám sát kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, có phẩm chất và đạo đức tốt, có lối sống trong sạch, lành mạnh. Đồng thời, kịp thời uốn nắn những biểu hiện sai lạc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ việc bồi dưỡng, rèn luyện giáo dục của tổ chức với việc đề cao trách nhiệm tự tu dưỡng, rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (4).

Vì vậy, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên không được chủ quan tự mãn, tự kiêu trong công tác, sinh hoạt mà phải luôn nêu cao trách nhiệm trước chi bộ, trước cơ quan, trước quần chúng nhân dân. Thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện khắc phục mọi khó khăn, mọi sự cám dỗ của tiền tài, vật chất, danh vọng.

Trong giai đoạn hiện nay, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh của mỗi cán bộ, đảng viên chính là nêu cao tính đảng, chấp hành nghiêm túc Điều lệ, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, những quy định của cơ quan đơn vị mình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải cố gắng tiếp thu sự giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chi uỷ, chi bộ... Đó là một trong những điều kiện quan trọng để rèn luyện mình tốt hơn và cũng là góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay./.

ThS Nguyễn Hoàng Minh

 


 

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, Tr.251-253.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 1, Tr.466.   

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 8, Tr.44.     

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, Tập 9, Tr.29.      


  • |
  • 1164
  • |

Các tin khác