Hoạt động của Khoa Xây dựng Đảng - 6 năm nhìn lại (2008 - 2012)

  • /
  • 21.12.2012 - 15:51

Được thành lập từ năm 1976 đến nay, sau nhiều lần thay đổi tên gọi: từ Khoa Lịch sử Đảng, Công tác Đảng đến Công tác Đảng và Dân vận… từ ngày 01/3/2010 đến nay, được đổi tên thành Khoa Xây dựng Đảng.

Tổng số cán bộ, giảng viên của Khoa hiện có 07 đồng chí, trong đó, có 02 giảng viên chính, 04 giảng viên và 01 giảng viên tập sự với trình độ tương đối đồng đều nhau, gồm 05 thạc sĩ và  02 cử nhân thuộc các chuyên ngành Tôn giáo, Xây dựng Đảng, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh và cử nhân chính trị; trong đó, có 01 đồng chí đang học văn bằng 2 (Đại học Luật). Và theo sự phân công của Ban giám hiệu nhà trường, Khoa đã lần lượt được phụ trách giảng dạy các môn học trong Chương trình trung cấp LLCT trước đây như: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, Tâm lý học xã hội trong hoạt động lãnh đạo quản lý, Công tác Dân vận, Địa phương học. Hiện nay, Khoa đang được phân công phụ trách giảng dạy một số môn học trong chương trình trung cấp Lý luận chính trị (LLCT) - Hành chính như: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lý luận cơ bản về Đảng Cộng sản, Quốc phòng - An ninh, Nghiệp vụ công tác Đảng, Tình hình và nhiệm vụ của địa phương.

Trong những năm qua, tuy đội ngũ cán bộ, giảng viên có sự thay đổi qua từng giai đoạn khác nhau, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban giám hiệu, sự lãnh đạo trực tiếp của chi uỷ chi bộ; sự phối, kết hợp đồng bộ với các phòng, khoa khác trong toàn trường; đồng thời, có sự nỗ lực không ngừng của mỗi thành viên trong Khoa với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, tinh thần cầu tiến, đoàn kết, khắc phục khó khăn… đã cùng nhau phấn đấu đạt được một số kết quả nổi bật sau:

Trước hết, đối với công tác giảng dạy: Khoa đã triển khai các phần học ở các lớp trung cấp LLCT - Hành chính theo kế hoạch chung của nhà trường. Kết quả cụ thể từ năm 2008 đến nay, Khoa đã triển khai môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở 23 lớp, - môn Lịch sử Đảng ở 22 lớp, môn Tâm lý học xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý ở 16 lớp, môn học Xây dựng Đảng ở 23 lớp, môn học Công tác Dân vận ở 13 lớp, Môn An ninh - Quốc phòng ở 05 lớp, môn Địa phương học (nay là môn Tình hình và nhiệm vụ của địa phương) ở 18 lớp. Điều đáng quan tâm, tất cả các thành viên trong khoa luôn chú trọng đến việc rèn luyện các kỹ năng lên lớp, cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy - nhất là, quan tâm sử dụng hợp lý, có hiệu quả những phương pháp giảng dạy tích cực. Tính đến nay, 100% cán bộ, giảng viên, chuyên viên trong Khoa, đã sử dụng khá thành thạo kỹ năng soạn giảng giáo án điện tử theo chương trình Powerpoint - kể cả trong hoạt động giảng tập, giảng duyệt.

Trong các bài giảng, luôn chú ý đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước mới được ban hành; lồng ghép những mẩu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (có liên quan đến nội dung bài giảng)… nhằm góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khuyến khích, động viên việc tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong học viên. Bên cạnh đó, Khoa luôn quan tâm cải tiến, nâng cao chất lượng thảo luận, kiểm tra, thi hết môn học, phần học, thực hiện đa dạng hóa hình thức kiểm tra, thi như trắc nghiệm, vấn đáp, tự luận; tăng thời lượng cho thực hành và xử lý các bài tập tình huống… Qua đó, từng bước khơi dậy tích cực, chủ động của học viên trong những giờ lên lớp đã góp phần không nhỏ trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Để đánh giá và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, những hoạt động khác như thao giảng, dự giờ, giảng tập, giảng duyệt, cũng đã được Khoa triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả cao. Trong 5 năm qua, đã có 05 đ/c được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp trường; trong đó, có 03 lượt giảng viên tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện và được công nhận loại giỏi. Đồng thời, các giảng viên của Khoa còn tận tình giúp đỡ 01 tập sự giảng viên giảng duyệt thành công trước Hội đồng chuyên môn nhà trường và được công nhận là giảng viên.

Đối với hoạt động nghiên cứu thực tế: hàng năm lãnh đạo Khoa và từng giảng viên đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức đi nghiên cứu thực tế với nhiều hình thức khác nhau như đi tập thể khoa, liên khoa và từng cá nhân… ở một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và ở các tỉnh bạn. Qua đó, vừa tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Trường với các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh; vừa tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa thực hiện tốt phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn”, kịp thời cập nhật thêm thông tin từ những thực tế sống động trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể vào các bài giảng nhằm giúp học viên vừa nắm vững lý luận, vừa bám sát thực tiễn cuộc sống để dễ vận dụng vào công tác sau khi ra trường. Hàng năm, 100% cán bộ, giảng viên trong Khoa đã hoàn thành nghĩa vụ nghiên cứu thực tế theo quy định, trong đó, có nhiều đồng chí hoàn thành vượt mức chỉ tiêu.

Hoạt động khoa học của Khoa từng bước khởi sắc. Trong 5 năm qua, tập thể khoa đã hoàn thành 01 đề tài cấp trường “Đánh giá chất lượng sau đào tạo, phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị”, được Hội đồng nhà trường nghiệm thu đánh giá đạt loại khá và đã được ứng dụng trong công tác đào tạo của nhà trường. Nhiều cán bộ, giảng viên của khoa không chỉ viết bài tham gia các hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa, giữa nhà trường với Câu lạc bộ trí thức tỉnh tổ chức; viết bài đăng trên nội san, đặc san của Trường, mà còn thường xuyên viết bài cho các báo, tạp chí của trung ương và địa phương. Hàng năm, 100% giảng viên của Khoa đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định; nhiều bài viết đã được Hội đồng sáng kiến nhà trường công nhận và được các phòng, khoa trong trường đưa vào sử dụng đạt hiệu quả.

Với những kết quả đạt được trên, từ năm 2008 - 2010, Khoa đã liên tục được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tặng Bằng khen và công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Đặc biệt, trong năm 2011, tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đó vừa là vinh dự, nhưng đồng thời, cũng đòi hỏi mỗi thành viên trong Khoa cần ý thức hơn nữa trách nhiệm của bản thân mình trong việc góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu quy định về hoạt động khoa học, nghiên cứu thực tế; nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào, các cuộc vận động do Ban Giám hiệu, các đoàn thể nhà trường phát động; thực hiện tốt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; tăng cường xây dựng khối đoàn kết, nhất trí, cùng phấn đấu giữ vững danh hiệu thi đua mà Khoa đã đăng ký hàng năm./.

 

                                                         ThS Lê Thị Tuyết Vân


  • |
  • 994
  • |

Các tin khác