TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

  • /
  • 28.2.2013 - 13:58

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Người quan tâm đầu tiên và nhiều nhất là xây dựng một chính Đảng kiểu mới trong sạch, vững mạnh. Bởi theo Người, Đảng có vững thì cách mạng mới thành công.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sử dụng “tự phê bình và phê bình” và xem đây là vũ khí sắc bén nhằm sửa chữa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố chính quyền cách mạng. Theo Bác: “Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ”[1], “phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm”[2]. Có thể nói, tự phê bình chính là cuộc cách mạng diễn ra trong bản thân mỗi con người, là đấu tranh với chính bản thân mình. Tự xét mình, đó là ý thức tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự phấn đấu, tự răn mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, cán bộ, đảng viên trong tự phê bình không được giấu giếm khuyết điểm, phải thành thật và cầu thị. Trong phê bình phải có tình thương yêu đồng chí, đồng đội giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Tự phê bình và phê bình phải đi đến đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo nên sức mạnh cho Đảng. Bác nhắc nhở “phê bình không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa”[3]. Trong thực tiễn, có nhiều đảng viên ngại tự phê bình và phê bình, vì cho rằng nếu tự phê bình và phê bình sẽ mất “uy tín và thể diện của mình, của đồng chí mình, của Đảng và chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta”[4]. Đó là một nhận thức sai lầm. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng”[5]. Vì vậy, để cho cán bộ đảng viên ngày càng tiến bộ “phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình”[6], đảng viên giữ cương vị lãnh đạo phải gương mẫu “phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình”[7].

Đối với Đảng cũng phải nghiêm khắc đánh giá những thành công của mình trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và chỉ rõ những khuyết điểm của Đảng, phải sửa đổi lối làm việc của Đảng để Đảng ngày càng xứng đáng hơn với vai trò và nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Đảng không sợ mắc khuyết điểm, nếu có khuyết điểm thì phải quyết tâm sửa chữa “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[8].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của chế độ; rất cấp thiết trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng củng cố Nhà nước; trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, Đảng ta luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thể hiện rõ ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết chỉ rõ “công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, nếu không sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”[9]. Lần này, tự phê bình và phê bình được xem là một trong những giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực.

Để sửa chữa khuyết điểm trong Đảng, phải thực hiện những giải pháp mà Ban Chấp hành Trung ương đã nêu trong Nghị quyết, đồng thời, cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình để làm cho Đảng vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đó chính là cách thiết thực nhất để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ dẫn đường cho cán bộ đảng viên đạt đến độ chuẩn xác, đúng đắn trong quá trình tự phê bình và phê bình, những thiếu sót, lệch lạc sẽ được uốn nắn kịp thời, việc tự phê bình và phê bình mới hiệu quả và thiết thực.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình thực chất là không khó, sự cản trở chính là thái độ của cán bộ, đảng viên thiếu kiên quyết rèn luyện, sửa mình để ngày càng xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Trong tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tìm ra nguyên nhân của thiết sót, khuyết điểm từ đó đề ra các giải pháp mà Người gọi là “cách cách” để sửa chữa khuyết điểm. Người chỉ ra mục đích, phương pháp, thái độ trong tự phê bình và phê bình. Tư tưởng về tự phê bình và phê bình của Người vừa thể hiện nét đẹp trong đạo đức, văn hóa Việt Nam vừa sâu nặng tính Đảng, và chính nó đã khơi nguồn cho sự phát triển và thành công trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng thật tốt tư tưởng ấy trong tự phê bình và phê bình. Làm được điều đó, mỗi cá nhân sẽ tự gột rửa mình để trở nên trong sạch hơn; mỗi cơ quan, đơn vị, từng chi bộ, đảng bộ sẽ tăng thêm sức chiến đấu nhằm vươn tới những đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng./.

 

Nguyễn Thị Hồng Hiếu

                                         Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh


[1] Hồ Chí Minh toàn tập , tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, HN 1995; tr.241

[2] Sđd,tr.242.

[3] Sđd, tr 242.

[4] Sđd, tr 242.

[5] Sđd, tr 241.

[6] Sđd, tr 209.

[7] Sđd, tr 209.

[8] Sđd, tr 261.

[9] Sđd, tr 260.


  • |
  • 1077
  • |

Các tin khác