BỘ TƯ BẢN CỦA C.MÁC - LÝ LUẬN VÀ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN

  • /
  • 14.3.2013 - 15:51

Bộ Tư bản - tác phẩm nòng cốt, tác phẩm trung tâm trong toàn bộ học thuyết Mác, là một công trình khoa học vĩ đại, là cả một cuộc đời C.Mác.

Ngay khi chưa có quyển I bộ Tư bản, trong thư gửi Ăngghen, C.Mác đã tâm sự: tôi tự coi mình thật sự là không thực tiễn nếu như tôi chết mà không viết xong cuốn sách của mình dẫu chỉ viết xong bản thảo mà thôi. Với trái tim và khối óc vĩ đại, bộ Tư bản - công trình đồ sộ nhất và đặc trưng nhất của chủ nghĩa Mác đã được xuất bản lần đầu tiên trên 5.000 trang, gồm 4 quyển, 10 tập, 24 phần, 124 chương; trong đó, tập trung 3 quyển đầu gồm 8 tập, 18 phần, 106 chương. Trong 3 quyển hình thành 5 học thuyết lớn và rất nhiều lý luận.

Quyển I: Quá trình sản xuất của tư bản: Hình thành 3 học thuyết lớn: học thuyết về giá trị, học thuyết về giá trị thặng dư, học thuyết về tích lũy tư bản. Có 09 lý luận: lý luận về hàng hóa, giá trị, tiền, tư bản, giá trị thặng dư, tiền công, tích lũy, bần cùng hóa giai cấp vô sản, tích lũy nguyên thủy tư bản chủ nghĩa.

Quyển II: Quá trình lưu thông của tư bản: Hình thành học thuyết về lưu thông tư bản. Có 05 lý luận cơ bản: lý luận tuần hoàn tư bản, chu chuyển tư bản, tái sản xuất tư bản xã hội, phân phối sản phẩm và thu nhập quốc dân, khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản

Quyển III: Toàn bộ quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa: Hình thành học thuyết về sự chuyển hóa của giá trị thặng dư. Có 05 lý luận: lý luận tỷ suất giá trị thặng dư, lợi nhuận bình quân, tư bản thương nghiệp, tư bản cho vay, địa tô tư bản chủ nghĩa.

Với nhiều học thuyết, lý luận, bằng phương pháp biện chứng duy vật, người đọc tiếp nhận một cách sinh động mâu thuẫn biện chứng khi C.Mác phân tích mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa, quan hệ giữa nhà tư bản và người vô sản trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; hiểu sâu sắc hơn về sự phát sinh và phát triển các hình thái giá trị, từ hình thái giản đơn đến hình thái cao nhất là tiền tệ. Thật hấp dẫn khi C.Mác phân tích bản chất bóc lột giá trị thặng dư và hình thức biểu hiện che giấu bóc lột giá trị thặng dư - lợi nhuận, làm cho người ta lầm tưởng rằng tiền sinh ra lợi nhuận, lừa người ta rằng chủ nghĩa tư bản là sòng phẳng; nhận thức đầy đủ hơn mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; vai trò, bản chất của đấu tranh giai cấp; lịch sử phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội; sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản; liên minh công nông … Trước những kết luận chính trị của bộ Tư bản, biết bao nhà lý luận chính trị, nhà khoa học nói, ca ngợi, tìm hiểu về nó, nhưng kẻ thù và các thế lực phản động đã căm thù, tìm cách công kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, thậm chí còn lợi dụng, giả danh nó để mưu lợi ích giai cấp mình. Ănghen đã nhận xét: Học thuyết của Mác là một học thuyết vạn năng vì nó chính xác, hoàn bị và chặt chẽ, … cũng chính vì thế mà C.Mác là người bị thù oán nhất, bị vu khống nhiều nhất …

Trên thực tế, trong điều kiện mới, cho dù chủ nghĩa t­ư bản đang nắm ưu thế về vốn, khoa học - công nghệ, thị trường, có thay đổi, thích nghi và phát triển, nhưng bản chất bóc lột, phản động của nó vẫn không thay đổi; dẫu nó đang cố gò lực lư­ợng sản xuất trong khuôn khổ chật hẹp của quan hệ sản xuất dựa trên cơ sở chiếm hữu t­ư nhân tư­ bản chủ nghĩa về t­ư liệu sản xuất, thì mâu thuẫn đó không những vẫn tồn tại, mà có mặt còn sâu sắc hơn, lan ra phạm vi rộng hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm qua đã nói lên những hạn chế của chủ nghĩa tự do kinh tế, những mâu thuẫn không thể khắc phục và giới hạn của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Chỉ có học thuyết kinh tế của Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp vô sản trong toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa. Hiện nay, lực lượng sản xuất trên toàn thế giới đã có bước phát triển nhảy vọt, của cải vật chất làm ra dồi dào, nếu có một quan hệ sản xuất phù hợp, một chế độ phân phối công bằng, hợp lý thì đủ để nuôi sống tốt hơn 7 tỉ người trên hành tinh …

Nghiên cứu bộ Tư bản của C.Mác giúp nhận thức được cả ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, trong đó Kinh tế chính trị là phần chủ yếu và trực tiếp nhất. Thông qua việc phân tích, phê phán chủ nghĩa tư bản, bộ Tư bản đã đem lại cho những người cộng sản những kiến thức không chỉ để hiểu quy luật vận động khách quan của lịch sử, quy luật ra đời, tồn tại, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản, mà còn giúp có thêm niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội, nó đã trở thành hành trang lý luận của những người cộng sản và giai cấp công nhân đã tìm thấy trong bộ Tư bản địa vị của mình, kẻ thù của mình và con đường của mình. Đúng như Ăngghen đã viết trong lời tựa bộ Tư bản: Trên lục địa, người ta thường gọi quyển Tư bản là “Kinh thánh của giai cấp công nhân”./.

         

                                                                                          Nguyễn Thị Thủy

                                                                                      Khoa LLMLN, TTHCM


  • |
  • 6660
  • |

Các tin khác