Đào tạo lý luận chính trị cho huyện đảo Phú Quý từ năm 2002 - 2012

  • /
  • 30.11.2012 - 14:36

Phú Quý là huyện đảo duy nhất của tỉnh Bình Thuận, nằm giữa biển Đông, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý, là địa bàn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng kinh tế, thực hiện quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Do vậy, xây dựng một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” là nhiệm vụ rất quan trọng của huyện Phú Quý; trong đó, đào tạo lý luận chính trị đã được lãnh đạo huyện và tỉnh Bình Thuận quan tâm. Tuy nhiên, trước năm 2002, cán bộ của huyện phải vào Phan Thiết khi tham gia học các lớp trung cấp lý luận chính trị, do vậy rất hạn chế về số lượng  và người đi học gặp nhiều khó khăn do điều kiện đi lại.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế - xã hội, về xây dựng đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và huyện Phú Quý, cụ thể là Nghị quyết 04, 05 và 11 của Tỉnh uỷ Bình Thuận, từ năm 2001 đến năm 2012, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã mở 02 lớp trung cấp lý luận chính trị hệ đào tạo tại chức, 01 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ đào tạo tại chức tại huyện đảo Phú Quý.

Lớp trung cấp lý luận chính trị hệ đào tạo tại chức - khóa 12 khai giảng ngày 25/3/2002, bế giảng ngày 30/9/2004.  Kết thúc lớp học có 51/71 học viên đủ điều kiện tốt nghiệp (số học viên được cấp bằng tốt nghiệp: 37, số học viên được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp: 14); trong đó:  khá 35 đ/c, đạt tỷ lệ 68,63%,   trung bình 16 đ/c,  đạt tỷ lệ 31,37%.

Lớp trung cấp lý luận chính trị, hệ đào tạo tại chức - khoá 26 khai giảng ngày 28/3/2005, bế giảng ngày 28/9/2007. Kết thúc lớp học có 48/57 học viên đủ điều kiện tốt nghiệp (số học viên được cấp bằng tốt nghiệp: 34, số học viên được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp: 14); trong đó:  khá 25 đ/c, đạt tỷ lệ 52,08%,   trung bình 23 đ/c,  đạt tỷ lệ 47,92%.

Lớp trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, hệ đào tạo tại chức - khóa 39 được khai giảng vào ngày 09/6/2009, bế giảng ngày 16/5/2012. Kết thúc lớp học có 82/82 học viên đủ điều kiện tốt nghiệp (số học viên được cấp bằng tốt nghiệp: 78, số học viên được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp: 04); trong đó:  giỏi 03đ/c, đạt tỷ lệ 3,66 %,  khá 74 đ/c, đạt tỷ lệ 90,24 %,  trung bình 05 đ/c,  đạt tỷ lệ 6,10 %.

Từ kết quả trên cho thấy: số lượng học viên tham gia học ngày càng tăng; Tỷ lệ học viên đủ điều kiện tốt nghiệp tăng lên sau mỗi lớp, số học viên được cấp bằng tốt nghiệp cũng tăng; Kết quả xếp loại cuối khoá có sự phát triển vượt bậc, từ không có loại giỏi đến có học viên xếp loại giỏi ở lớp thứ ba.

So với các lớp mở tại các địa bàn khác của tỉnh, các lớp mở tại huyện đảo Phú Quý có những khó khăn nhất định, trong đó có  khó khăn mang tính đặc thù:

Khó khăn lớn nhất là việc đi lại của giảng viên phải phụ thuộc vào lịch chạy tàu và thời tiết nên nhiều lúc kế hoạch giảng dạy của lớp đã được bố trí nhưng không thực hiện được. Do vậy, thời gian toàn khoá thường bị kéo dài. Và cũng do điều kiện địa lý, nên việc quản lý lớp không thuận lợi. Cùng với khó khăn này, nhiều học viên khi đi công tác trong đất liền là bị vi phạm quy chế học tập, do nghỉ quá thời gian quy định.

