Đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Thanh niên là những người có bầu máu nóng, giàu nghị lực và rất khát khao lý tưởng. Bởi vậy, đối với thanh niên, việc xác định lý tưởng đúng đắn là vấn đề rất quan trọng”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”[2]. Từ những lời dạy của Người, vận dụng vào cuộc sống thực tiễn, đồng chí Lê Duẩn nêu yêu cầu thanh niên chúng ta sống phải có lý tưởng cao thượng, người thanh niên phải có lý tưởng cách mạng. Thế nào là người thanh niên có lý tưởng cách mạng.
Trước hết, người thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc. “Lòng yêu nước đó là sự kết tinh của tinh thần giác ngộ cách mạng, giác ngộ về quyền lợi dân tộc và quyền lợi của giai cấp vô sản; là sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản”[3]. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Người thanh niên có lòng yêu nước nồng nàn phải có sự nhất trí cao trong việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa dân tộc - giai cấp - gia đình, khi cần thiết dám hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp; phải có tình yêu lớn: yêu nước, yêu nhân dân, yêu giai cấp; phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tất cả những cái đó không tách rời nhau, mà kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành tinh thần yêu nước sâu sắc và cao đẹp của thanh niên”[4]. Dân tộc Việt Nam ta xây dựng đất nước trên tình thương và đấu tranh: Thương nước, thương nhà, thương người, thương mình; đồng thời đấu tranh kiên cường bất khuất chống cường quyền, chống xâm lược. Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập với thế giới, thanh niên chúng ta cần nêu cao giá trị tinh thần đó. Đặc biệt, thanh niên cần phải xây dựng tình thương sâu sắc đối với nhân dân lao động. Thanh niên thời chiến thì xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, lúc hòa bình phát huy tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Thứ hai, người thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có dũng khí chiến đấu, kiên cường bất khuất, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, dám xả thân vì cách mạng, vì nhân dân, vì nghĩa lớn. Từ kinh nghiệm của bản thân, vận dụng vào công tác giáo dục thanh niên, đồng chí Lê Duẩn cho biết: “Hồi chúng tôi còn thanh niên, hễ cứ nói đến cách mạng là trong lòng thấy phấn khởi hẳn lên, như muốn bay, muốn nhảy, muốn đem sức mình lay chuyển cả đất trời. Biết làm cách mạng là phải hy sinh, gian khổ, nhưng vẫn say sưa, vẫn hăng hái làm cách mạng, dám sẵn sàng hy sinh vì cách mạng”[5]. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng, một trong những đức tính đầu tiên của người thanh niên cộng sản, đó là sự tận tụy và lòng trung thành. Chỉ có sự tận tụy thì mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng trong chiến đấu cũng như trong sản xuất hay bất cứ công tác cách mạng nào. Tận tụy gắn liền với lòng trung thành, trung thành đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí nhấn mạnh: “Lòng trung thành còn phải được nâng lên thành đức hy sinh, xả thân vì cách mạng. Không có đức tính hy sinh, không phải là người cách mạng chân chính. Muốn thực hiện lý tưởng mà không dám hy sinh thì chỉ là nói suông mà thôi”[6]. Khi người thanh niên đã biết quên mình vì lý tưởng thì họ có nghị lực, có sức mạnh phi thường. Không phải kẻ thù của chúng ta sợ vũ khí lợi hại, mà trước hết là chúng sợ dũng khí chiến đấu, tinh thần hy sinh, quả cảm của thanh niên. Biết bao lớp thanh niên đi trước đã ngã xuống như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi v.v. Có sự hy sinh của lớp người đi trước mới có thành quả cách mạng ngày nay. Lớp thanh niên ngày nay đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần “không ngại khó khăn, thiếu thốn, không sợ hy sinh”, gạt bỏ những toan tính được mất cho bản thân xung phong về nông thôn, lên vùng núi sâu, ra hải đảo xa xôi để làm dày thêm các công trình thanh niên. Không có đức tính hy sinh thì không thể đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.
Thứ ba, người thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Làm cách mạng phải có tổ chức, có tổ chức mới có sức mạnh. Có tổ chức chặt chẽ thì một trăm người có sức mạnh bằng ba, bốn trăm người. Do vậy, một trong những yêu cầu không thể thiếu được của người cách mạng là phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng, thanh niên vốn có lòng tự trọng cao, trọng phẩm chất, trọng danh dự. Phải mở rộng lòng tự trọng thành ý thức tôn trọng tổ chức, tôn trọng kỷ luật, tôn trọng tập thể - tức là ý thức tổ chức kỷ luật. Đồng chí nhấn mạnh: “Ý thức tổ chức kỷ luật là đạo đức không thể thiếu được của người thanh niên cách mạng, là biểu hiện của người thanh niên có quyết tâm phấn đấu vì lý tưởng cách mạng”.
Thứ tư, người thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có tri thức cách mạng, có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong mọi công tác, mọi hoàn cảnh.Theo đồng chí Lê Duẩn, thanh niên có tình cảm cách mạng, có dũng khí chiến đấu, có đức hy sinh, có ý thức tổ chức kỷ luật chưa đủ, mà còn phải quyết tâm học tập để hiểu biết về cách mạng, nắm vững những tri thức khoa học cách mạng.
Tri thức cách mạng tức là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Nắm vững tri thức cách mạng tức là phải hiểu và nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, am hiểu tình hình thực tiễn, có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, quân sự. Đồng chí Lê Duẩn thường nhắc tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Do ít hiểu biết tình hình trong và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, cho nên gặp thuận lợi thì dễ lạc quan, gặp khó khăn thì sẽ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo”. Và đồng chí yêu cầu đảng viên, cán bộ đoàn viên, thanh niên phải chú ý thực hiện tốt lời dạy của Người. Thanh niên ngày cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới.
Đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Thanh niên là người giàu lý tưởng cho nên cũng giàu tính sáng tạo. Nếu người thanh niên không có lý tưởng, thiếu nhiệt tình sôi nổi, sống chỉ để hưởng thụ, làm việc chỉ vì đồng lương... thì không có sáng tạo... Tự ti, ỷ vào người khác cũng không thể có sáng tạo, không phải là người cách mạng chân chính, không phải là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Hiện nay, nhiều phong trào lớn được phát động như Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước, Tuổi trẻ sáng tạo, Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, v.v. thu hút sự tham gia đông đảo thanh niên, tạo nên một sinh khí mới để thanh niên phát huy trí tuệ, sự sáng tạo của thanh niên vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là lý tưởng phấn đấu của nhiều thế hệ.
Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Bởi vậy, đối với thanh niên, việc xác định lý tưởng đúng đắn lý tưởng cách mạng là vấn đề rất quan trọng. Các quan niệm của đồng chí Lê Duẩn về “Thế nào là người thanh niên có lý tưởng cách mạng” là định hướng đúng đắn để thanh niên trẻ học tập và tu dưỡng./.
[1] Lê Duẩn: Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr.17, tr. 25, tr. 89, tr. 111
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 179, tr. 265
[3] Lê Duẩn: Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Thanh niên, 1978, tr 275
[4] Lê Duẩn: Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Thanh niên, 1978, tr 190
[5] Lê Duẩn: Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 81, tr. 82, tr. 83 - 84, tr. 102, tr. 102, tr. 103, tr. 105
[6] Lê Duẩn: Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 81, tr. 82, tr. 83 - 84, tr. 102, tr. 102, tr. 103, tr. 105