GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

  • /
  • 19.6.2013 - 8:14

Trong những năm gần đây, vấn đề gia đình được cả cộng đồng quốc tế quan tâm, chính vì vậy năm 1994 được chọn là Năm quốc tế về gia đình. Ở nước ta, năm 2001 Đảng và Nhà nước ta đã lấy ngày 28/6 là Ngày Gia đình Việt Nam; năm 2013 là năm gia đình Việt Nam.

Việc lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đến gia đình, luôn coi trọng gia đình, khẳng định vai trò của gia đình đối với xã hội và xã hội đối với gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Gia đình - cái gốc của con người, nơi con người sinh ra và bắt đầu cuộc sống; trong suốt cuộc đời, gia đình luôn là điểm tựa, là cội nguồn của tình cảm, là cái nôi của sự yên bình, là tế bào lành mạnh của xã hội. Bởi vậy, gia đình, hai tiếng thân thương, chứa đựng xiết bao ân tình, gắn liền với bao kỷ niệm êm đềm trong mỗi con người. Ở gia đình, con người được đùm bọc về mặt vật chất và giáo dục về tâm hồn, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; là mạch nguồn trao truyền những giá trị nhân văn sâu sắc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù đi đâu mỗi người đều nhớ về gia đình, mỗi khi gặp sóng gió, chông gai hay thất bại trong trường đời, đều muốn trở về mái ấm của mình để được cảm thông, an ủi; những khi thành công trong cuộc sống muốn trở về gia đình để cùng chia sẻ và tận hưởng niềm hạnh phúc bên nhũng người thân yêu, ruột thịt của mình.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đa số gia đình, các thế hệ gắn bó chặt chẽ, gần gũi hơn về mặt tình cảm; vợ chồng chung thủy, con cháu hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột chia ngọt sẻ bùi; họ hàng, làng xóm cưu mang, đùm bọc nhau. Các thế hệ gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau, người già được con cái phụng dưỡng chu đáo, trẻ em được nhiều người quan tâm; gia đình vẫn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Bên cạnh đó, công tác gia đình hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một số gia đình còn coi trọng và đề cao quyền lực vật chất, xem nhẹ quan hệ tình cảm, buông lỏng việc giáo dục các thành viên về ý thức trách nhiệm, lối sống lành mạnh, giáo dục lòng biết ơn, đạo hiếu với cha mẹ, cách cư xử lễ phép với người lớn, người già; nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng, thế hệ; vấn đề bạo lực gia đình, ly hôn có chiều hướng gia tăng, không những ảnh hưởng xấu đối với gia đình, con cái họ, mà còn là gánh nặng cho xã hội. Mặt khác, độ cố kết trong một số gia đình thường lỏng lẻo, sự ảnh hưởng tới nhau bị hạn chế, sự nuôi dưỡng người già rất khó khăn, nhất là về mặt tinh thần, có hiện tượng con cái không coi trọng việc chăm sóc cha mẹ già, bỏ mặc trong sự cô đơn, thiếu thốn; trẻ em thiếu sự chăm sóc, giáo dục, đùm bọc của ông bà, các hoạt động xã hội và giao tiếp của trẻ em khó kiểm soát, thậm chí bị bỏ rơi, trở nên hư hỏng…

Để hạn chế những thách thức làm suy yếu gia đình, bên cạnh việc xã hội tạo điều kiện, mỗi gia đình và từng thành viên trong gia đình phấn đấu xây dựng một gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững vừa là nghĩa vụ cao cả, mang ý nghĩa nhân văn thiết thực và biểu hiện của tiến bộ, phát triển xã hội, vừa phải biết phát huy những nét đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu những tiến bộ về gia đình của thời đại nhằm xây dựng gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”./.

                                                                                           Nguyễn Thị Thủy

                                                                                     Khoa LLMLN, TTHCM


  • |
  • 1076
  • |

Các tin khác