Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc phê bình và sửa chữa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành vào tháng 10 năm 1947 nhằm xây dựng, bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ để họ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Tác phẩm đề cập đến 6 vấn đề cơ bản: công tác học tập lý luận chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, đánh giá bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, phương thức lãnh đạo, cách nói cách viết trong công tác tuyên truyền và đặc biệt là nguyên tắc phê bình và tự phê bình. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một trong những nguyên tắc đảm bảo cho Đảng tồn tại và phát triển đó là phê bình và tự phê bình, khắc phục cho được tình trạng hữu khuynh, né tránh cũng như thiếu xây dựng trong phê bình, thiếu trung thực trong phê bình. Người chỉ rõ: mục đích phê bình cốt để giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì đối tượng phê bình là đồng chí, đồng nghiệp và chính bản thân mình nên việc phê bình và tự phê bình phải ráo riết, triệt để, thật thà không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, không được dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Bởi vì, chúng ta phê bình việc làm, chứ không phải phê bình con người. Và bản thân những người bị phê bình phải vui lòng tiếp thu để sửa đổi, không nên vì phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét.[1]

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sữa. Phải như thế, Đảng mới nhanh chóng phát triển, công việc mới nhanh chóng thành công”[2]. Nếu không kiên quyết sữa chữa giống như bệnh để lâu ngày, càng thêm nặng. Và người nêu lên những căn bệnh mà người cán bộ thường mắc phải cần phê bình và sửa chữa. Đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Mỗi chứng bệnh ấy là một kẻ thù nguy hiểm. Nó có thể phá chúng ta từ trong phá ra. Vì vậy, chúng ta phải hết sức đề phòng, nếu mắc phải nên ra sức sửa chữa ngay nếu để nó lây ra “thì có hại vô cùng”.

Đặc biệt, Người cảnh báo hiện tượng cấp trên, cấp dưới tách biệt nhau. Quần chúng xa rời Đảng. Các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng “không dám nói”, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình vì “họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không  nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác”[3]. Còn quần chúng họ không dám nói ra để trong lòng, rồi sinh uất ức dẫn đến “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng” hoặc “thậm thà, thậm thụt” và hàng loạt thói xấu khác. Vì vậy, mọi người phải tự phê bình ráo riết, mạnh dạn nêu lên những ưu điểm và vạch ra những khuyết điểm của mình; cố gắng sửa chữa và lấy lòng thân ái, lòng thành thật mà phê bình đồng chí mình. Người cũng chỉ ra rằng: những người phê bình người khác mà không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc thì đó chỉ là những người công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí. Nhưng theo Người, khi phê bình người khác phải biết cách, phải khéo léo, phải sáng suốt để người bị phê bình nhận ra khuyết điểm của mình và tự sửa chữa. Đồng thời, bên cạnh chỉ rõ những khuyết điểm cũng phải nêu lên những ưu điểm để vừa sửa chữa cho nhau, vừa khuyết khích nhau. Mục đích là cho mọi người học tập ưu điểm của nhau và giúp nhau khắc phục những hạn chế.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng ta cần phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Nếu sợ mất uy tín, thể diện mà không dám tự phê bình là “quan liêu hoá”, tức là tự mãn tự túc, tức là mèo khen mèo dài đuôi. Người viết: “một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân thành”[4]. Còn đối với mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu “Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính” được như thế Đảng ta sẽ “mạnh khoẻ vô cùng”

Phê bình và sửa chữa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là sự thể hiện những tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tư tưởng này đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, then chốt thường xuyên của Đảng ta; khắc phục được tình trạng thiếu xây dựng trong phê bình, thiếu trung thực trong phê bình.

Trong những năm qua, Đảng ta luôn học tập và thực hiện tư tưởng quan trọng này; ra sức xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chính vì thế, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam lập nên những kì tích của thế kỷ XX và giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN. Có thể nói, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với những nguy cơ thách thức lớn trong đó có nguy cơ về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của Việt Nam trong thời kì mới. Vì vậy, Đảng ta đã phát động và tiến hành cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn đảng; trong đó, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương IV - khóa XI  Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và tiếp tục đẩy mạnh “việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên toàn quốc nhằm chấn chỉnh lại nhận thức tư tưởng, nâng cao trình độ chính trị lý luận, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.

Ngày nay, khi đọc lại phê bình và sửa chữa trong tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” của Bác, bản thân vẫn thấy nguyên giá trị to lớn của nó. Nhất là khi các đảng viên nói chung, đảng viên trẻ ở Trường Chính trị Bình Thuận nói riêng ngày càng ít dám nói, ít dám đấu tranh và hầu như trong bản kiểm điểm bao giờ cũng có câu “Tinh thần phê và tự phê chưa cao” thì việc nguyên cứu lại phê bình và sửa chữa để thấm nhuần và thực hiện tốt việc phê bình và tự phê bình trong cơ quan là điều rất quan trọng. Giúp chúng ta dám nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình để sửa chữa. Cũng như phê bình đồng chí, đồng nghiệp mình một cách triệt để, nhưng trên tinh thần thành thật và chân tình để giúp nhau cùng khắc phục, cùng tiến bộ. Có như thế, mới có thể góp phần xây dựng Đảng bộ trường Chính trị tỉnh Bình Thuận ngày càng vững mạnh và trong sạch./.

 


[1] Sữa đổi lối làm việc - Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, H, 1959, tr232.

[2] Sdd, tr233.

[3] Sdd, tr243.

[4] Sdd, tr261.


Các tin khác