C. Mác - Một tri thức khoa học uyên bác, không ngừng nghiên cứu, học tập, người nhận thức sớm xu thế vận động của thời đại.
C. Mác: đọc thạo tất cả các thứ tiếng ở Châu Âu và viết được ba thứ tiếng là Đức, Pháp, Anh. Tủ sách của ông gồm hơn một nghìn bộ sách, nhưng ông vẫn rất thường xuyên đi thư viện quốc gia Anh. Ngay cả những kẻ đối địch của Mác cũng phải thừa nhận kiến thức uyên thâm của ông bao gồm không những lĩnh vực chuyên môn của Mác là kinh tế chính trị mà cả sử học, triết học, văn học thế giới.
Mác xuất thân là g/c tư sản và lúc đầu ông đứng trên lập trường g/c tư sản nhưng khi tham gia hoạt động thực tiễn, Ông đã nhanh chóng từ bỏ lập trường g/c tư sản và chuyển hẳn sang lập trường của g/c công nhân vào năm 1844 với sự khẳng định “Sự sụp đổ của g/c tư sản và sự thắng lợi của g/c vô sản đều là tất yếu như nhau”.
C. Mác - ý chí và tinh thần sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì lợi ích của nhân loại.
Từ bỏ lập trường g/c tư sản là Ông từ bỏ vinh hoa phú quý và bước chân vào cuộc sống nghèo đói, bấp bênh của người vô sản, bước chân vào cuộc đấu tranh đầy gian khổ của g/c công nhân.
Thế nhưng trong cuộc sống cùng quẫn đó, các tác phẩm vĩ đại của ông vẫn được lần lượt ra đời, ông vẫn hoạt động không mệt mỏi để lãnh đạo phong trào công nhân và căn nhà nhỏ tồi tàn của ông vẫn luôn là chỗ nương thân của tất cả những người lưu vong. Ông nói: Chúng ta đòi ngày làm việc 8 giờ, nhưng bản thân chúng ta thì mỗi ngày lại làm việc gấp đôi.
Có thể nói cả cuộc đời của Ông cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng đã là một cuộc đời hạnh phúc, không bị những suy tính, ích kỷ, nhỏ nhen tầm thường vấy bẩn, Ông đã sống một cuộc đời vì hạnh phúc của nhân loại mà như đánh giá của Ăng ghen thì: Các chính phủ - cả chuyên chế lẫn cộng hoà - đều trục xuất ông, bọn tư sản, cả bảo thủ lẫn dân chủ cực đoan - đều thi nhau vu khống và nguyền rủa ông. Mác đã gạt sang một bên những cái đó, coi như là cái mạng nhện vướng chân trên bước đường đi của mình, không thèm để ý đế chúng và chỉ đáp lại khi thấy hết sức cần thiết mà thôi. Và ông đã mất đi, hàng triệu người cộng sự cách mạng với ông ở khắp Châu Âu và Châu Mỹ, từ những hầm mỏ Xibia cho đến Caliphoocnia, đã tôn kính, yêu mến và khóc thương ông.
Kỷ niệm 130 năm ngày mất của C.Mác, chúng ta những người cộng sản ngày nay soi mình vào tấm gương của Ông để thấy rõ mình hơn, để xác định rõ ràng hơn ý nghĩa và mục đích sống.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn có nhiều sự thay đổi lớn so với thời kỳ của C. Mác; tuy nhiên, những thay đổi đó lại càng đòi hỏi ta phải trau dồi, nâng cao hơn nữa đạo đức, ý thức, tri thức và tinh thần sẵn sàng hy sinh của một người cộng sản.
Để thực hiện vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo cuộc cách mạng xây dựng CNXH trong thời đại kinh tế tri thức, những người đảng viên phải nắm vững được tri thức, làm chủ tri thức trong lĩnh vực công tác của mình, không ngừng nghiên cứu học tập bổ sung kiến thức, không được chủ quan, thoả mãn vì sự bùng nổ thông tin và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay sẽ dễ làm cho chúng ta bị tụt hậu. Bên cạnh đó, việc tu dưỡng đạo đức, nâng cao ý thức chính trị, trình độ giác ngộ cách mạng của mỗi đảng viên là vấn đề đang được toàn Đảng, toàn dân ta quan tâm. Với điều kiện vật chất sẵn có hiện nay, sự chênh lệch về mặt bằng kinh tế giữa các bộ phận dân cư đã tác động không nhỏ đến tâm tư, nhu cầu hưởng thụ của không ít đảng viên. Trong đó có những người bằng lao động chính đáng, hợp pháp đã nâng cao được đời sống vật chất của mình, nhưng cũng có một bộ phận khác đang đánh mất mình bằng những việc làm vi phạm đạo đức, tư cách của người đảng viên, vi phạm pháp luật.
Chúng ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương 4 “Những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thì việc học tập tấm gương trong sáng, cao cả, vĩ đại của C Mác là điều cần thiết, nó sẽ tiếp thêm động lực cho mỗi đảng viên trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện, sữa chữa mình./.
Nguyễn Thị Thuận Bích