Tất cả vì “nhân dân” trong cuộc chiến chống COVID-19

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rằng Chính phủ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân vì nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc ấm no, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

75 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã luôn nghe theo lời Bác dạy, dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ thế nào vẫn “Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “ dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng  của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn  đấu, tăng cường củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[1]. Hiện nay, nước ta đang bước vào giai đoạn quyết định sự thành công hay thất bại của cuộc chiến chống COVID-19. Trong cuộc chiến này, ngay từ khi mở màn, ta đã thấy thấm thía giá trị  bài học kinh nghiệm này của Đảng.

Theo cảnh báo ban đầu của thế giới, Việt Nam sẽ có tốc độ lây nhiễm cũng như số tử vong cao vì có đường biên giới dài và hoạt động giao thương kinh tế, quan hệ nhiều chiều, đa dạng với Trung quốc; cũng như mặt bằng kinh tế, y tế của nước ta còn thấp. Nhưng đến nay, thế giới đang hướng về Việt Nam với một niềm tin, sự ngưỡng mộ về kết quả phòng, chống dịch của chúng ta. Kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Chính phủ. Chăm lo cho sức khoẻ của nhân dân, đảm bảo tính mạng của người dân, giảm tối đa số ca tử vong vì dịch bệnh là cam kết của ngành Y tế, cũng là cam kết của Chính phủ đối với nhân dân, đối với “đồng bào” của mình.

Ngay từ khi dịch COCID-19 bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam đã tích cực, chủ động, sẵn sàng các giải pháp để ứng phó: Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 79-CV/TU, ngày 29/01/2020; Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 121/CĐ-CP, ngày 23/01/2020; Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 28/01/2020; Quyết định số 173/QĐ-TTg, ngày 01/02/2020 về việc phòng chống dịch viêm phổi cấp. Đồng thời chỉ thị các bộ, ngành, uỷ ban nhân dân các địa phương, các tổ chức, cá nhân phải coi công tác phòng chống dịch như “ chống giặc”, kiên quyết ngăn chặn dịch, kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cũng được thành lập. Bộ Y tế thành lập 25 đội phản ứng nhanh, Bộ Quốc phòng thành lập 20 đội, 4 bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ phòng, chống dịch.

Các biện pháp phòng, chống dịch được xác định cụ thể bao gồm:  thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh; cách ly; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế; bảo vệ cá nhân; kiểm soát ra vào vùng dịch; huy động, trưng dụng các nguồn lực chống dịch; hợp tác quốc tế và các biện pháp chống dịch khác. Thực hiện các giải pháp về lưu thông hàng hoá, bình ổn giá cả, thị trường, ổn định tâm lý người tiêu dùng; tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; bảo đảm cung cầu lao động, giảm thất nghiệp; thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng.

Việt Nam ghi nhận ca nhiễm đầu tiên COVID-19 ngày 23/01/2020. “Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khoẻ của nhân dân”, ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại nước ta. Giai đoạn 1, chúng ta là nước đầu tiên chữa trị thành công virus corona và đã điều trị khỏi 16/16 ca nhiễm bệnh, tất cả đều được miễn phí. Chính phủ Việt Nam đã đưa máy bay sang đón 30 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại tâm dịch Vũ Hán về nước. Ngày 06/3/2020, Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên từ Châu Âu, bắt đầu bước sang giai đoạn mới của cuộc chiến. Ngay lập tức các biện pháp phòng, chống dịch đã được triển khai quyết liệt và được sự đồng tình cao trong đông đảo nhân dân.  Cả hệ thống chính trị vào cuộc từ Đảng, Quốc Hội, Mặt trận Tổ quốc, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, ban điều hành khu phố,… đã cùng chung tay với các y, bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch.

 Nhà nước Việt Nam đang làm tất cả để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, với cam kết “trong cuộc chiến này không ai bị bỏ rơi”. Tất cả vì nhân dân mà phục vụ. Điều đó thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta; tính ưu việt được bắt nguồn từ những giá trị văn hoá tốt đẹp của Việt Nam, kết hợp với tính nhân văn cách mạng của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn./.  


 

1] Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng


Các tin khác