Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Bình Thuận – góp phần hướng tới phát triển bền vững

Xác định phát triển du lịch là một trong ba trụ cột nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Bình Thuận đang tập trung để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế tỉnh nhà.

Trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch của nước ta. Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp mang đặc trưng sắc thái địa phương, kết hợp với các loại hình du lịch khác, nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu phải phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.

Để du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, bên cạnh các sản phẩm du lịch cao cấp như du lịch nghĩ dưỡng, thể thao, giải trí… tỉnh còn chú trọng phát triển các dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống. Theo Kế hoạch số 3790-KH/UBND ngày 09/11/2022 của UBND tỉnh Bình Thuận về triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, khẳng định mục tiêu chung là “Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

Về tiềm năng, lợi thế so với nhiều địa phương trong cả nước, có thể nói Bình Thuận là nơi hội tụ đủ các yếu tố tự nhiên với sông, biển, núi, đồng bằng; lại là tỉnh nằm cuối của vùng đồng bằng duyên hải Nam trung bộ, giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ nối miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ nên thuận lợi thu hút được nhiều du khách, nhất là du khách nội địa với đa dạng loại hình du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Với diện tích đất nông nghiệp lớn (khoảng 356.746 ha), bờ biển dài 192 km, và vùng lãnh hải rộng lớn, Bình Thuận đang là địa phương có điều kiện để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp. Khí hậu, thổ nhưỡng phân hóa khá đa dạng cũng tạo thuận lợi phát triển đa dạng các loại cây ăn trái, cây công nghiệp phù hợp từng địa phương trong tỉnh (Tuy phong: thanh long, nho, táo…, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Lagi có thế mạnh trồng cây thanh long; Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh linh phù hợp trồng sầu riêng, măng cụt, bơ, chôm chôm, điều, cao su…). Bình Thuận cũng là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như các khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Tà Cú, khu bảo tồn biển Phú Quý, Cù Lao Câu, các bãi biển đẹp (Bình Thạnh, Cam Bình…) các đồi cát ven biển, hồ, thác nước (hồ Bàu Trắng - Bắc Bình; hồ Đa Mi - Hàm Thuận Bắc; Thác Bà -Tánh Linh…). Với những lợi thế đó, có thể kết hợp xây dựng, tổ chức các tour du lịch sinh thái phù hợp với từng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm du lịch, tiến đến phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững.

Thời gian qua, ở tỉnh ta nhiều tour du lịch sinh thái đã được triển khai như: Tour khám phá thác 9 tầng kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc; tour khám phá lòng hồ Hàm Thuận kết hợp tham quan các loại cây trồng trên các đảo của Lòng hồ Hàm Thuận; tham quan trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay các mô hình sinh thái nông nghiệp chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng phát triển bài bản; tại nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư. Còn tình trạng khách du lịch xả rác bừa bãi. Thiếu sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp du lịch, lữ hành du lịch và cơ quan quản lý ở địa phương.

Vì vậy, thời gian tới, để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chủ yếu như:

Thứ nhất, tỉnh cần có những định hướng phát triển đối với các khu, điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, có kế hoạch thực hiện một cách chi tiết, hiệu quả việc triển khai quy hoạch cụ thể ở các điểm, tuyến du lịch tại các địa phương, quy hoạch các điểm có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh để có thể khai thác một cách hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên du lịch. Đồng thời, phải đảm bảo tốt công tác quản lý, thực hiện quy hoạch theo đúng trình tự, các quy định của pháp luật.

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa ngành du lịch với ngành nông nghiệp, xây dựng một chiến lược lâu dài, toàn diện; đẩy mạnh sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng từng điểm du lịch; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng qua đó lắng nghe các ý kiến của các công ty lữ hành, đơn vị truyền thông, các cơ sở du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong tỉnh, từ đó có giải pháp phát triển các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp cho tỉnh nhà.

Thứ ba, tăng cường đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng sinh thái, có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường tuyên truyền người dân làm nông nghiệp sạch, hữu cơ, tránh gây ô nhiễm môi trường; tăng tính chuyên nghiệp cho người dân khi làm du lịch; hình thành các chuỗi liên kết trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Thứ tư, nhân rộng các mô hình điểm tham quan vườn thanh long, nho, táo, dưa lưới…đồng thời tiếp tục nghiên cứu phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại các vùng có cảnh quan thiên nhiên đẹp như Tánh Linh, LaGi, Hàm Thuận Bắc, …Từ đó góp phần quảng bá những giá trị về tự nhiên, văn hóa, con người, đem lại thu nhập cho người dân.

Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phát triển du lịch nông nghiệp sẽ là hướng đi mới bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, trải nghiệm…giúp đa dạng các loại hình du lịch, níu giữ du khách ở lại tỉnh ta dài ngày hơn. Người nông dân thông qua du lịch có thể quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của mình và qua đó thu nhập từ nông nghiệp của họ cũng tăng lên từ du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh một cách bền vững hơn./.


Các tin khác