XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BÌNH THUẬN - YÊU CẦU CẤP THIẾT HIỆN NAY

  • /
  • 25.11.2012 - 10:16

Giáo dục lý luận chính trị là quá trình tác động có mục đích, có hệ thống nhằm giác ngộ, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, lôi cuốn họ tham gia phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo

 Trong hoạt động của công tác giáo dục lý luận chính trị, giảng viên, báo cáo viên có vai trò quan trọng, bởi lẽ họ là những người truyền tải những nội dung thông tin định hướng những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người học.

Cùng với sự hình thành và phát triển của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuân, trong những năm qua, đội ngũ giảng viên của Trường đã từng bước trưởng thành và phát triển. Hiện tại tổng số giảng viên của trường là 17, trong đó có 12 thạc sỹ, 01 đang học cao học và 04 đại học. Hầu hết các giảng viên có đạo đức, phẩm chất chính trị tốt; lập trường tư tưởng vững vàng; tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng; tự tin, yêu nghề.

Tuy nhiên, thực trạng đội ngũ giảng viên của trường vẫn còn một số bất cập, hạn chế sau:

Thứ nhất, theo quy định, đội ngũ giảng viên phải chiếm hai phần ba số lượng đội ngũ công chức, viên chức của nhà trường. Nếu tính trên biên chế được cấp trên cho phép là 50, thì số lượng giảng viên phải là 33; còn nếu tính trên biên chế hiện tại của nhà trường là 37, thì số lượng giảng viên phải là 24. So sánh với số lượng giảng viên hiện có, Ttrường còn thiếu nhiều giảng viên.

Thứ hai, phần lớn giảng viên còn trẻ, được trang bị cơ bản về lý luận, có tâm huyết với nghề nghiệp nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy; còn thiếu kiến thức thực tiễn, thiếu khả năng kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, khả năng tổng kết thực tiễn.

Mặt khác, trước tình hình thế giới, trong nước đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là trước những khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo công cuộc đổi mới hiện nay, đã làm giảm lòng tin của nhân dân ta đối với Đảng và Nhà nước. Những yếu tố trên cũng phần nào tác động đến tâm lý, nhận thức của người học, điều này cũng gây cản ngại đối với công tác giáo dục lý luận chính trị; đòi hỏi công tác giáo dục lý luận chính trị phải không ngừng được đổi mới, nâng cao, người giảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng trong giảng dạy.

Xuất phát từ những khó khăn, hạn chế trên, đòi hỏi trong thời gian đến, nhà trường cần phải nỗ lực tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên theo hướng đảm bảo nhà trường có đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn giỏi, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nhiệt tình tâm huyết với nghề nghiệp; đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Để đạt được phương hướng trên, đòi hỏi nhà trường cần phải tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đối với việc tuyển chọn giảng viên. Đây là khâu quan trọng, quyết định đến chất lượng của người giảng viên. Việc tuyển chọn nhằm mục đích đảm bảo các yêu cầu, điều kiện, tố chất cần thiết để người được tuyển chọn có khả năng trở thành giảng viên sau này. Trong đó cần chú ý đến các yêu cầu sau: được đào tạo cơ bản về chuyên môn, đúng chuyên ngành cần tuyển dụng; bộc lộ được khả năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đức tính của người giảng viên; đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng, đảm bảo được phát triển Đảng theo quy định. Muốn vậy, đòi hỏi khâu tuyển chọn phải thực hiện đúng quy trình được quy định trong Quy chế tuyển chọn giảng viên mà Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã ban hành.

Thứ hai, thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn - nghiệp vụ. Cùng với việc tuyển chọn nguồn, việc làm quan trọng tiếp theo là đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn- nghiệp vụ. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, sau khi đã tham gia giảng dạy, định kỳ cử đi dự học các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề hàng năm của Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia và các bộ, ngành ở Trung ương. Trong đó cần chú ý đến các lớp bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp, kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; thực hiện tốt việc cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự…cho đội ngũ giảng viên.

Thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; thao giảng, dự giờ theo hướng đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu khoa học cần chú ý tập trung vào các chủ đề, các đề tài phục vụ cho chuyên môn đào tạo, giảng dạy, công tác quản lý của nhà trường. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc tổ chức hội thảo, tọa đàm cấp khoa, cấp trường về các chủ đề thuộc về chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác với các ban, ngành trong tỉnh trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên có điều kiện trao đổi khoa học, tiếp cận với thực tế. Công tác nghiên cứu thực tế phải đảm bảo có kế hoạch, có chủ đề; qua thực tế soi rọi lại giữa lý luận và thực tiễn; phát hiện những hạn chế, bất cập giữa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật với thực tiễn xã hội, từ đó tích lũy, bổ sung kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên. Tăng cường công tác thao giảng, dự giờ nhằm nâng cao chuyên môn - nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Trên cơ sở Quy chế thao giảng, dự giờ của Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia nhà trường sớm ban hành Quy định cụ thể hóa Quy chế của Học viện để tổ chức thực hiện ở đơn vị.

Nhà trường phải thường xuyên quán triệt và coi công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; thao giảng, dự giờ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi giảng viên, có tác động  tích cực tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của nhà trường. Đưa công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; thao giảng, dự giờ làm một trong những căn cứ để bình xét các danh hiệu thi đua của cán bộ, giảng viên hàng năm.

Thứ tư, khuyến khích việc nâng cao chuyên môn, rèn luyện phẩm chất chính trị của giảng viên. Tri thức người giảng viên cần có là sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và kiến thức thực tiễn. Kiến thức chuyên môn được trang bị từ cơ sở đào tạo, kiến thức thực tiễn là quá trình tự tìm kiếm, tự đúc kết trong chính cuộc sống thực tiễn của người giảng viên. Do đó đòi hỏi người giảng viên phải chính từ sự “yêu nghề”, từ niềm vinh dự, lòng tự trọng và trách nhiệm của người giảng viên phải không ngừng nỗ lực tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu, phấn đấu vươn lên để trở thành người giảng viên giỏi. Nhà trường cần có cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng chuyên môn, động viên tính tích cực, sáng tạo, sự hăng hái, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên.

Bên cạnh năng lực chuyên môn đòi hỏi người giảng viên phải có phẩm chất chính trị tốt. Phẩm chất chính trị của người giảng viên trước hết thể hiện ở sự trung thành tuyệt đối với mục tiêu và con đường cách mạng mà Đảng, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới, trong nước đang có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết người giảng viên lý luận chính trị phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục đích, lý tưởng; kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin.

 Phẩm chất chính trị còn thể hiện ở chỗ người giảng viên phải có đạo đức trong sáng. Người giảng viên phải tự giác trong việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, đề cao tính tổ chức, kỷ luật. Nhà trường cần phải coi việc giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị đạo đức cho đội ngũ giảng viên là việc làm thương xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực, chú trọng công tác quản lý giảng viên, tạo điều kiện để giảng viên phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về giáo dục- đào tạo. Thanh tra, kiểm tra, giám sát giáo dục- đào tạo trước hết có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trong việc nâng cao chất lượng bài giảng; đồng thời qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ phát hiện những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc trong giảng dạy; kịp thời uốn nắn, sửa chữa.  

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát giáo dục- đào tạo phải được tiến hành thường xuyên. Trong đó kiểm tra, giám sát được thực hiện chủ yếu thông qua khoa chủ quản và Ban giám hiệu; công tác thanh tra được thực hiện thông qua Thanh tra giáo dục- đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt và quyết định của Hiệu trưởng nhà trường. Nhà trường cần sớm ban hành Quy chế về hoạt động Thanh tra giáo dục- đào tạo làm cơ sở cho hoạt động thanh tra.

Thực trạng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận hiện nay đang đặt ra cho nhà trường một nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là phải tích cực xây dựng đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Với sự quyết tâm của Đảng ủy, Ban giám hiệu và toàn thể viên chức nhà trường, chúng ta tin tưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận sẽ thành công trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên; đảm bảo nhà trường có đội ngũ giảng viên vững mạnh, có chuyên môn giỏi, phẩm chất chính trị tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường./.

ThS Lê Trung Quân - Phó Hiệu trưởng

 


  • |
  • 1197
  • |

Các tin khác