GIA ĐÌNH VỚI VẤN ĐỀ DÂN SỐ

  • /
  • 18.6.2013 - 16:32

Gia đình là nơi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng, giáo dục; là yếu tố đầu tiên quyết định đến chất lượng và số lượng dân cư của một quốc gia; vì vậy, gia đình có vai trò rất quan trọng đối với vấn đề dân số.

Sinh con, duy trì nòi giống không chỉ là nhu cầu tự nhiên của mỗi gia đình, điều này còn có một ý nghĩa lớn lao, đó là cung cấp những lớp người mới đảm bảo cho sự phát triển trường tồn của xã hội. Vì vậy, các gia đình phải có kế hoạch sinh đẻ phù hợp với chiến lược dân số quốc gia, vì tốc độ gia tăng dân số, mật độ và sự phân bố dân cư …có liên quan trực tiếp đến các chiến lược và trình độ phát triển kinh tế, xã hội; việc sinh đẻ của gia đình phải đảm bảo tạo ra một cách có kế hoạch nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái của gia đình có vai trò quan trọng đối với chất lượng dân số của mỗi quốc gia. Thể chất, trí tuệ của mỗi người trước hết do việc nuôi dưỡng, giáo dục các thành viên của gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên giúp con người hình thành nhân cách và những bài học vỡ lòng đó sẽ theo họ suốt cuộc đời. Giáo dục trong gia đình khác giáo dục trong nhà trường, chủ yếu thông qua lời nói, thái độ ứng xử giữa các thành viên, bằng con đường noi gương và tình cảm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về Điều tra dân số và kế hoạch hoá gia đình, tại thời điểm ngày 01/4/2012, dân số Việt Nam là 88.526,883 người (tăng 915.000 người so với thời điểm ngày 01/4/2011); mật độ dân số là 267 người/km2, tại Đông Nam Á mật độ dân số Việt Nam chỉ sau Philippines và Singapore. Tỷ lệ sinh con thứ ba ở phụ nữ từ 15 - 49 vẫn đạt 14,4%. Tỷ lệ bé trai là 112,3 trên 100 bé gái đã cho thấy mất cân bằng giới tính đang trở nên nghiêm trọng.

Số lượng đông, mật độ cao, xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh gia tăng đang là gánh nặng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Một trong những tác động của sự gia tăng dân số không đi đôi với phát triển kinh tế là vấn nạn thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của cả nước trong năm 2012 là 3,25%. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 với mức 3,9%. Đồng bằng sông Cửu Long (không tính TP HCM) và Hà Nội đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực miền núi và trung du phía Bắc ở mức thấp nhất, gần 0,8%. Đi đôi với thất nghiệp là sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, môi trường ô nhiễm…

Về chất lượng dân số, tính chung cả nước, có tới 20,8% dân số Việt Nam chưa tốt nghiệp trung học cơ sở. Phần trăm người tốt nghiệp các bậc học còn giảm mạnh. Theo thống kê, chỉ 25,8% dân số Việt Nam tốt nghiệp tiểu học, 26,7% tốt nghiệp trung học cơ sở, 22,8% tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. 16,6% trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo chỉ chiếm 46%.

Từ thực tế đó, chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, cung cấp những kiến thức cần thiết cho các gia đình Việt Nam trong việc sinh con có kế hoạch; xoá bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ; quan tâm đến việc nuôi dạy con một cách khoa học, để trở thành những người có đủ sức khỏe, trí tuệ, nhân cách; xây dựng mỗi gia đình là một tế bào lành mạnh của xã hội, như Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”./.

                                                         Thuận Bích


  • |
  • 1057
  • |

Các tin khác