Trao đổi về nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng

Quá trình diễn thuyết, người nói tác động đến người nghe chủ yếu thông qua hai kênh: kênh ngôn ngữ gồm: lời nói, ngữ điệu của lời nói, cường độ lời nói, nhịp độ lời nói kênh phi ngôn ngữ gồm: tư thế đứng trước công chúng, cử chỉ và diện mạo.

Diễn thuyết trước công chúng là cách thức (nghệ thuật) trình bày một vấn đề trước một nhóm người, hay đám đông nhằm truyền tải thông tin, hoặc thông điệp làm cho người nghe hiểu, tin tưởng, bị thuyết phục và có thể thay đổi hành vi theo định hướng của  diễn giả.

Mục tiêu của nghệ thuật diễn thuyết có thể kể từ việc chuyển tải thông tin đến hô hào lôi kéo công chúng đi đến hành động, hoặc chỉ đơn giản là kể một câu chuyện. Một nhà hùng biện tài năng không chỉ cung cấp thông tin cho người nghe mà còn có thể làm thay đổi cảm xúc của họ. Vậy trong quá trình diễn thuyết, người nói tác động đến người nghe chủ yếu thông qua hai kênh: kênh ngôn ngữ và kênh phi ngôn ngữ (mối quan hệ ngược người nghe - người nói cũng được thực hiện bằng hai kênh này).

Thứ nhất: Kênh ngôn ngữ (có tài liệu gọi là cận ngôn ngữ tức là những yếu tố đi liền với ngôn ngữ); người diễn thuyết có thể sử dụng các yếu tố như: lời nói, ngữ điệu, cường độ, âm lượng, nhịp độ lời và sự ngừng giọng. v.v. để tạo ra sự hấp dẫn cho bài nói. Bênh cạnh đó, ngữ điệu của lời nói phải phong phú, biến hóa, có sự vận động của âm thanh, tránh cách nói đều đều, đơn điệu, buồn tẻ. Cường độ lời nói cần phù hợp với khuôn khổ kích thước hội trường, số lượng và đặc điểm người nghe; nhịp độ lời nói (nói nhanh hay nói chậm) phụ thuộc vào nội dung bài nói, tình huống và không gian giao tiếp, khả năng hoạt động của tư duy và sự chú ý của người nghe. Mặc khác, ngừng giọng cũng là yếu tố kỹ năng sử dụng kênh ngôn ngữ trong diễn thuyết. Việc sử dụng kỹ năng ngừng giọng là để nhấn mạnh tầm quan trọng, tạo ra sự chú ý của người nghe đối với một vấn đề nào đó. Chính vì vậy mà thời điểm ngừng giọng được chọn là ở chỗ có ý quan trọng, còn độ dài ngừng giọng phụ thuộc vào cảm xúc của người nói và ý muốn tạo ra sự chú ý ở người nghe. Đồng thời, kết hợp nhuần nhuyễn với các phương pháp khác và trực quan hóa một cách phù hợp để tạo điều kiện và môi trường cho người nghe tham gia vào buổi diễn thuyết chủ động, tích cực, nhờ vậy, người nghe mới tiếp thu được một cách hiệu quả. Song song với những yêu cầu đó, người diễn thuyết nên chốt kiến thức sau mỗi phần nội dung để công chúng dễ ghi nhớ và theo dõi kịp bài diễn thuyết, kết thúc bài diễn thuyết cần có tóm tắt toàn bộ nội dung và đưa ra một lời kêu gọi.

Thứ hai: Kênh phi ngôn ngữ (có tài liệu gọi là kênh tiếp xúc cơ học hay các yếu tố về hành vi). Ngôn ngữ không lời đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của bài diễn thuyết. Do vậy, người diễn thuyết cần biết sử dụng ngôn ngữ không lời một cách hiệu quả và phù hợp. Ngôn ngữ không lời thể hiện qua trang phục, điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt, thái độ của người diễn thuyết. Do vậy, cần chú ý lựa chọn trang phục lịch sự, phù hợp với đối tượng để thể hiện sự tôn trọng người nghe. Khi diễn thuyết không nên mặc quần áo quá chật, nhất là vùng bụng để thở thoải mái. Cần tạo lập mối quan hệ tốt với công chúng bằng ánh mắt. Nhìn người nghe để họ có cảm giác ta đang trao đổi với họ, nhưng không nhìn đăm đắm quá lâu vào một người vì như vậy làm cho họ sợ. Tránh nhìn lên trần nhà hoặc nhìn xuống, hãy rời bục diễn thuyết để đến gần hơn với người nghe, điều này tạo cảm giác thân thiện, gần gũi giữa người diễn thuyết và người nghe.

Thiết nghĩ, người diễn thuyết trước công chúng ngoài việc sử dụng thành thạo hai kênh cơ bản đã nêu trên; để một bài diễn thuyết thu hút sự chú ý của người nghe, thì bài diễn thuyết phải có nội dung mới, thiết thực, mang tính thời sự, được trình bày logic chặt chẽ, ngôn ngữ chính xác, phổ thông và có tính biểu cảm./.    


Các tin khác