Đối tượng lớp học có sự chênh lệch lớn về độ tuổi, trình độ học vấn, vốn thực tiễn, kinh nghiệm công tác. Cụ thể như ở lớp  Lớp trung cấp lý luận chính trị hệ đào tạo tại chức - khóa 12, chênh lệch về độ tuổi: từ 20 - 30 tuổi: 10đ/c, chiếm tỷ lệ: 14,08%; từ 31 - 40 tuổi: 39đ/c, chiếm tỷ lệ: 54,93%; từ 41 - 50 tuổi: 18 đ/c, chiếm tỷ lệ: 25,35%; trên 50 tuổi: 04đ/c, chiếm tỷ lệ: 5,64%. Chênh lệch về trình độ chuyên môn: Cấp III: 26đ/c, chiếm tỷ lệ: 36,62%, cấp II: 38đ/c, chiếm tỷ lệ: 53,52%, cấp I: 07 đ/c, chiếm tỷ lệ: 9,86%. Chênh lệch về trình độ chuyên môn: Đại học, cao đẳng: 10đ/c, chiếm tỷ lệ: 14,08%, trung học: 24đ/c, chiếm tỷ lệ: 33,80%, sơ cấp: 08đ/c,  chiếm tỷ lệ: 11,27%. Những sự chênh lệch này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu của học viên cũng như việc triển khai các phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Để khắc phục những khó khăn trên, nhà trường đã sắp xếp thời gian hợp lý giữa các đợt học, kết hợp dạy các phần học cùng một lúc để thuận lợi cho việc bố trí giảng viên. Lịch học cũng  được bố trí vào những thời gian ít mưa gió, không có biển động.

Do không thuận tiện trong đi lại nên trường không bố trí một chủ nhiệm lớp để theo dõi, quản lý xuyên suốt mà giao nhiệm vụ này cho các khoa chuyên môn quản lý theo từng môn học. Đồng thời, Trường có sự phối hợp với trung tâm BDCT huyện, cũng như phát huy vai trò tích cực của Ban cán sự trong theo dõi và báo cáo tình hình của lớp. Trên cơ sở đó, phòng Đào tạo tổng hợp toàn bộ quá trình học tập, rèn luyện của lớp. Nhờ vậy nhà trường vẫn nắm bắt tình hình và giải quyết được những vướng mắc của lớp.

Từ thực tế 03 lớp học đã diễn ra, có thể rút ra một số vấn đề cần quan tâm khi triển khai các lớp tại huyện Phú Quý nói riêng và tại các địa bàn xa nói chung:

- Nhà trường cần tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt của Tỉnh uỷ, sự phối hợp chặt chẽ với Huyện uỷ, HĐND, UBND các huyện, thị xã, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lý lớp học.

- Công tác tổ chức, quản lý phải đúng theo nội quy, quy chế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, song cũng cần có sự nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, thậm chí có quy chế riêng trong  quản lý cho phù hợp với đặc điểm của lớp học.  

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương cử người đi học cần phải thật sự quan tâm nhiều hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cán bộ đi học, đảm bảo thời gian đến lớp. Thực hiện chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ kết hợp giữa nhà trường và đơn vị chủ quản của học viên.

- Nhà trường cần phân công lại bài giảng cho giảng viên theo hướng một giảng viên đảm nhận một cụm, một phần học, tránh trường hợp giảng viên đi và về 04 - 05 ngày chỉ để giảng 01 buổi như thực tế đã có.

Do những đặc thù về điều kiện tự nhiên, dân sinh, kinh tế nên công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở vùng núi, hải đảo có nhiều khó khăn hơn các địa bàn khác; điều này đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để vệc tổ cức các lớp học sau này sẽ đạt được hiệu quả và chất lượng cao hơn./.

                                    

                                                  ThS Nguyễn Thị Thuận Bích


  • |
  • 1017
  • |

Các tin khác