Liên quan đến xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020, cơ quan khí tượng thuỷ văn cho rằng, dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5 - 20%. Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020, đặc biệt là thời kỳ từ 6 - 15/3, xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2/2020 và cùng kỳ tháng 3/2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ (ranh mặn 4g/lít ở vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 82-85 km), sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.
Dù đã rút kinh nghiệm năm 2016 và các địa phương đã sớm chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng con số thiệt hại không hề nhỏ. Đầu tháng 3/2020, đã có 5 tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn. Những ngày này, ở hầu hết các cánh đồng lúa vụ 3, mọi người đều thấy một màu xám từ những vạt lúa cháy nắng, khô khốc, đồng ruộng nứt nẻ; hình ảnh trên trời màu đỏ, dưới đất màu trắng đã nói lên sự khốc liệt của hạn mặn. Nhiều địa phương trước đó có đưa ra khuyến cáo không xuống giống vụ 3, tuy nhiên theo người dân, nếu không xuống giống vụ 3 thì họ sẽ không biết làm gì nên sạ giống cầu may. Do vậy, việc mất trắng các diện tích lúa đông xuân ở các địa phương không thể tránh khỏi. Ở Tiền Giang, ngay trong vùng ngọt hóa, cây lúa cũng đang điêu đứng vì không có nước ngọt, nguy cơ giảm năng suất rất cao. Tại Bến Tre, khoảng 20.000ha cây ăn trái được đặt trong tình huống "báo động đỏ" khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt. Đến đầu tháng 3/2020, đã có nhiều vườn sầu riêng bị chết nhánh, khô lá, rụng trái do lâu ngày không được tưới. Tương tự, tại vùng chuyên canh cây sầu riêng thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhiều diện tích cây sầu riêng đã bị khô héo, rụng trái...
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của hạn mặn, thống kê ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An đang có 79.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong khi nước máy đã bị nhiễm mặn 4-5‰, không thể tắm giặt thì người dân bắt buộc phải đi mua nước ngọt từ nơi khác chở về với giá cắt cổ, có nơi lên đến 300.000 đồng/m3, dù giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng/m3. Các địa phương đã huy động các đơn vị quân đội dùng tàu hải quân chở nước ngọt cung cấp cho người dân; hỗ trợ người dân các dụng cụ trữ nước; mở rộng, nối dài hệ thống đường ống cấp nước, nâng cao công suất của các trạm cấp nước. Có thể kể đến một số hoạt động của các đơn vị như: Tổng công ty cấp nước Sài Gòn tiếp tục chi viện cho bà con vùng mặn Bến Tre 150.000 lít nước ngọt để phục vụ ăn uống, sinh hoạt; Quân chủng Hải quân đã điều động tàu chuyên dùng chở nước số hiệu 935, 936, 936 cùng các lực lượng của Vùng 2 Hải quân thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước ngọt giúp đỡ nhân dân các tỉnh miền Tây đang bị hạn mặn (gần 2000m3). Tính đến 16h ngày 23-3, báo Tuổi Trẻ đã nhận được tổng số tiền gần 2,7 tỉ đồng do các doanh nghiệp và bạn đọc đóng góp ủng hộ chương trình "Nước cho vùng hạn mặn" và chung tay phòng chống dịch COVID-19. Từ số tiền, trang thiết bị bạn đọc ủng hộ, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng các sở ngành chuyên môn hỗ trợ trang thiết bị... cho công tác phòng chống dịch cũng như hỗ trợ người dân miền Tây, Tây Nguyên đang đối đầu với hạn, mặn. Một chương trình ý nghĩa do báo Tuổi Trẻ phối hợp Mobifone, Tỉnh đoàn Sóc Trăng thực hiện vào sáng 24/3/2020. Theo đó, 200 bồn chứa nước loại 220 lít - món quà từ tài trợ của Mobifone đã được tặng cho bà con xã Đại Ân 2 và Viên An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, kinh phí 100 triệu đồng.
Nhằm hạn chế những thiệt hại do hạn mặn gây ra, công tác dự báo cần sớm và chính xác hơn. Cơ quan khí tượng thủy văn cần quan trắc độ mặn để có hướng xử lý kịp thời. Các địa phương có kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương làm tăng khả năng trữ ngọt vào mùa khô; duy tu, nâng cấp hệ thống cống, bọng để chủ động khắc phục, hạn chế rò rỉ, xâm nhập mặn; xây dựng đập thép, trạm bơm... tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc điều tiết, sử dụng nước phù hợp cho cây trồng; đồng thời, hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho những khu vực dân cư sống phân tán. Mặt khác, các địa phương cần tiếp tục khuyến cáo bà con về thời điểm xuống giống và bà con nông dân cần thực hiện nghiêm sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và phát triển các giống cây chịu mặn, đặc biệt là cây lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Một tín hiệu đáng mừng, những ngày này, ở một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long, do tuân thủ sự khuyến cáo của các ngành chức năng về thời điểm xuống giống, nên nông dân thu hoạch lúa với sản lượng khá cao và được giá (từ 5.100 đ đến 5.500đ/kg).
Với 7,7 tỉ người đang sinh sống trên Trái Đất, và dự báo có thêm 2 tỉ người nữa đến năm 2050, việc cung cấp đủ lương thực là rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với loạt vấn đề môi trường như mực nước biển dâng cao, khí hậu nóng lên toàn cầu. Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, chỉ còn chưa đầy 1% nước ngọt trên thế giới phục vụ cho con người, 70% trong số đó sử dụng trong nông nghiệp. Nhu cầu tăng cao về lương thực nhằm đáp ứng sự gia tăng dân số thế giới đã thúc đẩy các nhà sáng tạo tìm tòi, khám phá những khu vực mà nông nghiệp trước đây chưa từng phát triển. Một trong những sáng kiến đó là trồng lúa trên biển. Theo đó, công ty Agrisea ở New Zealand do hai nhà khoa học trẻ 24 tuổi sáng lập đã bắt tay nghiên cứu và thực hiện mô hình. Công ty cho biết muốn sản xuất giống lúa chịu mặn và xây dựng các nông trại nổi trên mặt biển vào năm 2021 với mô hình thí điểm xuất hiện vào cuối năm 2020. Điều này mở ra nhiều hy vọng về ứng dụng nông nghiệp trong thời kỳ mới- sự khốc liệt về thời tiết diễn ra ở phạm vi toàn cầu./.