Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng bí thư Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng của dân tộc ta từ những năm 20 đến những năm 80 của Thế kỷ XX, nêu tấm gương sáng của một chiến sỹ cộng sản tiên phong, trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa, Tổng bí thư Lê Duẩn đã giải quyết thành công nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn của cách mạng Việt Nam, trong đó có chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của lực lượng trí thức qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định, trí thức là người có hiểu biết sâu rộng, không chỉ do học tập chính quy có văn bằng ở bậc cao, mà còn là những người tự học nâng cao hiểu biết của mình trong việc làm, trong cuộc sống. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11/1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, Người đã tham gia tích cực để soạn thảo nghị quyết quan trọng. Nghị quyết nêu cao ngọn cờ dân tộc, vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc, tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh niên, tiểu tư sản trí thức. Hay trong đề cương Đường lối cách mạng miền Nam, Người nhấn mạnh: “Phải đẩy mạnh lòng yêu nước chân chính trong các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức”, “tranh thủ những nhân vật có tên tuổi, những thân sĩ yêu nước vào mặt trận”.
Được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng lâu dài, Người luôn luôn quý trọng, đề cao vai trò của trí tuệ, vai trò của những người trí thức. Chính vì vậy, trong những năm phong trào cách mạng ở tình thế nước sôi lửa bỏng, với lòng tin chân thành và thật lòng trọng dụng đội ngũ trí thức, Người đã cảm hóa và quy tụ những tên tuổi tiêu biểu trong đội ngũ trí thức như Huỳnh Văn Tiểng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thư… hăng hái tham gia kháng chiến. Ngưỡi đã đặt những người đứng đầu các giáo phái vào những trọng trách nhất định để họ thật sự được phát huy uy tín và khả năng của mình, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp tục đề cao vai trò của trí thức trong sự nghiệp đổi mới. Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
“Đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay khá hùng hậu, với khoảng 1,5 triệu người, bao gồm những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, hàng ngàn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hàng chục ngàn thạc sĩ, hoạt động trên tất cả các ngành nghề, trong đó đông đảo nhất là khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hoá. Có 70% - 80% công chức trong bộ máy các cơ quan Trung ương đã có trình độ đại học, tỉ lệ này ở tuyến quận, huyện là 50%. Trong khoảng 4 triệu Việt kiều định cư ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở các nước phát triển, thì có khoảng 400.000 trí thức được đào tạo rất bài bản về chuyên môn ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về khoa học - công nghệ, về quản lý kinh tế, làm việc trong các trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ ở nước ngoài. Họ là nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt khi đất nước ta tham gia hội nhập quốc tế. Qua thống kê cho thấy, số lượt chuyên gia trí thức Việt kiều về làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước chiếm đến 55%; số lượt trí thức về nước tham gia giảng dạy và hợp tác nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu chiếm khoảng 45%.”[1]
Để phát huy vai trò của đội ngũ tri thức trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới công tác trí thức, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước:
Một là, hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, trong đó chú trọng việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách xã hội nhằm xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ thích đáng đối với trí thức.
Hai là, xây dựng chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trong đó quy định rõ trách nhiệm và trao quyền tự chủ cho từng cấp, từng ngành, từng vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý trong việc sử dụng, bổ nhiệm và thực thi các chính sách đãi ngộ của Nhà nước với trí thức, đặc biệt là đối với cán bộ đầu ngành, những người có trình độ chuyên môn - kỹ thuật cao.
Ba là, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức, bao gồm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học; đổi mới cơ chế quản lý, vận hành các trường đại học, các viện nghiên cứu; thực hiện tốt việc đưa sinh viên có triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài; bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ và mở ra nhiều hình thức, huy động các nguồn lực xã hội tham gia bồi dưỡng, đào tạo lại để đội ngũ trí thức đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Bốn là, củng cố và phát triển các hội trí thức nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức này trong việc tập hợp, đoàn kết, góp phần phát huy năng lực chuyên môn, khoa học, nâng cao và cập nhật tri thức, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân của đội ngũ trí thức.
Năm là, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với trí thức, trước hết là nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí của trí thức cũng như của công tác trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tóm lại, trong mọi thời kỳ lịch sử phát triển của thế giới cũng như của nước ta, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng quyết định trong sáng tạo, truyền bá tri thức. Thời đại ngày nay, khi khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng, nền kinh tế tri thức đã trở thành một tất yếu phát triển của nhân loại thì vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức càng trở nên to lớn, đó là một trong những điều kiện bảo đảm cho sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng./.
[1] Trích từ bài viết “suy nghĩ về phát huy vai trò đội ngũ trí thức ở nước ta hiện nay” của tác giả Đặng Đình Tân, Viện Chính trị học - Học viện CTQG Hồ Chí Minh.